Các nhà kinh tế Mỹ cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu chống Nga trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, và hiệu quả của chúng là một dấu hỏi lớn.
Tờ Bloomberg của Mỹ mới đây nhận định rằng, việc lần này Liên minh châu Âu mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga thêm sáu tháng nữa có thể sẽ là lần cuối cùng.
Tờ báo cho biết, những nghi vấn về hiệu quả của các biện pháp được đưa ra, hay quan điểm của các chính trị gia thân Nga ở châu Âu đang ngày càng tăng sẽ là một thách thức chưa từng có đối với sự thống nhất của EU.
Đặc biệt, ứng cử viên Tổng thống Pháp đồng thời là cựu Thủ tướng Pháp ông Francois Fillon rất ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt cũng như ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Moscow.
Tác giả bài báo cũng lưu ý rằng: “Cần phải nhắc thêm rằng mối quan hệ rất tiến bộ giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với ông Putin sẽ khiến vị thế chung của Mỹ và EU trở nên không đáng tin cậy”.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Bloomberg, nhà phân tích chính sách cao cấp của Trung tâm chính sách châu Âu tại Brussels, ông Paul Ivan đưa ra bình luận: “Sau một thời gian nữa, khi tình hình phía đông Ukraine không có thay đổi gì đặc biệt, thì việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ ngày càng khó khăn hơn. Rất khó dự đoán tình hình sáu tháng sắp tới bởi những hiểu biết về chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ mới vẫn còn nhiều hạn chế”.
Trong một cuộc khảo sát đối với các nhà kinh tế do Bloomberg tiến hành cho thấy, hầu hết số người được hỏi (chiếm đến 55%) đưa ra dự báo rằng, các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với Nga trong năm tới sẽ giảm đi nhiều. Trước đó, trong một cuộc khảo sát được tổ chức vào tháng 10 chỉ có 10% các nhà kinh tế đưa ra dự báo tương tự.
Tờ báo này cho biết, tâm lý mong đợi những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ có liên quan đến chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vừa qua.
Các nhà phân tích tin rằng, nếu Washington giảm các biện pháp trừng phạt thì EU không có sự lựa chọn nào khác là phải theo gương nước này. 40% nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg hy vọng rằng EU sẽ đồng thời nới lỏng các cơ chế trừng phạt chống Nga trong 12 tháng tới.
Nhà kinh tế đến từ IHS Markit, ông Charles Muvit đã nhận xét trên tờ Bloomberg: “Nếu Mỹ giảm đi các biện pháp trừng phạt, thì các nước EU sẽ không thể đồng thuận trong việc duy trì các cơ chế trừng phạt trong tình hình đó”.
Các nhà kinh tế ước tính, nếu các biện pháp hạn chế kinh tế được dỡ bỏ, thì sự tăng trưởng được dự kiến ở Nga sẽ theo chiều hướng tốt hơn: chỉ số GDP sẽ đạt 0,2% trong năm tới và tăng lên 0,5% trong năm 2018.
Đầu năm 2014, Mỹ và EU đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga do tình hình khủng hoảng ở Ukraine. Kể từ đó, lệnh trừng phạt đã nhiều lần được gia hạn. Nga đã trả đũa bằng một lệnh cấm vận hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia ủng hộ lệnh trừng phạt.