Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinDự án vũ khí liều lĩnh nhất của TQ

Dự án vũ khí liều lĩnh nhất của TQ

Nhìn chung, 2016 là một năm bận rộn với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khi nước này tiếp tục xúc tiến các chương trình vũ khí lớn để hiện đại hóa quân đội.

Hình ảnh tàu sân bay Trung Quốc đang được thi công.

Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã đánh giá chi tiết các chương trình vũ khí của Bắc Kinh trong năm qua, trong đó có đề cập tới dự án phức tạp nhất mà họ đang tiến hành.

“Trong năm 2016, những chiếc tiêm kích thế hệ năm J-20 đầu tiên đã được chuyển giao cho Không quân Trung Quốc”, ông Kashin nói, “đây hiện là dự án liều lĩnh nhất và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật đối với ngành công nghiệp Trung Quốc, có thể thấy rõ qua kinh nghiệm của người Mỹ khi thử nghiệm và thực hiện từng bước trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5”.

J-20 là tiêm kích tàng hình thế hệ năm do Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô phát triển cho Không quân Trung Quốc và được đưa vào trang bị từ năm 2016.

Theo giới chuyên gia, khó có thể nói trước khi nào J-20 sẽ sẵn sàng tác chiến nhưng chương trình này có vẻ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Các đơn vị chiến đấu của Không quân Trung Quốc có vẻ tiếp nhận J-20 nhanh hơn Không quân Nga. Song, cũng cần lưu ý rằng, các máy bay chiến đấu thế hệ 4++ sẽ trở thành xương sống trong lực lượng tấn công đường không của cả Nga và Trung Quốc trong nhiều năm tới” – ông Kashin cho hay.

Theo ông Kashin, dự án J-31 được đánh giá là ít rủi ro hơn dự án J-20, nhưng tốc độ phát triển chương trình này trong năm 2016 đã chậm lại. Trong lúc này, Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất hàng loạt tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10 và thử nghiệm thành công tiêm kích Shenyang J-11D.

J-11D được xem là mẫu máy bay tốt nhất mà Trung Quốc từng chế tạo trên nền tảng Su-27 và sắp được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, “lực lượng vận tải hàng không của Trung Quốc tiếp nhận 2 mẫu máy bay mới, gồm máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 và cỡ trung Y-9.

Việc Trung Quốc chế tạo được mẫu máy bay vận tải hạng nặng đầu tiên được xem là một bước đột phá lớn. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (cùng Mỹ và Nga) có khả năng sản xuất các máy bay loại này”.

Bên cạnh những dự án tham vọng trong lĩnh vực hàng không quân sự, cũng trong năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đóng hàng loạt tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D. Bắc Kinh dự kiến sẽ trang bị ít nhất 14 chiếc tàu loại này.

Ngoài ra, nước này đang chế tạo 2 tàu sân bay để bổ sung cho chiếc Liêu Ninh trong biên chế Hải quân Trung Quốc. Ông Kashin cho biết, một trong hai chiếc tàu sân bay nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa vào biên chế “trong tương lai gần”.

Năm 2016 còn là năm Trung Quốc tiếp tục phát triển các loại vũ khí chiến lược. Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong đó có tên lửa nhiên liệu rắn thế hệ mới DF-41. Các kỹ sư Trung Quốc còn nghiên cứu cải tiến tên lửa DF-31 và nâng cấp tên lửa DF-5.

Bên cạnh đó, những hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Project 09-IVA của Trung Quốc cũng đã xuất hiện trong năm 2016.

Cùng với Không quân và Hải quân, lục quân Trung Quốc trong năm qua đã tiếp nhận các hệ thống phòng không, hệ thống điều khiển và trinh sát, cùng với các loại xe địa hình, xe bọc thép và các hệ thống pháo mới. Tuy nhiên, theo ông Kashin, lục quân Trung Quốc vẫn còn một lượng lớn vũ khí lỗi thời.

“Nâng cấp cơ sở kỹ thuật của lực lượng vũ trang, đặc biệt là Không quân và Hải quân, sẽ trở thành trọng tâm trong nỗ lực cải cách quân đội của Trung Quốc năm 2017” – ông Kashin nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới