Chủ trương của chúng ta không chỉ có Mỹ – Nhật mà bất kỳ nước nào muốn hợp tác quốc phòng, đều xuất phát từ lợi ích hòa bình…
Nhật Bản viện trợ 100 tỷ đồng và 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam
Điều đáng mừng với hệ thống phòng thủ biển Đông
Ngày 2/12, Đài TNHK đưa tin Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft, vừa tuyên bố rằng lực lượng do ông lãnh đạo có thể giúp Việt Nam cùng một số nước Đông Nam Á khác ”phát triển năng lực” trên biển, thực thi pháp luật hàng hải, duy trì hòa bình và an ninh biển.
Trước đó, ngày 29/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura cho biết, nước này đang chuẩn bị cho việc cung cấp tàu tuần tra mới cho Việt Nam.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Thiếu tướng Lê Mã Lương – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Với Việt Nam chúng ta đang có mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện lên tầm cao, không những với Mỹ, mà kể cả Nhật.
Những năm vừa qua, quốc phòng 2 nước đã có những bước phát triển mang tầm chiến lược, với Việt Nam việc bảo vệ Biển Đông cực kỳ quan trọng, hết sức nhạy cảm, đặc biệt, trong điều kiện quốc tế phức tạp như hiện nay.
Cho nên hơn bao giờ hết chúng ta có được sự hợp tác cụ thể với Mỹ về các phương tiện, thiết bị, đảm bảo phòng thủ đất nước, trên hướng Biển Đông, kể cả với Nhật Bản, đó là một thuận lợi rất lớn. Chủ trương của chúng ta không chỉ có Mỹ – Nhật mà bất kỳ nước nào muốn hợp tác quốc phòng, đều xuất phát từ lợi ích hòa bình mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào, chúng ta đều sẵn sàng có sự hợp tác.
Khi đó tự nhiên sẽ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đặc biệt là các lực lượng trên biển, trong đó có lực lượng hải quân, các đơn vị phòng thủ biển đảo và cả các đơn vị phòng thủ trên bờ của Việt Nam sẽ tăng cường năng lực chiến đấu đáng kể”.
Bên cạnh đó, theo thiếu tướng Lê Mã Lương, điều Việt Nam đang rất cần trong bối cảnh hiện nay, đó là có được các trang thiết bị, phương tiện hiện đại để giúp chúng ta nâng cao năng lực phòng thủ, chiến đấu của các lực lượng vũ trang.
Mà các phương tiện tàu của Nhật, nhất là tàu chiến, khả năng kiểm soát khống chế một vùng, một khu biển là khá tốt.
Hiện nay chúng ta đang thiếu những tàu tuần tra trên biển với lượng giãn nước lớn, các trang thiết bị trên tàu, nó không những khống chế một vùng trời, ngay cả một vùng biển, hướng ngầm của chúng ta. Chúng ta chưa có được những tàu nổi hiện đại như của Nhật, mặc dù vừa qua có hợp tác mua của Nga một số, tự đóng một số tàu chiến. Nhưng nếu nói về hiện đại, chúng ta còn có khoảng cách rất xa với tàu Nhật, trong điều kiện thời tiết, nhất là thời tiết khắc nghiệt.
Cho nên, nếu có sự trang bị các loại tàu tương đương như Nhật dành cho chúng ta, quả thật là một điều đáng mừng với hệ thống phòng thủ với biển Đông.
“Mấy năm vừa qua hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư đã được nhà nước quan tâm, đó là một trong những lực lượng có thể nói ưu tiên hàng đầu trên biển, tuy nhiên, nếu so với yêu cầu thực tế, một vùng biển sâu và dài, trong điều kiện nhạy cảm, phức tạp như hiện nay, lượng tàu có được chưa đáp ứng được trong điều kiện đặc biệt, để giữ vững chủ quyền biển đảo.
Trong đó, các trang thiết bị của chúng ta trên các tàu chưa đủ sức để khống chế vùng biển, trên mặt nước chưa nói liên quan đến vùng trời. Chưa nói bão từ cấp độ 1 trở lên, những con tàu của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Nói chung nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trên biển, nếu chúng ta có sự hợp tác sâu với Nhật Bản về lĩnh vực tàu, trình độ hải quân của Việt Nam đã nâng lên một tầm mới.
Tàu tuần tra có ý nghĩa quốc phòng an ninh rất lớn, thực chất nó là các con tàu có khả năng tác chiến trên biển cực kỳ hiệu quả, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng hải quân”, tướng Lương chỉ rõ.
Chính vì thế, theo vị tướng trên, nếu sự hợp tác vì hòa bình, giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước thì đó là hợp tác rất đáng quan tâm, đáng xem xét, cơ hội đến với chúng ta không có nhiều, khi có cơ hội tốt nên tranh thủ. Không phải nước ĐNA nào cũng có vị thế, sẵn sàng hợp tác của Mỹ – Nhật như Việt Nam.
Thông qua sự hợp tác, học hỏi thêm về trình độ tác chiến cũng như học hỏi được kinh nghiệm, xử lý các tình huống trên biển, của các nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến như Mỹ. Chúng ta đang rất cần các yếu tố này, về khả năng tổ chức chỉ huy, quản lý cũng như là về khả năng nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu.
Nâng cao năng lực kiểm soát
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với Đất Việt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, về phía Nhật từ trước đến nay họ vẫn giúp đỡ ta về tàu tuần tiễu trên biển cho cảnh sát biển, lần này, sự giúp đỡ của Nhật Bản cũng tăng thêm phương tiện để kiểm soát vùng biển Việt Nam.
“Chúng ta rất hoan nghênh sự hỗ trợ này vì nó tăng cường thêm phương tiện hoạt động cho cảnh sát biển Việt Nam.
Về phía Mỹ, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, bây giờ họ giúp chúng ta huấn luyện, theo tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi, tốt cho cảnh sát biển tuần tra trên biển.
Ở đây sự giúp đỡ này cụ thể là huấn luyện cho lực lượng CSB, chủ yếu nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, chứ không phải nâng cao sức mạnh chiến đấu của hải quân.
Việt Nam nên tranh thủ nâng cao năng lực kiểm soát các hoạt động thực thi pháp luật trên vùng biển của nước ta”, tướng Rinh nói.
Trong khi đó, ông Trần Đình Nhã – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng, an ninh Quốc hội cho biết: “Mục tiêu của chúng ta là nâng cao năng lực tuần tra và bảo vệ vùng biển của VN, xưa nay chủ trương của chúng ta là như thế, chúng ta không kêu gọi nhưng sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bất kỳ ai, miễn sao sự giúp đỡ ấy không làm ảnh hưởng đến chủ quyền đất nước.
Nhật thì từ xưa đến nay vẫn cung cấp cho chúng ta khá nhiều tàu CSB cũ, còn các tàu tuần tra khá nhỏ, chủ yếu để xua đuổi cướp biển. Còn Mỹ hỗ trợ phát triển năng lực trên biển có thể một là giúp phát triển, hai là huấn luyện, sử dụng các phương tiện trên biển, phương tiện kỹ thuật, kể cả kinh nghiệm và tri thức”.
Theo ông Nhã, đòi hỏi của thời đại ngày nay là duy trì an ninh trên biển, không chỉ vấn đề chủ quyền mỗi quốc gia mà còn là hợp tác với nhau để chống cướp biển, hoạt động làm ô nhiễm môi trường biển, đánh bắt cá lậu…
Chúng ta có thể nâng cao khả năng tăng cường phương tiện của mình, áp dụng kỹ thuật hiện đại, cần thiết thì sử dụng tàu tuần tra. Ngoài phương tiện tàu tuần tra thì cần phải huấn luyện các thủy thủ sử dụng các con tàu đó.
“VN là một quốc gia biển, cần nhận sự hỗ trợ từ các nước về phương tiện, nên tận dụng lợi thế này”, ông Nhã nhấn mạnh.