Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnSáng kiến răn đe Thái Bình Dương và những hệ lụy tới...

Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và những hệ lụy tới an ninh khu vực

Việc Mỹ thông qua Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương vào đầu tháng 12/2020 được cho là bước điều chỉnh quan trọng trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Vậy nội hàm của Sáng kiến là gì và nó tác động như thế nào tới an ninh khu vực đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu quyết liệt

Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1979), chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc chủ yếu dựa trên quan điểm cho rằng, sự kết nối sâu sắc hơn sẽ thúc đẩy Trung Quốc mở cửa kinh tế và chính trị, làm cho quốc gia này với tư cách là một chủ thể toàn cầu có tính xây dựng và có trách nhiệm với một xã hội cởi mở hơn. Với quan điểm đó, tuy có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng chính quyền của các Tổng thống Mỹ, từ George Bush (Bush cha) đến Barak Obama đều thực thi chính sách can dự tích cực với Trung Quốc, vừa hợp tác, vừa kiềm chế, đồng thời, lôi kéo Trung Quốc tham gia vào hệ thống quốc tế hiện hành, theo luật chơi do Mỹ sắp đặt.

Song thực tế cho thấy, Trung Quốc đã thực hiện đối sách khôn khéo “ẩn mình chờ thời”, triệt để lợi dụng trật tự dựa trên các quy tắc mở và tự do nhằm định hình lại hệ thống quốc tế theo hướng có lợi cho mình. Từ năm 2001, khi Mỹ phát động cuộc thập tự chinh hao người, tốn của, dưới danh nghĩa “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu” và bị ngập chìm trong “vũng lầy” Iraq, Afganistan, Trung Đông, sức mạnh tổng thể bị giảm sút, thì Trung Quốc kiên trì chính sách cải cách, mở cửa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng đất nước hùng cường về kinh tế, quân sự, nhanh chóng vươn lên đứng tốp đầu thế giới. Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và theo nhiều dự báo trong tương lai không xa, có thể vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn coi trọng đầu tư, tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng quân đội hiện đại, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu chiến lược và nhiệm vụ chính trị của quốc gia. Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng sức ép về kinh tế, chính trị, quân sự với các nước trong khu vực, liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên biển, nhằm hiện thực hóa yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Những hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng với các nước trong khu vực, mà còn làm tổn hại đến quan hệ chiến lược với Mỹ. Có thể thấy, Trung Quốc không những không tuân thủ trật tự, mà còn muốn thay đổi trật tự quốc tế, thậm chí tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế hiện hành, đe dọa đến lợi ích sống còn của Mỹ.

Năm 2017, khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều quyết sách “gây sốc” cho chính nước Mỹ và thế giới. Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hơn 04 thập kỷ qua đã thất bại và chính quyền của Ông sẽ thực hiện chính sách “cứng rắn” hơn, để phù hợp với “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số 01, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Ở chiều ngược lại, tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với thế giới, Trung Quốc đã bước vào “thời đại mới” gần đến trung tâm của vũ đài quốc tế và tiến tới trở thành “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại” với một lực lượng quân đội hiện đại hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Những tuyên bố đầy tham vọng và quyết tâm thực hiện ý đồ chiến lược của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc được ví như những “màn thách đấu” không khoan nhượng, đẩy quan hệ giữa hai siêu cường vào tình thế “cạnh tranh chiến lược toàn diện”, đối đầu quyết liệt. Năm 2018, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tiếp đó, tháng 5/2020, Mỹ ban hành chiến lược mới đối với Trung Quốc mang tên “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Theo đó, Mỹ quyết định điều chỉnh chính sách từ kiềm chế, ngăn chặn không để mâu thuẫn giữa hai nước mở rộng, leo thang như trước đây sang hướng tiếp cận cạnh tranh công khai, quyết liệt, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, nhằm ngăn chặn Trung Quốc và bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Cụ thể hóa Chiến lược mới này, đầu tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2021, trong đó Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương được đánh giá là bước điều chỉnh quan trọng trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương.

Nội hàm của Sáng kiến

Theo giới hoạch định chiến lược Mỹ, Sáng kiến ​​răn đe Thái Bình Dương đề xuất các chương trình quân sự mang tính cấp thiết nhằm tăng cường khả năng răn đe và tác chiến của Quân đội Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hỗ trợ các đồng minh, đối tác và “ngăn chặn hành vi của Trung Quốc”. Chương trình nổi bật mà Sáng kiến đề xuất là Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến thế hệ mới tại Guam, hệ thống radar phòng thủ tên lửa tại Hawaii, các hệ thống hỏa lực tiến công tầm xa trên đất liền và trên biển. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao khả năng tác chiến của các căn cứ quân sự hiện có tại khu vực, Mỹ sẽ xây dựng thêm các căn cứ quân sự quy mô nhỏ hơn, phòng thủ tốt hơn ở các vị trí chiến lược. Mục tiêu của việc triển khai này là hình thành mạng tác chiến linh hoạt, hiệu quả, buộc “đối phương” phải phòng thủ ở nhiều hướng, nhiều khu vực, không có cơ hội dễ dàng tiến công tên lửa tiêu diệt các căn cứ quân sự của Mỹ, mà phải chia thành từng cụm nhỏ di chuyển để giao chiến. Hạm đội Thái Bình Dương cũng có kế hoạch tăng cường hệ thống giám sát, trinh sát và tình báo (SRI) cả trên không, trên biển; thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra của máy bay trinh thám, máy bay ném bom, tàu chiến đấu ở các khu vực biển “nhạy cảm”, như: Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thiết lập hệ thống hậu cần hiện đại bảo đảm tác chiến ở khu vực, gồm hệ thống: vận chuyển vũ khí liên hợp, đảm bảo hậu cần tác chiến cả trên biển và ngầm dưới mặt biển. Một chương trình quan trọng khác cũng được Sáng kiến đề xuất là Quân đội Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với quân đội các nước đồng minh, đối tác trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo, thực hiện các hoạt động giám sát, tuần tra phối hợp trên không, trên biển; tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng tác chiến liên hợp ứng phó với tình huống bất ngờ. Mỹ cũng coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên minh quân sự đã có; thiết lập cơ chế hợp tác an ninh song phương hoặc đa phương, trong đó chú trọng tận dụng cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng răn đe quân sự của Mỹ ở khu vực.

Theo giới chức Lầu Năm Góc, các nội dung đề xuất trong Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương không phải tất cả đều mới, nhưng bằng cách tập hợp chúng lại với nhau trong khuôn khổ một chính sách giúp Mỹ có được sức mạnh quân sự răn đe cần thiết trước các mối đe dọa an ninh ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường, nhất là với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.

Những tác động tới an ninh khu vực

Ngay sau khi được công bố, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương nhận được không ít những phản ứng trái chiều. Quan chức một số nước tỏ ý hoan nghênh coi Sáng kiến này là thông điệp mạnh mẽ, có thể giúp kiềm chế các hành động mà họ cho là ngày càng “ngang ngược” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng, việc Mỹ cam kết hiện diện lực lượng quân sự mạnh sẽ là nhân tố quan trọng trong duy trì sự cân bằng chiến lược, qua đó góp phần đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trái với quan điểm lạc quan trên, chính khách một số nước lại tỏ ý lo ngại khi quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng mấy thập kỷ gần đây đẩy mâu thuẫn đối kháng gay gắt trên nhiều bình diện, từ hình thái ý thức hệ, mô hình cấu trúc trật tự quốc tế, vai trò lãnh đạo thế giới đến lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ, đối ngoại, v.v. Mới đây, trong phiên điều trần trước Thượng viện, ông Antony Blinken – trợ lý thân cận và là người được tân Tổng thống Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng, nhấn mạnh, “không nghi ngờ gì nữa”, Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn nhất cho Hoa Kỳ so với bất kỳ nước nào. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe mới đây còn công khai tuyên bố, coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay cũng như đối với “nền dân chủ toàn thế giới kể từ Thế chiến thứ 2”. Trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc cũng đang tranh cãi gay gắt và có nhiều hành động “ăn miếng, trả miếng” gây lo ngại cho khu vực. Ngày 22/01/2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng này được sử dụng vũ khí để bảo vệ cái mà họ gọi là “chủ quyền trên biển của quốc gia”. Bởi vậy, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương của Mỹ chĩa “mũi dùi” vào Trung Quốc không chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự, mà còn có thể là “giọt nước tràn ly” đẩy hai siêu cường vào cuộc “chiến tranh lạnh mới”, không có lợi cho an ninh, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho rằng, nếu Mỹ đẩy mạnh việc triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì đó là một sự khiêu khích rõ ràng ở “ngưỡng cửa” Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại động thái này.

Dư luận cho rằng, khi mà chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đang đặt ưu tiên vào việc giải quyết những vấn đề “nổi cộm” trong nước thì việc thực thi Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dư luận cũng kỳ vọng, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, thế giới đang đứng trước những thời cơ để phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực “khôn lường” do đại dịch Covid-19 gây ra. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn các nước cần tăng cường mở rộng đối thoại, hợp tác cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, đàm phán hòa bình giải quyết các bất đồng, tranh chấp; kiên quyết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện mưu đồ cường quyền, bá quyền trong khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới