“Trung Quốc là nước sản xuất thép nhiều nhất thế giới. Bụi lò thép của họ gấp hàng nghìn lần chúng ta. Tại sao TQ lại nhập khẩu bụi thép từ VN?”.
PGS.TS Tô Duy Phương bày tỏ nhiều lo ngại trước việc Trung Quốc nhập bụi lò thép từ Việt Nam về nước
Trung Quốc rất nhiều bụi thép
Bộ Công Thương vừa có văn bản ủng hộ chủ trương xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép sang Trung Quốc mà Công ty TNHH Kim Phúc Hà đề xuất hôm 9/12 vừa qua.
Theo Bộ Công Thương, bụi lò thép là chất thải nguy hại hoặc có khả năng là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với môi trường. Trong khi, công nghệ tái chế và xử lý bụi lò thép trong nước còn hạn chế.
Do vậy, việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đối tác để xuất khẩu, tái chế cần được khuyến khích.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Tô Duy Phương, Viện Vật liệu – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng luật pháp không cấm các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu bụi lò thép sang phía Trung Quốc. Nếu không vi phạm các quy định về môi trường, được sự chấp thuận của Bộ Công Thương và đạt được các thỏa thuận hợp lý thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể xuất khẩu.
Tuy nhiên điều PGS.TS Tô Duy Phương băn khoăn, đó là mục đích thực sự của việc Trung Quốc nhập bụi lò thép của Việt Nam.
Theo vị Phó giáo sư, Trung Quốc hiện nay đang là quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới. Trước đây sản lượng thép của họ đạt tới 800-900 triệu tấn thép/năm. Hiện nay do thị trường có nhiều biến động và bão hòa, nên Trung Quốc đã cắt giảm xuống còn khoảng 600 triệu tấn thép/năm.
“Trung Quốc hiện giờ là một trong những nước sản xuất rất nhiều thép. Trữ lượng của họ gấp đôi, gấp ba các nước lớn khác về sản xuất thép, gấp cả chục lần so với Việt Nam. Do sản xuất một khối lượng lớn thép như vậy nên bụi lò thép của Trung Quốc cũng sẽ rất nhiều. Tôi nghĩ họ còn dư thừa chứ không đến nỗi thiếu mà phải chấp nhận nhập một số lượng nhỏ nhoi từ nhà máy của Việt Nam về. Đấy là một trong những vấn đề tôi không hiểu lắm”, PGS.TS Phương đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng tỏ ra ngạc nhiên trước số lượng 300.000 tấn mà mà Công ty TNHH Kim Phúc Hà có trụ sở ở Lạng Sơn đưa ra.
“Việt Nam hiện nay có các lò luyện thép như: lò hồ quang điện, lò thép mác tanh chỉ (còn gọi là lò bằng) và lò thổi ô xy. Hiện nay lò thép mác tanh thì chỉ có ở Thái Nguyên có một lò. Lò thổi ô xy cũng rất ít. Chúng ta đã hầu hết chuyển sang lò hồ quang điện. Chỉ có luyện thép bằng lò mác tanh hay lò thổi ô xy thì bụi mới thải ra nhiều. Còn khi sử dụng lò hồ quang điện thì rất ít, không đáng kể.
Hơn nữa, Lạng Sơn được coi là thành phố du lịch miền núi cao nên sẽ không có những lò kiểu như mác tanh hay lò thổi ô xy. Nếu nhiều lò thì cùng lắm sản lượng chỉ khoảng 100.000 tấn/năm. Thực sự tôi biết chỉ có 1 vài nhà máy nhỏ tí xíu mới hoạt động được vài năm thôi. Tôi không hiểu lấy bụi từ đâu?”, PGS.TS Phương băn khoăn.
Chiêu bài cạnh tranh thương mại?
Trước ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn mua bụi lò thép để lấy nguyên liệu kẽm bằng phương pháp tách kim loại, vị chuyên gia bày tỏ nhiều nghi ngờ.
Theo PGS.TS Phương, cách làm này, trên thực tế không mang tính hiệu quả kinh tế. Bởi lẽ trong quá trình luyện thép thì bụi kẽm sinh ra không đáng kể bằng ma nhê.
“Những hệ lò như vậy kẽm thải ra rất ít thôi. Hơn nữa, Trung Quốc thải ra bụi này gấp hàng nghìn lần ở Việt Nam. Hiệu quả kinh tế không cao, trong nước đang dư thừa thì họ nhập về làm gì? Chúng ta phải tìm hiểu rõ việc này. Tôi nghĩ mục đích tách lấy kẽm chỉ là một phần thôi, có thể ẩn chứa các tính toán về cạnh tranh thương mại. Bởi lẽ hiện nay Trung Quốc đang là một nước ô nhiễm kinh khủng và hiệu ứng nhà kính trầm trọng do các lò thép thải ra. Vì sao Trung Quốc lại nhập về?”, PGS.TS Phương đặt nghi vấn.
Để minh chứng điều mình vừa nói, vị chuyên gia kể ra hàng loạt các thương vụ Trung Quốc mua hàng hóa từ Việt Nam, kể cả những chất độc hại vào trong nước. Sau một thời gian thì họ chững lại và người dân chúng ta phải chịu những hậu quả nặng nề.
“Tôi ngày xưa đã chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa người Việt với nhau trong việc cạnh tranh bán chất thải độc hại cho Trung Quốc. Việc này về lâu dài thì sẽ có nhiều tác động xấu. Vì vậy chúng ta phải thận trọng hơn trong việc này”, PGS.TS Phương nhấn mạnh.
Nên khuyến khích doanh nghiệp bán bụi lò thép
Cùng đưa ra ý kiến về việc này, GS.TSKH Bùi Văn Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KH & CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc doanh nghiệp Việt xuất khẩu bụi lò thép sang Trung Quốc.
Theo GS Mưu, bụi lò thép được xếp vào dạng chất thải độc hại. Tuy nhiên công nghệ xử lý của chúng ta thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy nếu có đối tác Trung Quốc có nhu cầu thì nhà nước nên khuyến khích.
“Tôi ủng hộ việc xuất khẩu bụi lò thép sang Trung Quốc. Nếu chúng ta không xuất khẩu cũng chẳng làm gì cả. Việc này vừa giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường vừa giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí”, ông Mưu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thừa nhận, trong bụi lò thép luyện từ lò điện đang chứa hàm lượng kẽm khá cao, vì vậy về lâu dài Việt Nam cũng cần học hỏi các công nghệ kỹ thuật hiện đại để tách kim loại.
“Phương pháp tách kim loại để lấy nguyên liệu kẽm từ bụi lò thép thì nhiều nước trên thế giới đã làm rồi. Chúng ta phải cố gắng khai thác nguồn kẽm này nếu không sẽ rất lãng phí”, GS Mưu nhấn mạnh.