Bản tin Biển Đông ngày 26/12/2016.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập.
1) Tàu sân bay Trung Quốc tập trận trên không tại các vùng biển
Ngày 24/12, hãng AP đưa tin:
Ngày 23/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cho biết gần đây, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã thực hiện các cuộc tập trận trên không trên biển Hoàng Hải trước khi tiến hành các chuyến đi xa hơn đã được lên lịch trình. Bộ này còn tiết lộ, nhóm tàu sân bay nói trên “có thể được xem là bước tiếp theo để tiến hành các cuộc thử nghiệm và huấn luyện xuyên đại dương”. Mặc dù Bộ này vẫn úp mở về địa điểm tiến hành, song “xuyên đại dương” mà phía nước này nhắc đến đã củng cố thêm cho những dự đoán của truyền thống Trung Quốc rằng các tàu chiến có thể sẽ sớm tới Biển Đông. Đặc biệt, tờ Thời báo Hoàn cầu đã dẫn lời một chuyên gia phân tích quân sự có tiếng thản nhiên khẳng định, Biển Đông sẽ là “điểm đến lý tưởng tiếp theo” vì các cuộc tập trận chung có thể có sự tham gia của quân đội đóng trên các cấu trúc ở Biển Đông mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
2) Vì sao việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Hải quân Mỹ lại tạo ra một tiền lệ nguy hiểm
Ngày 24/12, trang Daily Caller đăng bài viết “Vì sao việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Hải quân Mỹ lại tạo ra một tiền lệ nguy hiểm” của tác giả Ryan Pickel:
Trong bài viết, tác giả Ryan Pickel khẳng định, việc Trung Quốc thu giữ bất hợp pháp thiết bị lặn của hải quân Mỹ và phản ứng thầm lặng của Mỹ có thể sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, dù Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm góc đã lên tiếng phản đối hành động này của phía Bắc Kinh và ngay lập tức yêu cầu hoàn trả. Ông Pickel cho rằng, phản ứng của Trung Quốc trong vụ việc lần này đặc biệt đáng lưu ý bởi việc nhiều lần cố gắng “làm chìm” vụ việc, kêu gọi Mỹ không “đi quá sâu” và tránh “thổi phồng vấn đề” rõ ràng là nhằm thực hiện ý đồ ngấm ngầm thiết lập các thông lệ mới ở khu vực, mà ở đó Trung Quốc có thể kiểm soát một cách hoàn toàn. Phía Trung Quốc đã liên tục lặp đi lặp lại các phát biểu tương tự nhau nhằm bênh vực cho hành động tuỳ tiện này, đồng thời lên án một cách đầy vô cớ đối với phía Mỹ là “đã đưa tàu và máy bay đến các vùng biển “của Trung Quốc” nhằm mục đích do thám”. Không những thế, Trung Quốc còn ra sức hợp pháp hoá hành động của họ. Tác giả bài báo cũng cho rằng, phản ứng lần này của Trung Quốc còn cho thấy quan điểm của họ đối với các vùng biển yêu sách đang thay đổi, mà cụ thể, đang “mở rộng ra” ngoài phạm vi đường chín đoạn mà nước này yêu sách một cách phi lý.
Ông William Yale, trợ lý nghiên cứu viên thuộc Dự án An ninh Mỹ, tỏ ra hết sức bất bình “Chính phủ, truyền thông và dư luận trong nước không chỉ tìm cách hợp pháp hoá vụ thu giữ mà còn mô tả nó như một hành động đáng hoan nghênh và phát huy ở những trường hợp tương tự trong tương lai, thậm chí còn “quảng bá” đây là một thủ tục hoạt động chuẩn mực”. Ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam và Châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu An ninh, giải thích “đây là cách Trung Quốc chứng minh nước này đang trong quá trình thiết lập các quy tắc ở khu vực Biển Đông”, cảnh báo “nếu Trung Quốc có thể rút khỏi vụ này một cách êm thấm, điều này sẽ cho thấy một thông điệp đáng báo động”. Trong khi đó, ông Euan Graham, Giám đốc Dự án Nghiên cứu quốc tế, Viện Lowy cho rằng, phản ứng “im lặng” của chính quyền Obama lần này đối với động thái của Trung Quốc là nhằm tránh làm leo thang căng thẳng.
3) Giới quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc sắp huy động “hàng trăm” tên lửa tới các đảo ở Biển Đông trong vài tháng tới
Ngày 25/12, trang International Business Times đưa tin:
Ngày 24/12, trả lời phỏng vấn với hãng Fox News, hai quan chức của Mỹ đã tiết lộ rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị huy động “hàng trăm” tên lửa đất đối không đang được đặt ở đảo Hải Nam tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông trong vài tháng tới và điều này dường như là phù hợp với “nguyện vọng” bảo vệ ba đường băng mới hoàn thành như phía Bắc Kinh trước đó đã tiết lộ. Các quan chức này dự đoán, dù hiện nay chỉ là “một vị trí tạm thời”, song đảo Hải Nam nhiều khả năng chính là một điểm huấn luyện trước khi các tên lửa này được thực sự triển khai vào đầu năm 2017 tới Trường Sa hoặc đảo Phú Lâm. Theo nguồn tin này, hai hệ thống tên lửa trên Hải Nam bao gồm CSA-6b và HQ-9. Tuy nhiên, một trong hai quan chức quân sự này nói rằng tổng số lượng tên lửa đất đối không của Trung Quốc trên đảo Hải Nam có thể lên đến 500 chiếc.