Bộ Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức Thủ đô dự kiến được ban hành vào đầu năm 2017. Dự thảo Bộ Quy tắc này khuyến cáo công chức, viên chức Thủ đô không nên xăm hình, vẽ hình phản cảm; công chức mặc áo có cổ, váy dài đến gối,…
Bộ Quy tắc nêu rõ công chức, viên chức không gây căng thẳng, bức xúc người dân
Sau nhiều năm xây dựng, ngày 1/1/2017, Hà Nội dự kiến sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức Thủ đô với những quy định ứng xử trong nhiều mối quan hệ: cấp trên, đồng nghiệp, người dân… Đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.
Các nguyên tắc ứng xử cơ bản của công chức, viên chức được nêu rõ trong Bộ Quy tắc như: quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.
Bộ Quy tắc cũng khuyến cáo công chức, viên chức Thủ đô nên ăn mặc lịch sự, gọn gàng khi đến công sở. Cụ thể như trang phục công sở lịch sự, mặc áo có ống tay, cổ áo, mặc váy dài đến gối; đầu tóc gọn gàng.
Đặc biệt, khuyến cáo công chức, viên chức Thủ đô không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp.
Công chức, viên chức Hà Nội cũng không được tự ý tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc. Không hút thuốc tại cơ quan, phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn, hát karaoke trong giờ làm việc hay giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.
Cán bộ công chức phải mặc trang phục lịch sự, mặc áo có tay, có cổ, không mặc váy ngắn. (Ảnh minh họa)
Bộ Quy tắc cũng yêu cầu công chức, viên chức không sử dụng thiết bị giải trí cá nhân. Cụ thể, không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử và các thiết bị trò chơi, giải trí cá nhân trong giờ hành chính.
Trong ứng xử với đồng nghiệp, Bộ Quy tắc chỉ rõ công chức, viên chức không quảng cáo, vận động, mời gọi đồng nghiệp và công dân mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ hành chính.
Khi ứng xử với người dân, công chức, viên chức Thủ đô không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Trao đổi với báo chí ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội – cho biết, để ban hành được Bộ Quy tắc ứng xử, đơn vị này đã nghiên cứu đánh giá thực trạng, điều tra xã hội học tại nhiều địa bàn trên toàn thành phố. Quy trình xây dựng Bộ Quy tắc rất chặt chẽ, công phu và thành phố rất thận trọng khi đưa ra quy chế.