Tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ thứ 5 sẽ được tự động hoá và robot hoá gần như hoàn toàn, từ trinh sát, điều khiển cho tới tiêu diệt mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3. Ảnh: TV Zvezda.
Ngay khi Tập đoàn “Almaz-Antey” (Nga) ra tuyên bố về việc triển khai công tác chế tạo các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới để thay thế hệ thống Buk-M3 hiện đại nhất, khiến trang điện tử Rueconomics.ru tìm hiểu hệ thống này sẽ ưu việt như thế nào.
Tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ 5 tại Nga
Bộ phận báo chí của tập đoàn “Almaz-Antey” cho biết rằng, trong quá trình thực hiện đơn đặt hàng quốc phòng năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã nhận bàn giao các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 trong khi vẫn tiến hành đồng thời công tác chế tạo-thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không thế hệ 5.
Tổng biên tập tạp chí “Vũ khí nội địa” (Nga), ông Victor Mukharovsky, trong cuộc nói chuyện với Rueconomics.ru cho biết rằng, chế tạo vũ khí là quá trình mang tính liên tục:
“Ban đầu, xây dựng dự tính khoa học-kỹ thuật, tiếp đến tiến hành công tác nghiên cứu nền tảng.
Nếu phát hiện thấy hướng nào đó có thể phát triển thì sẽ triển khai công tác thử nghiệm-chế tạo. Trong giai đoạn này sẽ thực hiện công tác kiểm chứng khả năng ứng dụng thực tế để tiến xa hơn, đưa sản phẩm ra thử nghiệm trên thao trường, sau đó mới đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trong tất cả quá trình chế tạo vũ khí, căn cứ vào dây chuyền công nghệ hiện có để cấp tài chính. Ở đây, tôi không nhìn thấy có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các quá trình diễn ra trong khuôn khổ kế hoạch của chương trình trang bị vũ khí quốc gia”, ông Mukharovsky giải thích.
Những đặc tính của tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ 5
Hàng loạt các chuyên gia quân sự nhận định rằng, những điểm mới của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung thế hệ 5 là tầm phát hiện và diệt các mục tiêu được nâng cao cũng như khả năng kháng nhiễu trước các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Ông Mukharovsky còn đưa ra thêm 2 đặc điểm của tổ hợp tên lửa tương lai này.
“Nếu nói về những nguyên lý làm nền tảng để chế tạo các tổ hợp phòng không thế hệ mới, thì theo quan điểm của tôi, trước tiên, đó là khả năng diệt các mục tiêu và chống chế áp điện tử phải được tích hợp trong một hệ thống.
Và điều thứ hai – tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ 5 sẽ được tự động hoá và robot hoá gần như hoàn toàn từ chức năng trinh sát, điều khiển cho tới diệt mục tiêu. Có nghĩa là con người chỉ cần ra quyết định – thực hành phóng đạn hoặc không”, chuyên gia quân sự này đưa ra dự đoán.
Tập đoàn cũng cho biết rằng, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung thế hệ thứ 5 sẽ có khả năng tích hợp sâu với hệ thống phòng không đa lớp thống nhất và có thể được trang bị hệ thống điều khiển qua mạng tập trung.
Buk-M3 – thiết kế mới nhất của tập đoàn được cho là hiện không có đối thủ trên thế giới khi có những tính năng vượt trội gấp 2 lần so với bất cứ hệ thống nào cùng loại.