Bản tin Biển Đông ngày 27/12/2016.
1) Người dân đang hỗ trợ chính phủ thúc đẩy yêu sách trên Biển Đông
Ngày 26/12, hãng VOA News đưa tin:
Gần đây, các học giả đang tỏ ra lo ngại trước việc Trung Quốc triển khai các chuyến bay dân sự hàng ngày tới các vùng biển tranh chấp ở phía Nam. Điều này cho thấy ý đồ của chính phủ Trung Quốc nhằm sử dụng người dân như một công cụ để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông. Các học giả này nhận định, chuyến bay ngày 22/12 vừa qua của phía Trung Quốc, cất cánh từ Hải Khẩu tới đảo Phú Lâm, Biển Đông đã góp phần mở rộng chiến dịch của Bắc Kinh nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự và dân sự trên quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, sự có mặt của dân thường trên các cấu trúc ở Biển Đông có thể sẽ làm tăng uy tín đối với các yêu sách chủ quyền và ngăn cản bất cứ ý định tấn công nào của các bên tranh chấp khác.
Ông Euan Graham, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lowy, Sydney nhận định “việc dùng người dân làm lá chắn có lẽ là một cách làm cực đoan, nhưng nếu có cư dân sinh sống trên các cấu trúc, điều đó sẽ khiến bất cứ ai muốn chiếm hữu cấu trúc đó phải tính tới “chi phí chính trị” nếu xung đột xảy ra”. Ông Graham cho rằng, việc người dân có thể đến quần đảo Hoàng Sa có thể làm hài lòng dư luận ở Trung Quốc bởi điều đó có thể cho người dân của họ thấy được tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền. Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia trong khu vực cũng đã tính tới phương án này. Malaysia là quốc gia đi đầu trong việc dùng người dân để củng cố yêu sách ở Biển Đông, khi mở hoạt động du lịch ở đảo nhân tạo Layang – Layang thuộc Trường Sa năm 1989. Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tại Đài Bắc, cho rằng, đa phần, các cộng đồng dân cư trên nhiều cấu trúc ở Biển Đông đang làm việc cho hoặc được hỗ trợ bởi chính phủ của các nước khác nhau, nhấn mạnh “ngành du lịch ở Biển Đông đang bị hạn chế vì những lý do kinh tế, chính trị và những lý do khách quan khác”. Trong khi đó, ông Oh Ei Sun, nghiên cứu viên tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, việc sử dụng các đảo vào mục đích dân sự sẽ thúc đẩy “kiểm soát hữu hiệu”, theo luật quốc tế, đồng thời cho rằng các nước sẽ đánh giá các chuyến bay dân sự của Trung Quốc để “làm mới” yêu sách ở Hoàng Sa theo cách ít nghiêm trọng hơn là đưa ra một hành vi phô trương sức mạnh quân sự nào đó. Từ trước đến nay, Trung Quốc thường xuyên sử dụng người dân của họ để hỗ trợ cho các công trình quân sự, tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, Trung Quốc đã dùng các tàu đánh cá để nguỵ trang cho hành động tuần tra các vùng nước tranh chấp với các quốc gia khác trong khu vực.
2) Thời báo Hoàn cầu lợi dụng vụ thiết bị lặn để chỉ trích Mỹ do thám ở Biển Đông
Ngày 26/12, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Vụ thiết bị lặn tiềm ẩn một căng thẳng mới ở Biển Đông” của tác giả Zhao Minghao, nghiên cứu viên tại Viện Charhar và cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Chongyang, Đại học Nhân dân, Trung Quốc:
Trong bài viết, ông Zhao Minghao đã bao biện cho việc Trung Quốc tuỳ tiện thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, cáo buộc chiếc UUV bị thu giữ đã được sử dụng để theo dõi việc xây dựng trên các đá gần Trường Sa cũng như thăm dò những tuyến hoạt động ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông này lớn tiếng cho rằng, “Bắc Kinh hoàn toàn có cơ sở vững chắc cho bất cứ biện pháp chống trả nào đối với “các chiến thuật của quân đội Mỹ có thể gây hại cho an ninh của Trung Quốc””, “Hải quân Trung Quốc đã rất chuyên nghiệp và có trách nhiệm khi tiến hành điều tra một cách cần thiết, trước khi thực hiện việc trao trả nhanh chóng”. Mặt khác, ông Minghao lớn tiếng lên án chiếc UUV của Mỹ có thể ẩn chứa những lo ngại mới cho tình hình Biển Đông trong thời gian tới, tự “vẽ” ra nguy cơ Chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng chương trình “Tự do hàng hải” ở khu vực. Viện cớ Lầu năm góc tái khẳng định nhu cầu nâng cao năng lực chiến đấu dưới nước, ông Minghao gán cho mục tiêu của thiết bị này xa hơn mục tiêu “nghiên cứu khoa học” với lý do “quân đội Mỹ đã liên tục hiện diện ở các vùng biển của Trung Quốc bằng máy bay và tàu thuyền nhằm tiến hành do thám cự ly gần và khảo sát quân sự trong nhiều năm”. Lập luận của bài báo cũng hết sức thiếu thuyết phục khi cho rằng việc Mỹ dùng tàu Bowditch, chiếc tàu đã phóng thiết bị lặn bị thu giữ, mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo trước nào cho những hoạt động của tàu này là lý do khiến “Bắc Kinh quan ngại về bất cứ thiết bị nào nó phóng ra vì những nguy cơ tiềm tàng đe doạ đến sự an toàn của tàu thuyền qua lại”, để qua đó có cớ phản đối hành động do thám cự ly gần của Quân đội Mỹ ở khu vực “gây đe doạ tới an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Minghao cũng vô cớ chỉ trích việc do thám của quân đội Mỹ, cũng như chương trình tự do hàng hải có thể dễ dàng gây ra những vụ đụng độ trên biển và trên không, là “làm gia tăng khả năng xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ”.
3) Tàu chiến Trung Quốc diễu võ giương oai Biển Đông
Ngày 27/12, tạp chí The Guardian đưa tin:
Mới đây, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi cho biết, ngày 26/12, một nhóm các tàu chiến do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu của Trung Quốc đã đi vào Biển Đông, sau khi đi qua phía Nam Đài Loan. Trong khi đó, phía truyền thông khẳng định, động thái mới này cho thấy khả năng tác chiến của Bắc Kinh đang ngày càng được cải thiện. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, tàu sân bay, được hộ tống bởi năm tàu khác đã đi qua phía Đông Nam quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát. Ông Chen Chung-chi đã từ chối không tiết lộ thông tin về việc có triển khai các máy bay chiến đấu hay tàu ngầm hay không nhưng lưu ý rằng, “việc cảnh giác và linh hoạt vẫn luôn là một điều bình thường”, cho biết phía nước này đang tiếp tục “giám sát và nắm bắt tình hình”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lập trường của nước này không thay đổi kể từ tháng 7, đó là Washington vẫn sẽ tiếp tục theo dõi hành động quân sự hoá của Trung Quốc và hy vọng các quốc gia tiến hành tập trận quân sự sẽ tuân thủ luật pháp. Trong khi đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng yêu cầu dư luận không đi quá sâu vào mục tiêu sử dụng của tàu sân bay, thay vào đó cần “tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc” vì “tàu Liêu Ninh cũng cần được thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế cho phép, một cách phù hợp với luật”. Tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này thì tiết lộ rằng cuộc tập trận cho thấy tàu sân bay đã “cải thiện” được năng lực tác chiến và có thể sẽ còn đi được xa hơn nữa, thậm chí còn mạnh miệng khẳng định “Một khi tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực bờ biển của Mỹ, nó sẽ khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn về các quy tắc hàng hải”.