Những sự kiện dự kiến sẽ xảy ra và gây ảnh hưởng lớn trong năm 2017, từ việc ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, nước Anh thực sự khởi động quá trình rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ biến mất ở Trung Đông, theo tổng kết của Financial Times.
Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và sự phát triển của phong trào
cực hữu sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn đến thế giới năm 2017 – Ảnh: Financial Times.
Tháng 1: Donald Trump nhậm chức
Nếu nhìn vào cách mà Donald Trump hành xử suốt trong quá trình vận động tranh cử cho đến sau khi chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ, có thể chắc chắn rằng ngay sau khi chính thức nắm quyền, ông sẽ rất nóng lòng muốn tạo dấu ấn.
Ông đã tuyên bố rất mạnh mẽ về việc sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc Obamacare, thay đổi chính sách năng lượng và thêm nhiều chính sách khác.
Tuyên bố và hành động của ông trong bài diễn văn nhậm chức sẽ phát đi thông điệp rõ ràng nhất về quan điểm chính sách suốt thời kỳ nắm quyền sắp tới, dù tất nhiên Donald Trump luôn là nhân vật bất ngờ, khó đoán.
Sự kiện khác chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của thế giới, đó chính là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thời gian qua, có một số cơ quan tình báo của Mỹ đã nghi ngờ phía Nga có liên quan đến chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tháng 3: Nước Anh chính thức khởi động Brexit
9 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử kết thúc bằng việc đa số cử tri Anh quyết định nước này sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), vào tháng 3/2017, Anh dự kiến sẽ kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon – thủ tục chính thức để một nước thành viên rời EU.
Đây là bước đi đánh dấu việc Anh chính thức khởi động hai năm đàm phán tiếp đó để rời khỏi “ngôi nhà chung” Liên minh Châu Âu. Cho đến nay, lộ trình đàm phán chưa thực sự rõ ràng, Chính phủ Anh sẽ cần phải lên một kế hoạch đàm phán tổng thể cực kỳ chi tiết và toàn diện.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ phải rất cố gắng tránh gây sốc thị trường tài chính, cùng lúc đó đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào Anh.
IS suy yếu
Sau khi khiến thế giới khiếp sợ với những cuộc tấn công tàn bạo trên Syria và Iraq trong suốt hai năm qua, những chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang mất dần quyền kiểm soát trên rất nhiều lãnh thổ tại cả hai nước trên.
Những tháng gần đây, sau nhiều cuộc giao tranh quyết liệt giữa lực lượng an ninh Iraq và IS, quân chính phủ đã chiến thắng tại một trong những thành trì quan trọng cuối cùng của IS.
Thành trì quan trọng tiếp theo của IS cần được phá vỡ sẽ chính là Raqqa tại Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối diện với thách thức làm sao lập được mối liên minh thống nhất của các lực lượng cùng chung mục tiêu chống IS tại Syria.
Sau đó, ông Donald Trump sẽ phải tính đến việc lập ra chính phủ mới có đủ khả năng trung hòa giữa các phe phái đối lập.
Tháng 4 và tháng 5: Bầu Tổng thống Pháp
Trong bối cảnh nước Pháp đang khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao thời kỳ hậu công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp cao, các vấn đề rắc rối từ nhập cư tràn lan ngày càng khiến nhiều người sợ hãi, quan điểm của không ít cử tri Pháp đã thay đổi. Họ không còn hào hứng với toàn cầu hóa hay tự do thương mại như trước.
Bối cảnh thế giới năm 2016 đã chứng kiến nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, ông Donald Trump với quan điểm phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại trở thành Tổng thống Mỹ; người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU; Thủ tướng Italy Matteo Renzi từ chức.
Dư luận nước Pháp vì vậy đang ngày một ủng hộ bà Marine Le Pen, Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia Pháp. Là chính trị gia có tư tưởng cực hữu mạnh mẽ, bà đang nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Thời gian gần đây, bà Le Pen có khá nhiều bước tiến quan trọng trên chính trường nước Pháp. Nếu bà tiếp tục chiến thắng, EU sẽ đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay, với tác động thậm chí còn tồi tệ hơn cả Brexit.
Tháng 5: Bầu Tổng thống Iran
Khác hoàn toàn với những đồn đoán ban đầu, trong 4 năm qua, Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, đã tạo được nhiều dấu ấn trên chính trường Iran cũng như thế giới.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và 5 cường quốc khác trên thế giới.
Tuy nhiên ông Hassan Rouhani cũng chịu nhiều áp lực chỉ trích từ các chính trị gia có quan điểm đối lập. Nay, khi thỏa thuận hạt nhân đang chịu sức ép từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Rouhani sẽ gặp khó trong nỗ lực tái tranh cử.
Việc ông có tiếp tục giữ cương vị Tổng thống hay không và định hướng chính sách ngoại giao, quân sự của Iran sắp tới ra sao sẽ có nhiều ảnh hưởng lên khu vực Trung Đông.
Suốt năm 2017: Các đợt nâng lãi suất của FED
Biến động lãi suất cơ bản đồng USD của Mỹ cùng với giá dầu, hàng hóa sẽ gây ra không ít tác động lên các nền kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu.
Đối với giới đầu tư và chuyên gia thị trường, câu hỏi lớn nhất trong năm 2017 là: giá các loại tài sản trên sẽ tăng cao đến đâu?
Tháng 12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ 2 tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự kiến trong năm 2017, FED sẽ nâng lãi suất đồng USD thêm 3 lần nữa.
Cho đến giờ, chưa có gì chắc chắn lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình trên. Tuy nhiên biến động lãi suất cơ bản đồng USD sẽ còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
Đồng Peso của Mexico và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm giá mạnh khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong thời gian tới, nếu lãi suất đồng USD được điều chỉnh tăng, chắc chắn tỷ giá nhiều đồng tiền trên thế giới cũng sẽ thay đổi chóng mặt.
Nửa đầu năm 2016: Trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ
Trong gần 15 năm qua, Tổng thống Tayyip Erdogan đã không ngừng củng cố quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một năm đầy sóng gió với cuộc đảo chính quân sự, hàng loạt vụ tấn công khủng bố, quyền lực của ông Tayyip Erdogan lại càng mạnh mẽ hơn.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5/2017. Tổng thống Tayyip Erdogan được kỳ vọng sẽ vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân.
Tháng 9 và tháng 10/2017: Bầu Thủ tướng Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel được coi như một trong những nhà lãnh đạo quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu. Tuy nhiên trong năm 2017 khi tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4, bà sẽ gặp phải thách thức rất lớn.
Sự bức xúc của người dân Đức đối với các vấn đề kinh tế và cuộc khủng hoảng nhập cư đã khiến cho nhiều chính trị gia cực hữu được lòng cử tri hơn. Tháng 3/2016, đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức“ (AfD) chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương ở bang Hessen của Đức, trong khi đảng của Thủ tướng Đức lại thất bại trong bầu cử nghị viện.
Chắc chắn, khi Merkel chưa tìm được hướng chấm dứt triệt để những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư hiện tại, vị thế của bà trong cuộc bầu cử sắp tới còn chịu nhiều áp lực. Bà sẽ phải cố gắng không để những yếu tố nội tại nước Đức lấy đi vị thế của bà trên chính trường Đức cũng như thế giới.