Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThông điệp năm mới về Biển Đông của ông Tập

Thông điệp năm mới về Biển Đông của ông Tập

Bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi thì phải dám đối đầu trực diện, không được cúi đầu trước khó khăn, không được rút lui trước thách thức, không được đổi chác…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp năm mới 2017, ảnh: Tân Hoa Xã.

The Straits Times ngày 2/1 đưa tin, trong thông điệp năm mới 2017 của ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc, vấn đề Biển Đông được ông nhắc đến qua thông điệp về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, tuy không nêu đích danh:

“Chúng ta kiên trì phát triển hòa bình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển. Ai đó muốn gây chuyện, nhân dân Trung Quốc quyết không chấp nhận”. 

Tờ báo Singapore lưu ý, những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông đang tranh chấp, bao gồm việc bồi lấp các đảo nhân tạo đã khiến các nước láng giềng vô cùng lo ngại.

Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo hãng thông tấn AP, “chủ quyền” là một trong vài “từ khóa” quan trọng ông Tập Cận Bình nhắc đến không nhiều nhưng với ngữ điệu mạnh mẽ rõ ràng.

Giới phân tích cho rằng thể hiện này của ông Bình là nhằm vào Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 31/12/2016 cho hay, trong phiên sinh hoạt dân chủ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 12/2016, ông Tập Cận Bình cũng tỏ ra khá gay gắt về vấn đề chủ quyền. Ông yêu cầu thuộc cấp:

“Bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi thì phải dám đối đầu trực diện, không được cúi đầu trước khó khăn, không được rút lui trước thách thức, không được đổi chác nguyên tắc, không được để dân tộc Trung Hoa phải nếm trái đắng cho dù dưới bất kỳ áp lực nào”.

Người viết cho rằng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển và lợi ích cốt lõi “hợp pháp” của quốc gia, dân tộc là thiên chức và sứ mạng của lãnh đạo bất kỳ quốc gia nào.

Chỉ xin lưu ý rằng, chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển hay lợi ích cốt lõi đó phải là hợp pháp theo tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đương đại, được cộng đồng khu vực, quốc tế thừa nhận.

Nếu cái gọi là chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển hay lợi ích quốc gia cốt lõi kia chỉ là tham vọng chính trị vĩ cuồng của ai đó mà bắt con em mình, nhân dân mình ra trước hòn tên mũi đạn để “bảo vệ”, hay ép họ phải “đối đầu trực diện” với quốc gia khác, dân tộc khác vì những điều không có thật, cái giá phải trả sẽ rất lớn, cho chính mình và cho người khác.

Quay trở lại chuyện bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển mà ông Tập Cận Bình nêu ra trong kỳ sinh hoạt dân chủ Bộ chính trị năm cũ, hay thông điệp năm mới, chỉ xin chia sẻ rằng những phát biểu ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị khi cái ông hô hào bảo vệ là hợp pháp, so với các chuẩn mực luật pháp quốc tế đương đại.

Còn riêng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan tới việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 như đường lưỡi bò hay hiệu lực pháp lý của một số cấu trúc địa lý, đã được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 chỉ ra rất rõ.

Ông Tập Cận Bình cũng là người được dạy từ bé những điều chưa chính xác về cái gọi là “chủ quyền” đối với Biển Đông hay hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Khi trở thành lãnh đạo, tưởng rằng sẽ là cơ hội để ông sửa chữa sai lầm của một vài chính khách đi trước trong việc vạch ra đường lưỡi bò và yêu sách vô lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với lập luận đại ngôn, vô căn cứ: “tài sản của tổ tông để lại”, “Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại”.

Những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, có căn cứ rõ ràng từ các nhà nghiên cứu, học giả chính trực của dân tộc Trung Hoa như Giáo sư Lý Lệnh Hoa ở Bắc Kinh, Giáo sư Trương Bác Thụ ở Hoa Kỳ đã không đến được với người lãnh đạo cao nhất của đất nước Trung Quốc.

Danh tiếng của ông Tập Cận Bình đã vượt qua khuôn khổ biên giới Trung Quốc là nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng, đả hổ đập ruồi, và quan điểm thượng tôn pháp luật mà đảng Cộng sản Trung Quốc phải dựa vào pháp luật để quản lý đất nước.

Nhưng trong lĩnh vực đối ngoại, bộ máy tham mưu của ông đang làm ngược lại tư tưởng tiến bộ này. Ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông đang theo lối cá lớn nuốt cá bé, sức mạnh là lẽ phải.

Ông có niềm tin nhân dân Trung Quốc sẽ quyết không chấp nhận ai gây chuyện với Trung Quốc, còn tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc với tư cách chủ nhân của một nền văn minh cổ đại rực rỡ của loài người, có nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc như Khổng Tử, Lão Tử thì quyết bảo vệ lẽ thật, chứ không bảo vệ sự giả dối.

Tôi nghĩ một nhà lãnh đạo tầm cỡ như Chủ tịch Tập Cận Bình phải có một niềm tin sắt đá vào những điều mình cho là đúng thì mới có động lực mạnh mẽ, hành động quyết đoán như thời gian qua.

Tuy nhiên ở cương vị người đứng đầu một nước lớn như Trung Quốc, trăm công ngàn việc mỗi ngày, những thông tin ông có được đều do bộ phận tham mưu cung cấp. Nên có thể nói niềm tin của ông được xây dựng chủ yếu từ hệ thống tham mưu.

Các Hoàng đế Trung Hoa thủa trước được người đời tôn là minh quân, sở dĩ phải luôn nghĩ cách cải trang vi hành, thâm nhập dân chúng, vì họ không có kênh thông tin nào phản biện với các báo cáo từ cấp dưới, mà không kiểm soát kiểm tra thì khó tránh khỏi những sai sót, dối trá, âm mưu.

Là lãnh đạo một nước Trung Quốc mới trong kỷ nguyên công nghệ, hy vọng những tiếng nói trung thực của đội ngũ trí thức chân chính, những hạt giống đỏ của dân tộc Trung Hoa sẽ đến được với các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước này.

Chỉ cần ông cho họ cơ hội bày tỏ, và sẵn sàng lắng nghe, chắc chắn giấc mơ Trung Quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, vì nó được xây dựng trên một nền tảng pháp lý có thật.

Cũng chỉ có cách lắng nghe được tiếng nói đa chiều từ cuộc sống như các bậc minh quân ngày trước, chính sách ban hành mới đi vào cuộc sống, tham nhũng hủ bại mới không còn đất sống. Được như thế, đó là hồng phúc của Trung Quốc, và cũng là điều tốt lành đối với khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới