Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 19/12

Bản tin Biển Đông ngày 19/12

Bản tin Biển Đông ngày 19/12/2016.

Người phát ngôn Lầu năm góc Peter Cook.

1) Fox News: Trung Quốc lấy cắp thiết bị lặn của Hải quân Mỹ ở Biển Đông

Ngày 16/12, hãng Fox News đưa tin:

Ngày 16/12, một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết, tàu Hải quân Trung Quốc đã lấy cắp một thiết bị lặn có tên Slocum Glider của Mỹ ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra vào khoảng thời gian buổi trưa ngày 15/12, tại vị trí cách 40 dặm về phía Tây Philippines và 150 dặm về phía bãi cạn Scarborough. Theo nguồn tin, trong thời gian này, tàu Trung Quốc đã liên tục theo dõi hoạt động của tàu USNS Bowditch thuộc Hải quân Mỹ. Ông Gordon Chang, chuyên gia và là tác giả cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” cho biết, “Đây rõ ràng là hành động gây hấn chống lại Mỹ” bởi “một tài sản quân sự của Mỹ đã bị đánh cắp”. Hãng Fox News cho biết thêm thông tin, trong những tháng gần đây, phía Trung Quốc thường xuyên giám sát hoạt động của các tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông. Người Phát ngôn Lầu Năm góc Peter Cook cho biết “Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc trả lại thiết bị này ngay lập tức, và tuân thủ mọi nghĩa vụ mà luật quốc tế quy định”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã gửi Thư Phản đối chính thức (Demarche) do Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh gửi tới chính phủ Trung Quốc ngày 16/12.

2) Giới học giả hối thúc Mỹ và Úc cần hành động cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông

Ngày 17/12, hãng ABC News đưa tin:

Mới đây, một báo cáo chung giữa các chuyên gia Mỹ và Úc có tên “Đáp trả lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông” đã kết luận rằng, Trung Quốc đã đạt được thế “kiểm soát hữu hiệu” đối với vấn đề Biển Đông và đang ráo riết sử dụng “chiến tranh tâm lý” để  mở rộng lãnh thổ, theo đó hối thúc Mỹ và các đồng minh, trong đó có Úc, cần có thêm hành động để “đẩy lùi” tham vọng này của Trung Quốc. Báo cáo cho biết, những chính sách hiện nay đã không thể thách thức mạnh mẽ “sự phiêu lưu” của Bắc Kinh, đồng thời đề xuất các giải pháp cho chính quyền mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy sự tự do lưu thông trên các tuyến đường thuỷ chiến lược.

Cụ thể, tác giả bản báo cáo, đồng thời cũng là cựu quan chức Bộ Quốc phòng Úc Ross Babbage kêu gọi Chính phủ Mỹ cần có hành động cứng rắn hơn để đáp trả bởi lo ngại rằng các tiếp cận ngoại giao của Mỹ và các đồng minh là không đủ mạnh và không thể tiếp tục, và “vị thế thống trị các vùng biển của Mỹ và đồng minh từ sau Thế chiến thứ II dường như đang mất dần”. Ngoài ra, giáo sư Babbage cảnh báo “phía Bắc Kinh đang triển khai các hoạt động truyền thồng và tuyên truyền nhiều thông tin xuyên tạc sự thật, nhằm đẩy mạnh các nhóm ủng hộ Trung Quốc tại địa bàn các nước đồng minh, trong đó có Úc”. Ông Babbage cho rằng vào thời điểm này, Úc cần cân nhắc tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của các “đảo” tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nhấn mạnh biện pháp này không nên tiến hành “tách biệt” với các biện pháp khác.

3) Lầu Năm góc thông báo: Bắc Kinh sẽ trả lại thiết bị lặn của Hải quân Mỹ bị nước này tịch thu trái phép trên Biển Đông, dù Tổng thống Trump đã thách thức “cứ việc giữ lấy nó!”

Ngày 17 – 18/12, tờ Washington PostVOA News đưa tin:

Ngày 17/12, Người Phát ngôn Lầu Năm góc Peter Cook cho biết Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý trả lại thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ bị nước này tịch thu một cách bất hợp pháp tuần trước trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, một động thái “hứa hẹn sẽ làm xoa dịu căng thẳng trên biển đang lên cao giữa hai cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương này. Tuy nhiên, ông cho biết các chi tiết về việc tiến hành như thế nào và khi nào vẫn chưa được quyết định.

Căng thẳng trên biển gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ hôm 15/12, khi một tàu cứu hộ ngầm của Trung Quốc tới gần tàu USNS Bowditch, một tàu khảo sát đại dương hoạt động trong phạm vi 50 hải lý về phía Tây Bắc của Vịnh Subic, Philippines và chiếm giữ một cách bất hợp pháp thiết bị lặn của Hải quân Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, tàu Trung Quốc đã từ chối không thực hiện các yêu cầu của Bowditch về việc trả lại thiết bị lặn.

Liên quan đến vụ thu giữ, tân Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đầy giận dữ trên trang Twitter cá nhân rằng “Trung Quốc đã “ăn trộm” thiết bị lặn nghiên cứu của Hải quân Mỹ ở vùng nước quốc tế – tự tiện lấy về Trung Quốc để khám xét, một hành động “chưa hề có tiền lệ”. Sau khi Trung Quốc cam kết trả lại thiết bị này, ông đã đăng thêm một bình luận rằng “Mỹ cần nói với Trung Quốc rằng, chúng ta không cần thiết bị mà họ đã lấy cắp của chúng ta, cứ để họ giữ chúng!”. Ngày 18/12, trả lời phỏng vấn với Hãng CNN, Thượng Nghị sỹ bang Arizona John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đồng tình cho rằng vụ thu giữ của Trung Quốc là một hành vi “vi phạm luật quốc tế tồi tệ”.

Dù việc thu giữ của Trung Quốc đã chịu nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhà làm luật Mỹ song những tuyên bố chính thức từ hai bên dường như lại cho thấy rằng Bắc Kinh và Washington đều đang nỗ lực hết sức để “tránh” làm gia tăng căng thẳng vào thời điểm quan hệ hai nước đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết sau chiến thắng của tân Tổng thống Donald Trump vừa qua. Sau thông báo của Lầu Năm góc rằng thiết bị lặn sẽ được trao trả lại, một quan chức quốc phòng của Mỹ tiết lộ, “chính quyền Obama hài lòng về việc thiết bị lặn này được trả lại cho Mỹ và không để vấn đề này làm ảnh hưởng đến quan hệ hai bên”, “tái khẳng định một điều rằng giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh đã quyết định về việc trả lại cho Mỹ, bất kể có những hành động mang tính cá nhân của một số người Trung Quốc trên biển”.

Vụ thu giữ nói trên đã gây thêm những quan ngại mới ở Mỹ cũng như các đồng minh của nước này ở Châu Á về tham vọng tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông và các động thái hung hăng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các yêu sách biển ở khu vực.

4) Người Phát ngôn BQP Trung Quốc Dương Vũ Quân vẫn khẳng định “sẽ trả lại thiết bị lặn cho Mỹ theo cách phù hợp” dù cương quyết không nhận trách nhiệm

Ngày 18/12, tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin:

Ngày 18/12, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thông báo phía Bắc Kinh vừa mới quyết định trao trả lại “theo cách phù hợp” thiết bị lặn của Mỹ mà nước này đã tịch thu một cách vô cớ, nhưng không quên bao biện rằng thiết bị này đã bị chiếm giữ ở vùng biển “của Trung Quốc”. Theo tuyên bố của ông Dương trên trang điện tử Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc nước này tịch thu và tiến hành kiểm tra thiết bị lặn nói trên là nhằm “ngăn thiết bị đó gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải và các tàu đi qua”. Không những không có lời xin lỗi hay chịu trách nhiệm, ông này còn ngang ngược cáo buộc: “động thái đơn phương của phía Mỹ nhằm làm trầm trọng hoá vấn đề là không thoả đáng, không có lợi cho việc giải quyết vấn đề”. Ngoài ra, ông Dương cũng “nhân cơ hội này” để vu cáo trắng trợn rằng, quân đội Mỹ đã “thường xuyên đưa tàu thuyền và máy bay tới thực hiện các cuộc do thám cự ly gần và khảo sát quân sự trong “các vùng biển của Trung Quốc”, lớn tiếng đe dọa “sẽ luôn cảnh giác trước mọi hoạt động liên quan từ phía Mỹ, và sẽ có biện pháp cần thiết để đáp trả”.

5) Tư lệnh Hạm đội số 7 của Mỹ kêu gọi hành động quân sự hóa ở Biển Đông cần phải được chấm dứt

Ngày 18/12, tờ Indian Express đưa tin:

Ngày 18/12, trả lời phỏng vấn với một nhóm các nhà báo ở New Delhi, Ấn Độ, Phó Đô đốc Joseph P. Aucoin, Tư lệnh Hạm đội số 7 của Mỹ tuyên bố, chỉ có thể hạ nhiệt tranh chấp ở Biển Đông bằng cách chấm dứt các hành động quân sự hóa, duy trì sự minh bạch về ý định và tuân thủ sự thượng tôn pháp luật. Ông khẳng định, “việc thực thi các quyền theo luật pháp quốc tế khi đi qua Biển Đông sẽ không làm phát sinh chiến tranh”, bởi “trong vòng 70 năm qua, Mỹ đã đi tới vùng biển này qua Ấn Độ Dương nhằm đảm bảo tuyến giao thương trên biển huyết mạch này được duy trì thông suốt”. Khi được hỏi về vai trò tại Biển Đông mà ông mong đợi ở Ấn Độ, ông đáp rằng, điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định của giới lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Ấn Độ là một điển hình của việc tuân thủ trật tự quốc tế khi công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ phân định biển với Bangladesh. Ngoài ra, vị Phó Đô đốc cũng kêu gọi Ấn Độ và Mỹ, là hai quốc gia dân chủ lớn của thế giớ, cần cùng nhau hành động hơn nữa để khuyến khích các quốc gia khác tuân thủ thượng tôn pháp luật”, đồng thời ngỏ ý muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với hải quân Ấn Độ và thúc đẩy tiền lệ mà họ đã đem lại cho cộng đồng quốc tế”.

6) Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia: Chỉ có sự đoàn kết trong khối ASEAN mới có thể đem lại giải pháp cho tranh chấp Biển Đông

Ngày 18/12, trang MalayMail Online đưa tin:

Ngày 18/12, đề cập đến đề xuất đồng thuận ba bên Malaysia – Indonesia – Philippines liên quan đến an ninh ở khu vực Biển Sulu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein kêu gọi các nước ASEAN cần tiếp tục tăng cường quan hệ nhằm ngăn chặn bất cứ tranh chấp nào có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sự hòa thuận, hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Phát biểu này của ông được đưa ra khi bình luận về sự kiện Trung Quốc thu giữ trái phép thiết bị lặn của Mỹ ở vùng nước quốc tế trên Biển Đông. Ông cho biết sẽ hỏi thêm Đô đốc Tan Sri Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Malaysia và có kênh liên lạc trực tiếp với cả hai phía Mỹ và Trung Quốc để tìm hiểu rõ hơn về tình hình. Đồng thời, ông Hishammuddin cho hay Malaysia cũng sẽ gửi một lá thư tới người đồng cấp Trung Quốc – Tướng Thường Vạn Toàn – để làm rõ hành động bố trí các thiết bị quân sự của phía Bắc Kinh trên bảy “đảo” nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền thông tin về các tranh chấp khu vực có liên quan đến các nước ASEAN, đặc biệt là thông qua truyền thông xã hội, cần phải được hết sức chú trọng để tránh xảy ra căng thẳng và công kích lẫn nhau giữa các nước ASEAN.

RELATED ARTICLES

2 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới