So với Prithvi thì tên lửa đạn đạo Shaurya của Ấn Độ có tầm bắn, độ chính xác, cũng như đường bay thao diễn tốt hơn rất nhiều.
Shaurya là một tên lửa đạn đạo cực kỳ đáng sợ của Quân đội Ấn Độ
Shaurya là một tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn và tầm trung siêu thanh do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) chế tạo, nó được đánh giá là 1 trong 10 tên lửa hàng đầu thuộc phân lớp nhờ được trang bị động cơ đẩy, hệ thống định vị và công nghệ kiểm soát tiên tiến.
Tên lửa đường đạn Shaurya có chiều dài 10 m; đường kính thân 0,74 m; trọng lượng phóng 6.200 kg; tầm bắn nằm trong khoảng 900 – 1.700 km tùy thuộc vào trọng lượng đầu đạn mang theo (từ 180 kg – 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ 17 kT).
Thực chất Shaurya chính là biến thể trên đất liền của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-15, nó được thử nghiệm lần đầu vào năm 2004, sau nhiều lần bắn thử thành công, Shaurya chính thức gia nhập biên chế Quân đội Ấn Độ trong năm 2013.
Nhờ được trang bị công nghệ dẫn đường bằng vòng laser con quay hồi chuyển nên vòng tròn sai số (CEP) của Shaurya chỉ nằm trong khoảng 20 – 30 m.
Tốc độ rất nhanh, kết hợp với khả năng bay lượn gần như một tên lửa hành trình và diện tích phản xạ radar nhỏ sẽ khiến đối phương gần như không có cơ hội đánh chặn được Shaurya.
Trong tương lai, Ấn Độ còn dự định nâng cấp cả tầm bắn, tải trọng hữu ích, lẫn độ chính xác và vận tốc của tên lửa. Chắc chắn những đối thủ tiềm tàng của quốc gia Nam Á này như Trung Quốc hay Pakistan sẽ còn toát mồ hôi hột hơn nữa nếu New Delhi bán nguyên chiếc hay chuyển giao công nghệ Shaurya cho một vài đồng minh chiến lược cốt lõi.