Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới200 ngàn cử nhân thất nghiệp, lỗi tại ai?

200 ngàn cử nhân thất nghiệp, lỗi tại ai?

Nhiều người coi việc 200.000 cử nhân thất nghiệp như là thảm họa mà ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm là quan niệm không đúng.

Theo GS.Trần Phương: “Nhiều người coi việc 200.000 cử nhân thất nghiệp như là thảm họa mà ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm là quan niệm không đúng” 

Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập”, GS.Trần Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm. 

“Theo tôi, đó là một quan niệm không đúng. Hiện tại, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung”, GS.Trần Phương nêu quan điểm. 

Và theo ông Đinh Ngọc Hiện – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Tây cũng cho rằng, không thể chỉ nhìn vào con số 200.000 cử nhân thất nghiệp để trách hệ thống giáo dục được vì điều đó rất “vô duyên”.

Bởi hiện tượng thừa người thiếu việc như hiện nay là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam không tạo ra được việc làm cho những người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Các nhà đầu tư vào Việt Nam đều nhắm vào nhân công rẻ tiền thì sẽ không thể có việc làm cho người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. 

Đồng tình với hai quan điểm này, GS.Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, theo báo cáo cho thấy 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng rõ ràng đây không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục và xã hội cũng đừng nhìn nhận chỉ số lượng này chủ yếu nằm ở các trường ngoài công lập.

Mặc dù GS. Trần Phương thừa nhận xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót tuy nhiên dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau. 

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động.Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. 

Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

“Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ.

Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại. Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường” – ông Phương khẳng định.

Theo GS.Trần Phương, nhìn rộng ra thế giới, ta thấy hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có.

Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ sung thêm 2 triệu người nữa.

Giảm quy mô đào tạo đại học là tư duy thiển cận

Trước hiện tượng sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc làm, đã có ý kiến cho rằng giáo dục đại học của nước ta đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại thì trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, GS.Trần Hồng Quân khẳng định, chúng ta cần kiên trì phát triển giáo dục đại học, không thể giảm quy mô. 

“Nếu giảm quy mô là tư duy thiển cận bởi chúng ta không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại mà cần phải chuẩn bị cho tương lai, cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến gần”, GS.Trần Hồng Quân nhấn mạnh. 

Còn đại diện người đứng đầu cơ sở đào tạo, GS.Trần Phương khẳng định trước rằng: 

“Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư.

Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại”.

Theo GS.Phương, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh đại học, cao đẳng mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Hãy nhìn vào tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng trong dân số nước ta vẫn còn thấp so với các nước. Nếu chuyển sang thời đại tri thức thì sẽ nảy ra bất cập.

Hơn nữa, việc một người tốt nghiệp đại học vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

“Giáo dục đại học của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật – công nghệ. Lâu nay, việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. 

Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Các Bộ cần có cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn cho thanh niên” – GS.Phương nhấn mạnh.

Để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường, GS.Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đề nghị Nhà nước, thành lập cơ quan chuyên môn chuyên nghiên cứu, khảo sát và dự báo nhu cầu thị trường lao động các ngành nghề. 

Hàng năm có công bố kết quả nghiên cứu và dự báo nhằm định hướng chọn ngành nghề cho xã hội, hạn chế xu hướng chọn ngành nghề theo cảm tính và phong trào tức thời như hiện nay.

Cơ quan chuyên môn có thể định kỳ tổ chức khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường trong phạm vi toàn quốc và công bố công khai chính thức trên các phương tiện truyền thông. 

Đây sẽ là một kênh quan trọng để người học chọn trường theo học và để các trường nỗ lực cố gắng, phấn đấu đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng trường.

RELATED ARTICLES

Tin mới