Trung Quốc đã chi 191.7 tỉ USD cho quốc phòng năm 2016 và dự kiến đạt 233 tỉ USD vào năm 2020, gấp đôi so với năm 2010.
Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất đang dần hoàn thành (Ảnh: Huanqiu)
Số liệu trên được tạp chí quốc phòng IHS Jane’s đưa ra và cho biết, con số này sẽ vượt qua tổng chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu. Báo cáo cũng dự đoán, đến năm 2025 ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ vượt qua tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương, trừ Mỹ, cộng lại.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải thừa nhận số tiền khổng lồ chi ra cùng hiệu quả thực tế trong lĩnh vực quốc phòng chưa đủ để nước này trở thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đánh giá, sự thách thức mới đây của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với chính sách “Một Trung Quốc” cho thấy Mỹ hết sức tự tin vào chiến lược ứng phó với Bắc Kinh. Sự tự tin này phần lớn đến từ sức mạnh quân sự của họ.
Bất chấp chi phí cho quân sự liên tục leo thang qua từng năm, lượng trang thiết bị tích trự của quân đội Trung Quốc vẫn bị xem là quá ít.
Trong khi quân phí của Nhật Bản kém xa Trung Quốc, sức ép quân sự mà Bắc Kinh muốn áp đặt lên Tokyo vẫn chưa được như kỳ vọng. Sự ổn định của liên minh Mỹ-Nhật cũng làm Trung Quốc e ngại rủi ro xung đột vũ trang xảy đến bất ngờ.
Mục tiêu của Trump là buộc Trung Quốc nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề kinh tế, thương mại đem lại lợi ích cho Washington. Sức mạnh quân sự áp đảo là nền tảng để thực hiện điều này, đó cũng là lý do Trump tuyên bố sẽ khiến quân đội Mỹ “vĩ đại trở lại”.
Hoàn Cầu bình luận, khi hai cường quốc kinh tế như Mỹ-Trung đối đầu thì sức đe dọa mà mỗi bên tạo được cho đối phương là nhân tố mang tính quyết định, bởi phương pháp hoàn hảo nhất là “không đánh mà đối thủ phải khuất phục”.
Hoàn Cầu: Trung Quốc phải chạy đua hạt nhân với Mỹ
Trung Quốc đang trong quá trình trỗi dậy thành một sức mạnh địa chính trị lớn, nhưng quân lực vẫn là điểm yếu của nước này.
Dù ông Tập Cận Bình đã khởi động cuộc cải tổ quy mô lớn để tinh giản và hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từ cuối năm 2015, hơn một thập kỷ bị lũng đoạn bởi tham nhũng trước đó đã khiến sức chiến đấu của PLA hao mòn nghiêm trọng.
So với danh xưng “số 2 thế giới” mà truyền thông Trung Quốc thường định vị nước này, kho vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ so với các nước Ủy viên thường trực khác của Hội đồng bảo an dường như là một sự mất cân xứng.
“Tư duy truyền thống của Trung Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân ‘đủ dùng’ là được. Nhưng thế nào là ‘đủ dùng’? Cùng với rủi ro chiến lược gia tăng, khái niệm này cũng cần thay đổi,” tờ Hoàn Cầu đặt vấn đề.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc không phải là một cực trọng yếu trong cuộc đối đầu nước lớn, sở hữu hạt nhân ở mức độ nào chưa phải là vấn đề nhạy cảm. Nhưng ngày nay Bắc Kinh là đối thủ chiến lược tiềm tàng lớn nhất của Mỹ, và việc duy trì khả năng trả đũa bằng hạt nhân “ở mức độ thấp nhất” hoàn toàn không còn đáp ứng yêu cầu của họ.
Trong bối cảnh bất cứ suy diễn nào về xung đột Mỹ-Trung đều có thể kết thúc bằng chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc thừa nhận không thể so bì với Mỹ về quy mô hải quân hay không quân, nhưng “về sức mạnh hạt nhân, Trung Quốc buộc phải so kè với Mỹ” – Hoàn Cầu cảnh báo.
Tờ báo “diều hâu” hàng đầu Trung Quốc tuyên bố:
“Các nhà chiến lược Trung Quốc không được phép ấu trĩ, không thể cho rằng số lượng đầu đạn hạt nhân không ít, đủ dùng ở giai đoạn này. Chúng ta còn thua kém rất xa!
Chúng tôi dám khẳng định, nếu như số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là con số hàng nghìn thì Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không tùy tiện rêu rao trước dư luận một suy nghĩ kỳ quặc như vì sao Mỹ phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘Một Trung Quốc’.”
Hoàn Cầu kêu gọi quân đội Trung Quốc đẩy nhanh triển khai hệ thống tên lửa DF-41, cũng như đưa các tàu ngầm hạt nhân chiến lược vào hoạt động “trực ban”.