Theo Phượng Hoàng, hải quân Mỹ coi đáy biển giống như mặt biển, bầu trời, không gian ngoài vũ trụ, sẽ sớm trở thành “chiến trường”.
UUV là thiết bị đo độ mặn và nhiệt độ nước biển của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Defense News)
Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Sau khi đắc cử, ông đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng như đặt câu hỏi về chính sách “một Trung Quốc”.
Đặc biệt, mới đây, việc Bắc Kinh thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ trên vùng biển mà phía Mỹ khẳng định là biển quốc tế ở biển Đông đã khiến quan hệ song phương leo thang căng thẳng.
Khởi đầu của Chiến tranh lạnh mới
Tờ Financial Times (FT – Anh) đánh giá, chuỗi mâu thuẫn trên đã vô hình trung mở ra một thời kỳ Chiến tranh lạnh mới.
Theo báo Anh, tình hình hiện tại cho thấy, sức mạnh của Washington đã bị suy giảm. Trong cuộc Chiến tranh lạnh trước đây, Mỹ thắng là nhờ đã khéo léo ly gián Trung Quốc và Liên Xô.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon năm 1972 đã củng cố được sự chia rẽ Trung – Xô, làm suy yếu ảnh hưởng của Moscow. Tuy nhiên, ông Trump hiện nay lại làm điều ngược lại – mong muốn bắt tay Nga, kiềm chế Trung Quốc.
Mâu thuẫn giữa Trump và Trung Quốc đưa lại hệ quả đầu tiên chính là sự hỗn loạn. Những giai đoạn tiếp theo, quan hệ Bắc Kinh – Washington sẽ không ngừng leo thang căng thẳng.
FT cho rằng, trước khi Trump chính thức nhậm chức Tổng thống, chính quyền Trung Nam Hải sẽ dùng nhiều “phương thức cứng rắn” như vụ thu giữ trái phép UUV để thăm dò tân Tổng thống Mỹ.
CNN (Mỹ) dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng, Trung Quốc sẽ nghiên cứu UUV tịch thu từ Mỹ trên Biển Đông để khai thác bí mật quân sự của Mỹ.
“Hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra căng thẳng cho chính trị Washington, dù Bắc Kinh đã hứa sẽ trả lại UUV nhưng vẫn không thể dập tắt những lời chỉ trích của các chính trị gia, trong đó có ông Trump”, John McCain nói.
Trung Quốc – kẻ mạnh hay ngang ngược?
Ngày 18/12, truyền thông Đức nhận định, sự việc lần này chứng tỏ Trung Quốc đóng vai trò của kẻ mạnh trong quan hệ Trung – Mỹ ở vấn đề biển Đông.
Tờ Nhật báo phố Wall (Mỹ) thì cho rằng, dù động thái trên biển Đông hiện nay của Trung Quốc nhằm đáp trả Tổng thống đắc cử Donald Trump hay là sự xúc phạm cuối cùng dành cho Tổng thống đương nhiệm Barack Obama thì “tịch thu” UUV chính là một phần trong kế hoạch đó.
Theo báo Mỹ, hành vi này của Bắc Kinh nhằm đe dọa các nước láng giềng và muốn thiết lập bá quyền ở khu vực Đông Á.
Tờ The New York Times dẫn lời ông Douglas H.Paal – Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình quốc tế cho hay, Bắc Kinh muốn thông qua sự việc này chứng minh rằng, “cả biển Đông đang nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh”.
Đồng thời, theo ông, hành động này mang ý nghĩa “dằn mặt” Washington nhiều hơn là sao chép công nghệ.
Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho rằng, thông qua hành động lần này, Trung Quốc muốn “lập quy tắc”, đưa quan điểm của mình áp đặt lên vấn đề biển Đông và coi “biển Đông là sân sau” của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ Phượng Hoàng (Hong Kong) lại cho rằng, Trung Quốc thu giữ UUV của Mỹ là nhằm ngăn chặn một “dự án khủng” – xây dựng “mạng lưới đường cao tốc” ở dưới đáy đại dương của Washington.
Cụ thể, ngày 24/11, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) dẫn nguồn Washington Post (Mỹ) cho hay, cùng với xu thế thiết bị không người lái trở thành bộ phận quan trọng của hệ thống quân sự hiện đại, hải quân Mỹ đang nghiên cứu triển khai số lượng lớn UUV dưới đáy biển.
Theo Phượng Hoàng, hải quân Mỹ coi đáy biển giống như mặt biển, bầu trời, không gian ngoài vũ trụ, sẽ sớm trở thành “chiến trường của giới nhà binh” nên Washington muốn triển khai các thiết bị kỹ thuật mới để giành ưu thế trong các trận chiến dưới đáy biển (nếu xảy ra).
Giới quan sát đánh giá, Bắc Kinh có thể muốn dùng sự việc này để đe dọa chính quyền Trump nhưng điều này tất sẽ phản tác dụng. Bởi từ trước tới nay, Trump chưa từng bày tỏ sẽ tách vấn đề kinh tế ra khỏi vấn đề an ninh.
“Không nghi ngờ gì cả, Trung Quốc đang đùa với lửa”, Đa chiều (Mỹ) kết luận.