Cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã trở thành sự kiện mới nhất làm phức tạp thêm mối quan hệ quân sự vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tờ Foxtrot Alpha đưa tin trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump còn nhắc lại việc Mỹ bán hàng tỷ USD vũ khí cho Đài Loan trong đó, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn bán số vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD cho Đài Loan hồi tháng 12/2015. Ngoài ra, Washington cũng đã bán vũ khí cho Đài Loan suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tiến hành điện đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Washington chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Washington đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền. Không chỉ Mỹ, các nước trong khu vực còn lo ngại khả năng Bắc Kinh sẽ giành thế bá chủ ở Biển Đông và ngăn cản hoạt động thương mại trên tuyến đường biển quan trọng mang lại giá trị hơn 5 ngàn tỷ USD/năm.
Vậy tại sao Mỹ, dù là một bên không tham gia tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, lại liên tiếp tăng cường sự hiện diện trong khu vực? Câu trả lời rất đơn giản bởi đó là vì nguồn tài nguyên thiên nhiên và hoạt động thương mại.
Theo Hội đồng các mối quan hệ quốc tế, giá trị thương mại hàng năm trên Biển Đông là hơn 5,3 ngàn tỷ USD. Trong đó, Mỹ chiếm tới 1,2 ngàn tỷ USD. Do đó, nếu xung đột bùng nổ trên Biển Đông, hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ bị gián đoạn và gây thiệt hại hàng tỷ USD nguồn vốn cũng như tăng chi phí bảo hiểm.
Đây chính là lý do quân đội Mỹ tăng cường triển khai tàu khu trục và tàu tấn công đổ bộ để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với nhiều hòn đảo và bãi đá ở khu vực này. Về phần mình, Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của các tàu khu trục, tàu chiến ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên xây hàng loạt đảo nhân tạo ngay trên khu vực thuộc chủ quyền của các nước láng giềng. Cụ thể, hồi tháng Một, những bức ảnh vệ tinh đã hé lộ Bắc Kinh cho xây đường băng tại bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Giới quan sát nhận định trong trong tương lai, đường băng này sẽ phục vụ hoạt động của các chiến đấu cơ và máy bay vận tải quân sự Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đặt radar tầm xa dải tần cao trên một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông được cho chứa khoảng 900 ngàn tỷ khối khí đốt tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu. Trong những năm qua, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp để ngăn cản hoạt động của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Dù Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn một mực phản đối không công nhận.
Trong phán quyết, Tòa quốc tế khẳng định việc Trung Quốc ngang nhiên xây đảo nhân tạo trên các bãi đá và đảo san hô ở Biển Đông là hành động phi pháp và lên án Bắc Kinh ngăn cản hoạt động đánh bắt của ngư dân Philippines cũng như hoạt động khai thác dầu tại những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.
Điều đáng nói là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại đang thi hành chính sách ngoại giao trái ngược với người tiền nhiệm. Cụ thể, ông Duterte nhiều lần lên tiếng chỉ trích Washington nhưng lại thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh trong khi chính Philippines gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế hồi năm 2013.
Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn nhấn mạnh chuyến thăm hồi tháng 10 của Tổng thống Duterte là “dấu mốc quan trọng đối với vấn đề Biển Đông khi chuyển hướng giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn cũng như phá tan âm mưu gây rối ở Biển Đông”. Ông Vương còn công khai chỉ trích Mỹ và Australia là “chủ mưu” gây ra tình trạng bất ổn an ninh trong khu vực khi can thiệp vào tình hình Biển Đông.
Theo Foxtrot Alpha, hoàn cảnh hiện nay cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không hề đơn giản như ông Trump nghĩ. Bởi đây là một mối quan hệ gây nhiều tranh cãi yêu cầu cả sức mạnh và sự nhanh trí. Do đó, những lời bình luận mà ông Trump đăng trên Twitter cho thấy Tổng thống Mỹ đắc cử chưa thực sự hiểu về mối quan hệ giữa Washington – Bắc Kinh.
Nói cách khác, những lời chỉ trích mà ông Trump lâu nay dành cho Trung Quốc mới chỉ là suy nghĩ cá nhân của ông này về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Vì vậy, những lời bình luận trên Twitter chỉ được xem mang tính giải trí chứ chưa phản ứng thực chất chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ với Trung Quốc. Song những lời lẽ cá nhân của ông Trump cũng có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ và các quốc gia đồng mình.