Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinThế giới ra sao nếu Trump khởi động chạy đua hạt nhân?

Thế giới ra sao nếu Trump khởi động chạy đua hạt nhân?

Việc không ngừng lấp đầy kho vũ khí hạt nhân phản ánh sự phức tạp, kịch tính gia tăng trong sự đối đầu giữa các bên.

Một tên lửa đạn đạo tầm trung SS-4 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân từ thời Liên Xô – Ảnh: Reuters

Mục tiêu chạy đua vũ trang là gì?

“Nếu lời tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump trở thành sự thực, thì sau này nhìn lại, người ta sẽ thấy rằng, kể từ sau Chiến tranh lạnh, cuộc chay đua hạt nhân đầu tiên của siêu cường được tuyên bố bởi hai người dẫn chương trình truyền hình mặc đồ ngủ”, The New York Times viết.

“Hãy chạy đua vũ trang đi. Chúng ta sẽ vượt qua và đánh bại họ”, Mika Brzezinski – nữ MC của chương trình Morning Joe nói.

Khi đó, bà và một MC khác đang mặc đồ ngủ, ngồi cuộn tròn trước một chiếc lò sưởi giả, đọc lại câu nói và bình luận về dòng Twitter liên quan đến vấn đề hạt nhân của Trump.

NYT nhận định, xét từ những đe dọa trước đây của Trump có thể thấy, tuyên bố này của ông cũng có thể chỉ mang tính chất hù dọa. Nhưng nếu ông kiên quyết mở ra cuộc chạy đua hạt nhân thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Thực tế, việc không ngừng lấp đầy kho vũ khí hạt nhân phản ánh sự phức tạp, kịch tính gia tăng trong sự đối đầu giữa các bên.

Ví như: một nước nhanh chóng phát triển hệ thống vũ khí mang đầu đạn hạt nhân thì nước kia cũng sẽ đáp lại bằng việc gấp rút chế tạo càng nhiều vũ khí hơn.

Bài học từ cuộc chạy đua hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho thấy: Suýt nữa đã xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu Mỹ và Liên Xô không kịp thời xoay chuyển cục diện chạy đua hạt nhân – điều mà họ từng cho là vô cùng quan trọng.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đều cho rằng, bản thân đang đáp lại hành động của đối phương. Họ gấp gáp duy trì sự cân bằng chiến lược, hy vọng có thể ngăn chặn chiến tranh hoặc chí ít có thể giành sự sống trong cuộc chiến tranh này.

Dù “chạy đua vũ trang” được miêu tả như một chính sách làm tăng nguy cơ chiến tranh lạnh nhưng bản thân nó không phải là một chính sách.

Trái lại, nó là một “sản phẩm phụ” khiến cả thế giới lo lắng trong quá trình đạt mục tiêu chung của Xô – Mỹ. Lãnh đạo hai bên sau đó do muốn tránh thất bại nên đều không có thái độ tích cực đối với cuộc chạy đua vũ trang này.

Có một trường hợp ngoại lệ, đó là năm 1981, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Ronald Reagan vì mong muốn giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh nên đã xác định “vượt mặt” Liên Xô về vũ khí hạt nhân.

Nhưng sau một vài năm, thời gian dành cho hai nước càng ngày càng rút ngắn, giữa chừng còn xuất hiện một vài tình thế nguy hiểm nên cuối cùng ông lại là người tích cực ủng hộ việc giải trừ số lượng vũ khí hạt nhân nhất trong phòng Bầu dục.

Reagan và lãnh đạo Liên Xô bấy giờ là Mikhail Gorbachev dự định nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện tại một hội nghị thượng đỉnh vào năm 1986 nhưng do không đạt được nhận thức chung nên hai bên đã quyết định sẽ giảm dần số lượng vũ khí hạt nhân, tạo ra bước ngoặt trong cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.

Các cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân tiếp tục được diễn ra, hai bên cũng ký nhiều điều ước liên quan ví như Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân được ký kết năm 2010 giữa hai chính phủ Nga – Mỹ.

Tuy nhiên, điều ước này có thể bị xóa bỏ nếu dựa theo chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump, NYT cho hay.

Thế chân kiềng Mỹ – Nga – Trung

“Mỹ phải tăng cường và nâng cao khả năng hạt nhân một cách mạnh mẽ khi thế giới khôi phục nhận thức về hạt nhân như thế này”, Trump viết trên Twitter hôm 22/12.

NYT cho hay, hiện nay vẫn chưa hiểu rõ ý định của Tổng thống đắc cử nhưng theo giới phân tích, dù cho Trump có ý định gì thì cách ông kích động một cuộc chạy đua vũ trang cũng đều sẽ mang lại những hậu quả dễ dàng dự đoán được.

Hai nước có khả năng đưa ra “phản ứng” nhất chính là Nga và Trung Quốc. Trong đó, kho vũ khí hạt nhân của Nga tương đương Mỹ, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thì ít hơn nhiều.

Dù mục tiêu của hai nước này khác nhưng phương án họ đưa ra đều nhằm để cạnh tranh với Washington, sau đó sẽ có điều chỉnh phù hợp để theo kịp với sự phát triển của Mỹ ở bất cứ thời điểm nào.

Giới quan sát cảnh cáo, một phần do Mỹ thường thể hiện sức mạnh lấn lướt về các loại vũ khí thông thường, gây áp lực lên Bắc Kinh và Moscow nên hai nước này sẽ có những hành động gây bất ổn. Từ đó, các bên tự tạo khó khăn cho nhau.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, Mosocw coi sự duy trì cân bằng hạt nhân với Washington là sự đảm bảo cuối cùng – có thể là duy nhất – để chống lại mối đe dọa hiện hữu từ các nước phương Tây.

Đối với Moscow, tụt hậu về vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc tự hủy diệt chính bản thân mình, NYT bình luận.

Báo Mỹ giả định, Nga có thể chấp nhận rủi ro hạt nhân để tăng cường sự răn đe đối với bất cứ mối đe dọa nào đến từ Washington.

Moscow có thể bố trí tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới khu vực Kaliningrad thì cả châu Âu gần như đều nằm trong tầm bắn của Nga.

Theo Tổng thống Putin, Moscow hiện vẫn đang duy trì cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nước Nga bị đe dọa.

Trong khi đó, theo NYT, mục tiêu hạt nhân của Bắc Kinh không quá phức tạp khi mà họ chỉ cần duy trì sức mạnh, nếu trong trường hợp Mỹ tấn công trước thì họ có thể “gửi đi” một vài vũ khí để đáp trả.

Nếu Trump tăng cường sức mạnh hạt nhân với mục đích nhằm đối phó Nga thì Trung Quốc vẫn sẽ lo ngại rằng cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ chính là loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của họ.

Điều này khiến đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh mất đi tính răn đe và càng khiến nước này ra sức tăng cường vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ – Vipin Narang cho biết, Trung Quốc sẽ mở rộng sức mạnh vũ khí hạt nhân nhưng ông cũng lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ cùng lúc tìm phương án giải quyết nhanh vấn đề này.

Narang nhận định, Trung Quốc có thể cài đặt sẵn đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa để rút ngắn thời gian đáp trả. Hoặc nước này sẽ giấu các tên lửa dưới các đường hầm kiên cố. Hoặc họ đưa các đầu đạn lên các xe tải và phân tán khắp cả nước nhằm tránh các cuộc công kích.

Trung Quốc cũng có thể quyết định từ bỏ việc chủ động tiến hành tấn công vũ khí hạt nhân trong mọi cuộc xung đột bởi “họ không có khả năng gánh vác hậu quả của lần thứ hai tấn công bằng vũ khí hạt nhân”, Narang nói.

Một cuộc chiến không có người chiến thắng

Về tuyên bố của Trump, Narang nhận xét: “Nếu lời nói của ông ấy là nghiêm túc, muốn mở ra cuộc chạy đua vũ trang với một hoặc hai nước này thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế giới mới rất đáng sợ”.

Thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, quan chức cao cấp Lầu Năm Góc Paul C. Warnke từng nói, hai nước mở rộng kho vũ khí hạt nhân không giống như cuộc thi đấu mà giống như hai người đang chạy trên máy chạy bộ.

“Thắng lợi duy nhất của cuộc chạy đua vũ trang chính là xem ai là người đầu tiên ngã khỏi máy chạy bộ”, ông nói.

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới dường như đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân khi xuất hiện một tình thế vô cùng nguy hiểm.

Vào năm 1983, hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô phát hiện ra Mỹ sẽ tiến hành tấn công hạt nhân khiến điện Kremlin bước vào thời kỳ căng thẳng cao độ.

Cuộc chạy đua vũ trang đã quyết định việc Liên Xô phải lập tức tiến hành hành động đáp trả cứng rắn với Mỹ, đồng thời nhằm vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa nào tiếp theo.

Tuy nhiên, theo báo cáo mật được Trung tâm Lưu trữ an ninh quốc gia của Đại học George Washington công bố vào cuối tháng 10/2015 thì đây chỉ là cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn ở Trung Âu của Mỹ với các đồng minh.

Cuộc tập trận đã khiến Liên Xô lo sợ rằng đây là một phần trong quá trình chuẩn bị của Mỹ cùng đồng minh cho một cuộc chiến tổng lực thực sự chống lại Liên Xô và đặt cả nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Chính điều này đã dẫn đến việc Liên Xô đã bắn nhầm máy bay dân dụng của Hàn Quốc do tưởng nhầm đây là máy bay trinh sát của Mỹ.

Sau này, chính Reagan đã ra sức phản đối chạy đua vũ trang vì các mối nguy hiểm nó đưa lại trong khi rất nhiều người Mỹ phản đối vì trải qua hàng thập kỷ, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD nhưng nó không mang lại chiến thắng cho Washington.

“Từ góc độ lịch sử có thể thấy, hệ quả của việc để ngăn chặn người khác mà bản thân lại đi sản xuất vũ khí hạt nhân giống như gửi email cho tất cả mọi người nhằm kêu gọi họ dừng sử dụng nút bấm “Trả lời tất cả”, một chuyên gia Mỹ nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới