Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Made in China", đừng hòng đánh lừa chúng tôi!

“Made in China”, đừng hòng đánh lừa chúng tôi!

Với giá rẻ và nghệ thuật lobby thần thánh, vũ khí Trung Quốc đã len lỏi khắp thế giới. Tuy nhiên, gần đây, những sản phẩm quân sự “Made in China” đang bị sỉ nhục.

Xe tăng Type-96 của Trung Quốc gây tai nạn với 1 xe tải trên đường hành quân.

Peru: Sang mà mà đem đống sắt về!

Xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc cũng vậy, nó được quảng cáo như một thế hệ xe tăng chủ lực tiên phong, hiện đại của thế kỷ 21 và thế lại có thêm một kẻ bị lừa, đó chính là Peru.

Thực chất nó là một chiếc xe “năm cha ba mẹ” học đòi theo kiểu thiết kế xe tăng phương Tây và một trong những phần quan trọng bậc nhất làm nên sức mạnh, khả năng cơ động của nó lại dựa vào động cơ diesel 6TD-2E của Ukraine.

Phía Ukraine cũng tham gia gói thầu cung cấp xe tăng cho Peru với 2 đại diện là T-84 Oplot và T-84-120 Yatagan, vì thế, ngay lập tức họ tuyên bố không đồng ý cho Trung Quốc xuất khẩu động cơ này sang một nước thứ 3.

Lúc này nhà sản xuất MBT-2000 là Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc (NORINCO) mới cuống lên thì đã quá muộn. Như bị lừa, Peru tuyên bố hủy hợp đồng và trả lại 5 chiếc MBT-2000 đầu tiên mà nước này đã nhận.

Ngay sau đó, quốc gia này tìm kiếm một nhà cung cấp khác tin cậy hơn và dường như Nga đã được chọn. Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vũ khí Nga liên tục tăng, và xu hướng này đang diễn ra trong vài năm gần đây.

Hiện giờ, lại xuất hiện thêm thông tin khẳng định một lần nữa điều này. Giới quân sự Peru đang quan tâm tới xe tăng T-90S của Nga.

Cuối tháng 11/2016, đoàn đại biểu gồm các chuyên gia quân sự Peru đã tới Nga để tiến hành cuộc đàm phán về khả năng mua vũ khí của Nga.

Theo Cơ quan hợp tác kỹ thuật – quân sự Nga, sau khi kết thúc đàm phán, các chuyên gia Peru đánh giá rất cao những tính năng kỹ thuật và chiến đấu của xe tăng T-90S, nhưng các bên vẫn chưa đạt được thoả thuận về thời gian bàn giao.

Cần phải nhấn mạnh rằng, xe tăng T-90S là một trong những mẫu vũ khí được ưa chuộng nhất của Nga trên thị trường thế giới.

Theo bộ phận báo chí của Cơ quan hợp tác kỹ thuật – quân sự Nga, vào thời điểm hiện nay, Nga hoàn toàn sẵn sàng bàn giao T-90S cho Peru, chỉ có một số bất đồng nhỏ. Trong vài tuần tới sẽ diễn ra thêm một vòng đàm phán nữa với phái đoàn Peru để thống nhất những chi tiết còn lại và nhiều khả năng các bên sẽ đạt được thoả thuận cuối cùng.

Ecuador: Trả lại tiền cho chúng tôi!

Radar do Trung Quốc chế tạo chẳng hề có chút tiếng tăm nào trên thị trường vũ khí quốc tế, thế nhưng không hiểu bằng cách nào chúng được “bơm thổi” để biến thành những khí tài tối tân, có khả năng phát hiện cả máy bay tàng hình F-22 của Mỹ.

Tin lời quảng cáo và những “nghệ thuật thuyết phục” như mật ngọt từ Trung Quốc, năm 2008, Bộ Quốc phòng Ecuador nhắm mắt thò bút ký vào hợp đồng trị giá 60 triệu USD để rước về một số đài radar YLC-2V và YLC-18 do Công ty CETC (Trung Quốc) sản xuất.

Không ngờ, radar của Trung Quốc dường như bị mù, không thể hoạt động, chúng cứ “trơ mắt ếch” trước mọi mục tiêu từ to tới bé bay nườm nượp suốt ngày. Rõ là hàng rởm!

Thật xấu hổ cho cả phía Ecuador và Trung Quốc. Một bên nhẹ dạ cả tin mua phải “hàng rởm”, một bên như bị “sỉ nhục” vì cho dù được quốc gia sở tại (mà đại diện là BQP Ecuador) cho thêm thời gian nhưng vẫn không thể khắc phục những khiếm khuyết cực kỳ nghiêm trọng đối với các hệ thống radar còn mới tinh, đang thơm mùi sơn.

Cực chẳng đã, Ecuador phải đòi lại tiền, thậm chí yêu cầu bồi thường với những thiết hại nghiêm trọng và tất nhiên, nghỉ chơi ngay lập tức với radar của Trung Quốc.

Thái Lan: Loại thẳng tay tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc

Đầu những năm 1990, chỉ vì ham giá rẻ mà Hải quân Thái Lan xuống tay đặt mua tới 4 tàu hộ vệ tên lửa thuộc dự án 053HT (lớp Giang Hồ III) của Trung Quốc và sau đó là thêm 2 tàu nữa.

Chẳng bao lâu sau họ đã nhận thấy sự dại dột, đau đớn như bị lừa vì chất lượng của các tàu này quá tồi tệ.

Không thể chịu đựng được hơn nữa, Hải quân Thái Lan buộc phải tính tới giải pháp vứt bỏ không thương tiếc các tàu 053HT mặc dù chúng mới chỉ được đưa vào vận hành hơn 20 năm một chút – tuổi thọ quá ngắn so với vòng đời trung bình của tàu chiến trên thế giới.

Gần đây Thái Lan đã đặt mua 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình DW3000F từ Hàn Quốc để thay thế các tàu của Trung Quốc nói trên.

Qua vài ví dụ ở trên, có thể thấy nhiều quốc gia đã tẩy chay, nói lời vĩnh biệt với vũ khí Trung Quốc.

Tuy nhiên, với ưu thế giá rẻ và nghệ thuật lobby thần thánh, các sản phẩm “Made in China” hay thậm chí là “Copy in China” vẫn len lỏi được vào biên chế quân đội của một số quốc gia, chủ yếu là châu Phi, nơi chỉ cần các vũ khí kém hiện đại, dùng xong có vứt bỏ thì cũng không quá tiếc.

RELATED ARTICLES

Tin mới