Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiQuy định mới về trang phục, xăm hình đối với công chức...

Quy định mới về trang phục, xăm hình đối với công chức gây tranh cãi

Sau khi Sở VH &TT Hà Nội ban hành “Bộ quy tắc ứng xử” dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Trong 6 chương 16 Điều quy định những quy tắc ứng xử cũng như tác phong trong công sở và nơi công cộng, có một số quy định đã và đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia và độc giả.

Theo thông tin từ Vietnamnet, GS. Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm rằng những quy định từ Sở VH&TT là hợp lý. Nguyên nhân là vì việc ăn mặc lịch sự, gọn gàng, kín đáo phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ xưa đến nay, trong các văn phòng hành chính đều có nội quy dán trước cửa. Việc ăn mặc kín đáo còn giúp cho các đồng nghiệp khác không bị mất tập trung trong công việc. Tuy nhiên, Giáo sư nhấn mạnh rằng việc này không nên bị rập khuôn, cứng nhắc thì được.

Ông Biền nói thêm rằng “Những quy định này không hề xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của riêng ai cả” và “Hà Nội đưa ra những quy định như thế này chỉ khẳng định việc thực hiện cần được nghiêm túc hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Quý Đức chia sẻ trên VTC News rằng trên cơ bản ông không phản đối quy định trên vì “Ai cũng có quyền tự do nhưng tự do đôi khi cũng cần trong khuôn khổ nhất định”. Ông Đức cho rằng việc ăn mặc khêu gợi, xăm hình, dùng nước hoa… thì phù hợp với những buổi đi chơi hoặc làm việc nghệ thuật. Làm công chức nhà nước thì thường xuyên phải tiếp xúc với người già, trẻ em và cả người nghèo nên phải tạo hình ảnh không quá khác biệt.

Tuy nhiên, dựa theo thông tin từ Tuổi trẻ, GS. Ngô Đức Thịnh nguyên viện trưởng viện nghiên cứu văn hoá VN cho rằng: “Không có quy tắc ứng xử thì cũng dở, nhưng nếu nhất nhất bắt buộc mọi người phải thực hiện theo những quy tắc này thì lại càng dở hơn. Bởi quy tắc này có những khía cạnh không thực tế”.

Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, một số quy định trong bộ Quy tắc ứng xử này vi phạm quyền công dân. Theo thông tin dẫn từ Tuổi trẻ, ông Tiến cho hay, theo góc độ quyền công dân trong Hiến pháp thì nhiều quy định trong bộ Quy tắc ứng xử đã động chạm đến quyền tự do cá nhân của công dân.

Ngày 24/12, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội (đơn vị chủ trì soạn dự thảo Quy tắc ứng xử Hà Nội) cũng chỉ ra nhiều điểm quy định cụ thể còn gây tranh cãi, thắc mắc, trong bộ Quy tắc này. Về vấn đề trang điểm và dùng nước hoa, ông Tô cho rằng nếu nữ nhân viên công sở trang điểm nhẹ nhàng, dùng một ít nước hoa thì không ảnh hưởng đến người khác. Nếu trong cơ quan mà mùi nước hoa sặc sụa, son phấn quá nhiều sẽ làm một số người khó chịu và phản cảm thì không ổn.

Về tính khả thi của bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, ông Tô Văn Động khẳng định, đối với công chức, viên chức và những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố HN thì đương nhiên sẽ khả thi. Vì những người này phải chịu sự chi phối mang tính pháp lý nhiều hơn.

“Đã là công chức, viên chức thì anh phải gương mẫu thực hiện, nếu anh không gương mẫu thực hiện thì cũng không được. Đâu phải cứ có chế tài, xử lý thì mới được đâu, mà tự trọng, ý thức của con người là những điều còn quan trọng hơn nhiều”, dẫn lời ông Tô Văn Động từ báo Tuổi trẻ. 

RELATED ARTICLES

Tin mới