Ý định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Donald Trump đồng nghĩa với việc ông từ chối vị trí “Tổng thống thế giới”, mở ra cơ hội cho Trung Quốc trở thành nước dẫn dắt thế giới về toàn cầu hóa. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế thế giới hay không.
TPP có nguy cơ tan vỡ rất cao vì sự ra đi của Mỹ. Khi đó, thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 nền kinh tế, dẫn đầu bởi Trung Quốc, có thể là sự thay thế hoàn hảo cho TPP.
Ngoài ra, Chile và Peru cũng vừa gia nhập các hiệp định thương mại khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc dẫn đầu. Như vậy, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này.
Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa
Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, toàn cầu hóa giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với các nước phát triển, toàn cầu hóa lại khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Như vậy, mặc dù toàn cầu hóa tất yếu sẽ làm tăng tổng thu nhập toàn cầu và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước, nhưng nó cũng làm gia tăng bất bình đẳng ở các nước phát triển.
Một nghiên cứu khác cho thấy từ khi Mỹ bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc vào năm 2000, ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ đã mất một nửa số việc làm do sự gia tăng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc hầu như chỉ được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, phản ánh qua 4 chỉ số chính:
– GDP của Trung Quốc tăng 48 lần, từ 216 tỷ USD năm 1978 khi bắt đầu mở cửa và cải cách lên 10.980 tỷ USD năm 2015.
– Trung Quốc đang từ nước nhập khẩu vốn trở thành nước xuất khẩu vốn lớn thứ hai trên thế giới, với trên 1 nghìn tỷ USD đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trước khi cải cách, Trung Quốc chỉ cho viện trợ nước ngoài cho các nước đồng minh.
– Trung Quốc có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới, chiếm 1/4 trong tổng số 2.188 tỷ phú trên thế giới. Trước khi cải cách, Trung Quốc không có người giàu, nhưng năm 2015 có đến 568 tỷ phú, vượt qua cả số lượng tỷ phú tại Mỹ là 535.
– Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lớn nhất thế giới, chiếm hơn 20% dân số Trung Quốc. Theo Global Wealth Report 2015, Trung Quốc có 109 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, trong khi con số này tại Mỹ là 92 triệu.
Trung Quốc có đủ khả năng dẫn dắt toàn cầu hóa?
Xét về sức mạnh quân sự, Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới, nhưng so với Hoa Kỳ thì còn cách biệt rất lớn, đặc biệt là khả năng chiến đấu của không quân và hải quân.
Về sức mạnh kinh tế, mặc dù GDP của cả Trung Quốc và Mỹ đều trên 10 nghìn tỷ USD, nhưng 2 nước có sự khác biệt lớn về tỷ lệ GDP bình quân đầu người. Mặc dù số lượng người giàu ở Trung Quốc vượt trội so với Mỹ, nhưng số người nghèo ở Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc phần lớn là để duy trì sự ổn định nội bộ, như chi tiêu quốc phòng cho Tân Cương và Tây Tạng.
Chỉ riêng những điểm này đã có thể minh chứng rằng Trung Quốc không thể đóng vai trò dẫn dắt toàn cầu hóa giống như Mỹ.
Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã từng đặt ra thuật ngữ “Mô hình Trung Quốc” và sau đó một nhóm các học giả Trung Quốc và nước ngoài đã tuyên bố rằng “sự đồng thuận của Bắc Kinh sẽ thay thế đồng thuận của Washington.” Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, những tuyên bố này không được nhắc lại nữa.
Trung Quốc cũng nhận thức được điểm yếu của họ. Mặc dù chính phủ Trung Quốc cũng muốn trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu, nhưng họ đang còn phải đối mặt với vấn đề khó khăn hơn, đó là hệ thống tài chính của nước này.
Theo nghiên cứu mới nhất về thị trường tài chính toàn cầu của tập đoàn Societe Generale, Trung Quốc có hệ số rủi ro kinh tế lớn nhất do bong bóng nhà đất và nợ xấu. Biểu đồ “Thiên nga đen” ước tính rằng xác suất 20% Trung Quốc sẽ giảm tốc kinh tế mạnh. Đánh giá này không hề phóng đại. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hiện đang hô hào các khẩu hiệu như “Hãy từ bỏ bất động sản và bảo vệ dự trữ ngoại hối.”
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh và đây là nguy cơ lớn nhất đối với việc bảo vệ hệ thống tài chính của nước này. Mặc dù đồng Nhân dân tệ đã trở thành một trong 5 đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sức mạnh của nó thấp hơn nhiều so với đồng USD.
Trong khi đó, Mỹ vẫn nắm giữ vị trí dẫn dắt nền thế giới nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, Mỹ sở hữu sức mạnh quân sự lớn. Thứ hai, đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu và Mỹ đã phát hành trái phiếu trên toàn thế giới. Thứ ba, Mỹ đã và đang hỗ trợ cho nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc không đạt được bất cứ khả năng nào nêu trên, do đó khó có thể đóng vai trò là nhà lãnh đạo toàn cầu như Mỹ.