Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngMuốn tìm hiểu về Biển Đông, người Trung Quốc phải biết một...

Muốn tìm hiểu về Biển Đông, người Trung Quốc phải biết một vài sự thật

Nhận thức của người dân Trung Quốc bình thường về vấn đề Biển Đông mới có vấn đề. Cơ bản họ không hiểu sự thực lịch sử, sự thực cơ bản, thậm chí là kiến thức.

Một bức pa-nô tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc về Biển
Đông nói rằng, Biển Đông là “của Trung Quốc”, ảnh: Internet.

Người Trung Quốc muốn thảo luận về Biển Đông, trước tiên phải điều chỉnh lại một vài nhận thức căn bản

“Truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa bất kỳ tin tức nào về Biển Đông, dù là trong chương trình Tin tức hay Tiêu điểm hôm nay của CCTV, rất thích dùng chữ “gây hấn” để nói về vai trò của Mỹ.

Cho dù đó là bản tin, hay là bài phỏng vấn, các nhà báo Trung Quốc bao giờ cũng tuân theo “logic mặc định”:

“Biển Đông là của chúng ta, của chúng ta từ thời cổ đại.

Hiện tại người Mỹ từ sáng đến tối chỉ tìm cách sinh sự, gây hấn với chúng ta. Đàm phán giữa chúng ta với các nước ven Biển Đông căn bản là tốt, vấn đề là trong lúc đàm phán thương lượng, Mỹ luôn tìm cách thọc gậy bánh xe, mà gốc gác vấn đề là họ sợ Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”.

Đó là một khía cạnh.

Một khía cạnh khác cần chú ý, do chính sách tuyên truyền một chiều và áp đặt của truyền thông nhà nước Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc hay còn gọi là “chủ nghĩa quốc gia mới” lên rất cao và khá phổ biến trong dân chúng Trung Quốc.

Tôi đã phát hiện thấy điều này từ rất lâu về đặc điểm nhận thức và tình cảm của dân chúng Trung Quốc.

Nếu nói về vấn đề tham ô tham nhũng, hách dịch cửa quyền thì người dân đều coi đó là kẻ thù, trăm người như một chửi lãnh đạo tham nhũng.

Nhưng hễ cứ động đến các vấn đề ngoại giao, hay các vấn đề dân tộc thì họ cũng gần như trăm người như một, không cần biết đúng sai hư thực, ngay lập tức đứng về phía chính quyền Trung Quốc.

Dường như họ nghĩ rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ đang bảo vệ “lợi ích quốc gia”, nên họ phối hợp chặt chẽ với truyền thông nhà nước.

Nói cho đúng hơn, xu hướng nhận thức và tình cảm này là kết quả của hoạt động truyền thông định hướng có mục đích của nhà nước Trung Quốc.

Chính vì thế mới nảy sinh vấn đề: rốt cuộc là chuyện Biển Đông, bao gồm các kiến thức cơ bản, người dân Trung Quốc hiểu được bao nhiêu? Rõ ràng người hiểu không nhiều.

Bởi lẽ truyền thông nhà nước Trung Quốc cung cấp tin tức về Biển Đông rất hạn chế và đã được chọn lọc, định hướng từ trước. Internet tại Trung Quốc bị kiểm soát gắt gao, những gì chính quyền không muốn người dân đọc được thì dân Trung Quốc rất khó đọc được.

Vì thế nhận thức của người dân Trung Quốc bình thường về vấn đề Biển Đông mới có vấn đề. Cơ bản họ không hiểu sự thực lịch sử, sự thực cơ bản, thậm chí là kiến thức cơ bản về Biển Đông.

Đương nhiên ngay cả bản thân tôi trước kia cũng không hiểu. Từ nhỏ tôi đã được dạy rằng:

“Tổ quốc vĩ đại đất rộng vật nhiều, Đông kéo đến bãi biển Hoa Đông, Tây trải dài đến cao nguyên Pamir (vùng ráp gianh 5 nước Afghanistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan, Pakistan).

Bắc trải dài đến Mạc Hà, Hắc Long Giang, Nam kéo xuống tận bãi Tăng Mẫu”. Bãi Tăng Mẫu được hiểu là điểm cực Nam của Trung Quốc”, chúng tôi được dạy từ nhỏ như thế.

Nhưng bãi Tăng Mẫu nằm ở đâu? Sau này xem bản đồ tôi mới thấy, nó ở quá xa Trung Quốc lục địa. Lại còn có đường 9 đoạn được vẽ như sợi dây thừng thòng xuống bao lấy toàn bộ Biển Đông, bãi Tăng Mẫu nằm ở cực Nam của đường 9 đoạn.

Do đó khi chúng ta thảo luận về Biển Đông, đầu tiên chúng ta phải điều chỉnh lại nhận thức về một vài vấn đề cơ bản, ví như “chủ quyền” với Biển Đông và đường 9 đoạn”. 

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định rõ ràng

“Trung Quốc tuyên truyền rằng, vùng biển bên trong đường 9 đoạn đều là ‘của chúng tôi’. Thực ra cách nói này vốn mập mờ trong một thời gian khá dài.

Nói thế nghĩa là sao? Toàn bộ vùng biển bên trong đường 9 đoạn là của Trung Quốc? Hay là các cấu trúc đảo, đá bên trong đường 9 đoạn là của Trung Quốc?

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra đường đứt đoạn 11 nét, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa và sửa thành đường 9 nét đứt, cả hai đều không nói rõ.

Mặt khác, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ Biển Đông.

Yêu sách chủ quyền của Việt Nam cơ bản bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Yêu sách của Philippines ban đầu bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây có điều chỉnh, thu gọn lại phạm vi.

Nói chung đối với quần đảo Trường Sa, 5 nước 6 bên đều nói “chỗ này là của chúng tôi”. Vậy làm thế nào để xác định việc quy thuộc của nó?

Vốn dĩ có một giải pháp rất đơn giản: năm 1982, Liên Hợp Quốc xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và đại bộ phận các quốc gia trên thế giới đều ký vào công ước này, Trung Quốc nằm trong số đó.

UNCLOS 1982 quy định rất rõ, thế nào là lãnh hải, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, làm thế nào để xác định chúng với những quy định chặt chẽ.

Ví dụ, từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển kéo ra ngoài (tối đa) 12 hải lý được gọi là lãnh hải, từ đường cơ sở này kéo ra ngoài 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế.

Trong lãnh hải, anh có chủ quyền tuyệt đối. Trong vùng đặc quyền kinh tế, anh có đặc quyền khai thác các tài nguyên, kinh tế, gọi là quyền tài phán.

Cứ theo những quy định này mà áp dụng vào Biển Đông, thì bất luận là Philippines, Việt Nam hay Trung Quốc, yêu sách chủ quyền đều không hoàn toàn hợp lý. Đương nhiên vô lý nhất là yêu sách của Trung Quốc.

Tại sao? Tính từ bờ biển đảo Hải Nam đến Tăng Mẫu (bãi cát ngầm James) cách xa chừng 1500 hải lý, trong khi bãi cát ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia hơn 100 hải lý.

Cứ theo quy định của UNCLOS 1982, James là một phần của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia.

Đương nhiên yêu sách của Việt Nam cũng không hợp lý, Việt Nam gọi cả vùng biển này là Biển Đông vì nằm ở phía Đông lãnh thổ của mình, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, toàn bộ đều nằm trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam.

Nhưng nếu theo quy định về vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam cũng chỉ có thể đòi một phần quần đảo Trường Sa chứ không thể đòi toàn bộ quần đảo.

Philippines ban đầu cũng đòi cả quần đảo, nhưng theo quy định này Philippines chỉ có thể yêu sách một phần quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Riêng Trung Quốc thì không thể với tới Trường Sa, vì cách lãnh thổ nước này quá xa.

Cứ theo hoạch định của UNCLOS 1982, Công ước căn bản đã bác bỏ việc quy thuộc cả một vùng Biển Đông rộng lớn cho một quốc gia cụ thể nào.

Đương nhiên ở đây còn một vấn đề nữa, là các cấu trúc địa lý ở Biển Đông. UNLCOS 1982 quy định chỉ có 3 loại với hiệu lực pháp lý tương ứng, đó là đảo, đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm.

Khái niệm về đảo khá rõ ràng: là vùng đất bao quanh bởi nước và luôn luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Đảo mặc nhiên có lãnh hải (không quá) 12 hải lý.

Tuy nhiên đảo muốn được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (không quá) 200 hải lý, nó phải thỏa mãn điều kiện phù hợp cho con người sinh sống, ví dụ như có thể canh tác, có nước ngọt…

Nếu cứ theo tiêu chuẩn này, số cấu trúc ở Trường Sa là đảo theo UNCLOS 1982 vô cùng ít, bao gồm đảo Ba Bình hiện do Đài Loan chiếm đóng, đảo Nam Yết do Việt Nam chốt giữ, đảo Thị Tứ đang do Philippines kiểm soát.

Thứ hai là đá, đó là một cấu trúc địa mạo vẫn nhô lên mặt biển khi thủy triều lên, bao gồm các mỏm đá. Hiệu lực pháp lý của đá nhỏ hơn đảo, chúng chỉ có lãnh hải (không quá) 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế.

Thứ ba là bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Thủy triều lên chúng ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển, thủy triều xuống chúng lộ trên mặt nước biển. Chúng không có lãnh hải riêng, và tất nhiên không có vùng đặc quyền kinh tế.”

Vài lời nhận xét

Người viết cho rằng, những phân tích của Giáo sư Trương Bác Thụ về cơ bản rất khách quan, xác đáng và có giá trị rất lớn trong phản biện, phản bác các yêu sách vô lý mà Trung Quốc đòi ở Biển Đông, mặc dù vẫn có một vài điều cần làm rõ.

Có thể Internet bị kiểm duyệt chặt chẽ tại Trung Quốc, nhưng những trí thức Trung Quốc chân chính và người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, công lý sẽ vẫn có cách, có ngày tìm ra được sự thật, nhờ chính những phân tích khách quan như những gì Giáo sư Trương Bác Thụ đã và đang làm.

Ở đây chúng tôi nhận thấy có vài điều cần phải trao đổi cho rõ thêm, đồng thời cũng để những người Việt Nam chúng ta quan tâm tới chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc ở Biển Đông cần nhìn lại mình và bổ sung những kiến thức pháp lý cần thiết.

Thứ nhất, không thể phủ nhận vai trò, vị trí của UNCLOS 1982 đối với việc giải quyết các tranh chấp phức tạp trên biển và đại dương giữa các nước thành viên Công ước, nhất là ở Biển Đông.

Điển hình là Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 tuyên, đã làm rất rõ việc ứng dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông.

Tuy nhiên, UNCLOS 1982 không phải chìa khóa vạn năng cho mọi tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Bên cạnh tranh chấp về ứng dụng, giải thích Công ước mà Philippines xác định làm nội dung chính để kiện Trung Quốc, còn có những tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được giải quyết dựa vào hệ thống các quy tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế hoàn toàn khác với UNCLOS 1982, đó là các quy tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Vì vậy chúng tôi chưa đồng tình với Giáo sư Trương Bác Thụ ở chỗ, coi UNCLOS 1982 là chìa khóa, căn cứ giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, nói Việt Nam đòi “chủ quyền” toàn bộ Biển Đông như cách hiểu của Giáo sư Trương Bác Thụ và có lẽ của cả không ít người Việt Nam, là không chính xác, có thể do ngộ nhận từ tên gọi.

Việt Nam có chủ quyền tuyệt đối với nội thủy, lãnh hải cũng như 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế – thềm lục địa hợp pháp thành lập theo UNCLOS 1982.

Ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông là vùng biển quốc tế.

Còn về chủ quyền được Nhà nước Việt Nam xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục từ khi còn là đất vô chủ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo các nguyên tắc, thực tiễn pháp lý về thụ đắc lãnh thổ, chúng tôi đã có nhiều lần giới thiệu các bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Do đó, tìm hiểu những nghiên cứu và phát biểu của Giáo sư Trương Bác Thụ thiết nghĩ cũng là một cơ hội rất tốt cho những ai quan tâm đến Biển Đông bổ sung thêm các kiến thức pháp lý cần thiết khi tiếp cận những vấn đề tranh chấp phức tạp ở khu vực này để có cái nhìn khách quan, thượng tôn pháp luật.

Từ đó mới có thể góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích “hợp pháp” của quốc gia, dân tộc. Nếu thiếu ngọn đuốc pháp lý dẫn đường, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái chủ nghĩa dân túy chẳng khác gì Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ ba, có lẽ Hội thảo lần thứ 23 của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, New York đã diễn ra trước thời điểm Phán quyết Trọng tài 12/7 và bây giờ tạp chí Minh Kính mới đăng công khai, miễn phí nội dung cuộc hội thảo này.

Vì thế nên có những chi tiết, khía cạnh pháp lý chưa được Giáo sư Trương Bác Thụ cập nhật.

Đó là Phán quyết Trọng tài đã làm rất rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa, trong đó không một cấu trúc nào phù hợp cho con người sinh sống mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài, do đó không cấu trúc nào ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, kể cả Ba Bình, Nam Yết hay Thị Tứ.

Cá nhân người viết tin rằng, với thái độ khách quan cầu thị, thượng tôn pháp luật mà Giáo sư Trương Bác Thụ đã thể hiện, chắc chắn ông sẽ đồng tình cao và ủng hộ Phán quyết này của Tòa  Trọng tài.

RELATED ARTICLES

Tin mới