Đó là một đạo luật “con” ít được chú ý, nằm trong Luật Ủy nhiệm Quốc phòng (NDAA) mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ký hôm 23/12 vừa qua.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, văn bản Luật chống tuyên truyền và thông tin sai lệch (Countering Disinformation and Propaganda Act) gồm 1623 từ, trong đó chỉ một lần nhắc đến Trung Quốc, nhưng đây rất có thể trở thành công cụ nguy hiểm chống lại nước này trong tương lai.
Theo luật này, Bộ ngoại giao Mỹ sẽ hoạt động tích cực hơn để “nhận diện, lý giải, vạch trần và đối phó với những nỗ lực làm sai lệch thông tin và tuyên truyền phi nhà nước, nhằm phá hoại các lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Đạo luật nhận được ngân sách lên đến 800 triệu USD mỗi năm, được sử dụng để thành lập một quỹ tín dụng quốc gia. Quỹ này sẽ cung cấp các thỏa thuận và tiền vốn để bồi dưỡng phóng viên, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các trung tâm nghiên cứu hay các doanh nghiệp tư nhân chuyên “bóc mẽ” chiến dịch tuyên truyền giả tạo của các quốc gia khác.
Hồi tháng 3 năm nay, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Robert Jones Portman, một trong những người soạn thảo dự luật về chống tuyên truyền, trình bày tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) rằng đạo luật không nhằm vào nước nào.
“Đạo luật của chúng tôi không phải để nhằm vào một hoặc một vài quốc gia hòng đạt được mục đích gì đó, mà muốn tạo ra cách thức tích cực và toàn diện hơn để giành chiến thắng trong cuộc chiến về tư tưởng,” ông Portman nói.
Tuy vậy, Portman thừa nhận ông cùng Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Chris Murphy, đồng soạn thảo dự luật, nhận thấy những mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Trung Quốc chi hàng tỉ mỗi năm cho các nỗ lực tuyên truyền đối ngoại,” Thượng nghị sĩ Portman cho hay.
“Tuyên bố chủ quyền (phi pháp-PV) mà Bắc Kinh áp đặt ở biển Đông là một điển hình gần đây chứng minh việc tuyên truyền bằng thông tin giả giúp giành thế chủ động một cách hiệu quả, trong trường hợp này Trung Quốc đã khiến Mỹ và đồng minh trở tay không kịp.”
Giáo sư Hồ Tinh Đẩu, thuộc Đại học công nghệ Bắc Kinh, nói rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang sau khi Luật chống tuyên truyền và thông tin sai lệch được thông qua.
“Giữa hai nước luôn có khác biệt về ý thức hệ, nhưng với việc Donald Trump trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ và có quan điểm đối địch với Bắc Kinh, ông ta có thể thực sự biến Trung Quốc thành kẻ thù lớn nhất của Mỹ,” học giả Trung Quốc bình luận.
Giáo sư Thời Ân Hoằng, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học nhân dân Trung Quốc, nói vẫn quá sớm để dự đoán chính quyền Trump sẽ làm gì với đạo luật trên, nhưng ông tin rằng nó có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc.
“Mục đích ban đầu của đạo luật rõ ràng là nhằm chống lại Nga,” ông Thời nói. “Nhưng khi tổng thống đắc cử Trump đang ngày càng xích lại gần Nga và có những lợi ích kinh doanh ở đây, thì dường như đạo luật lúc này đã hoàn toàn chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng Mỹ rất khó có thể tài trợ các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ban hành luật mới siết chặt quản lý các tổ chức dạng này.
Các tổ chức được báo SCMP liên hệ cũng từ chối tiết lộ họ có sẵn sàng “đón nhận” khoản tài trợ từ chính phủ Mỹ hay không.