“Tôi sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc ngay ngày mai, với điều kiện toàn bộ Hạm đội 7 Hoa Kỳ được điều động đến đây.”
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Bay Daily News.
GMA News ngày 2/1 đưa tin, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago “Chito” Sta. Romana nói với hãng tin này, Chính phủ Philippines đang “nghiên cứu nghiêm túc” khả năng thăm dò chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên với Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Philippines đang phối hợp nghiên cứu triển vọng hợp tác với Bắc Kinh. Tuy nhiên, thách thức cơ bản nhất ở đây là triển khai việc này như thế nào để không trái với Hiến pháp, cho dù đối tác là doanh nghiệp Mỹ, Anh hay Trung Quốc.
Tranh luận nội bộ Philippines về quan hệ với Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông
Theo Đại sứ Jose Santiago “Chito” Sta. Romana, việc thăm dò, khai thác các mỏ năng lượng mới ở Biển Đông cấp bách với Philippines hơn là với Trung Quốc, vì mỏ Malampata có thể cạn kiệt trong vòng 10 năm tới.
Tuần trước, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, ông để ngỏ khả năng thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở các “vùng biển tranh chấp”, đồng thời tuyên bố, cuối cùng ông cũng sẽ phải nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài lên bàn đàm phán với Bắc Kinh.
“Tôi sẽ làm gì với bãi cạn Scarborough? Bơi ra đó hàng ngày? Để làm gì? Phái binh sĩ của chúng ta ra đó để chịu chết? Tôi sẽ chỉ bắt đầu với các vấn đề trong nước.
Chúng tôi không phải đang ở thế bất lợi. Thực sự chẳng quan trọng với chúng tôi nếu muốn chiến đấu ngay bây giờ. Có lẽ bạn nên hỏi Đại sứ.
Tôi sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc ngay ngày mai, với điều kiện toàn bộ Hạm đội 7 Hoa Kỳ được điều động đến đây.
Tất cả máy bay và tên lửa của Hạm đội 7 phải được điều động đến đây để đảm bảo rằng, chắc chắn chúng tôi sẽ thắng.
Bạn có nghĩ rằng chúng ta sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh?
Tôi nghĩ là không, nhưng tôi sẽ không ngừng gây chú ý, chắc chắn, vì tôi là (đại diện) chủ sở hữu (bãi cạn Scarborough), nhưng không phải (đang nắm quyền kiểm soát nó) trong lúc này”, ông Duterte Rodrigo trả lời phỏng vấn hãng GMA News từ Điện Malacanang.
Tiến sĩ Jay Batongbacal, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Luật Biển nói với GMA News:
Ngoài việc tuân thủ Hiến pháp, bất kỳ thỏa thuận thăm dò chung nào giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông cũng không được để dư luận hiểu lầm rằng, Manila thừa nhận yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Do đó ông đề nghị, cần minh bạch mọi thông tin liên quan đến các thỏa thuận thăm dò, khai thác chung tài nguyên ở Biển Đông giữa hai nước, nếu xảy ra.
Một học giả khác, Giáo sư Đại học De La Salle, Richard Heydarian lưu ý, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là một phần của căn cứ pháp lý cho bất kỳ thỏa thuận thăm dò chung nào giữa Philippines và Trung Quốc.
Manila không thể để Bắc Kinh “ra lệnh” hay đưa ra các điều khoản định hướng hoạt động thăm dò chung ở Biển Đông theo ý đồ của họ. Chỉ có xác định một hệ quy chiếu pháp lý chung là UNCLOS thì hợp tác mới khả thi.
Nhưng cái khó là đến hiện nay, Bắc Kinh vẫn có xu hướng đòi thực hiện việc này theo các điều khoản của họ với những nội dung không thể chấp nhận được. [1]
Trong một động thái có liên quan, đài CNN Philippines ngày 2/1 dẫn lời Tiến sĩ Jay Batongbacal kêu gọi, chính phủ Philippines nên phản đối Trung Quốc kéo vũ khí phòng không ra các đảo nhân tạo tranh chấp ở Biển Đông.
Theo ông, bây giờ là thời điểm tốt hơn bao giờ hết để Tổng thống Rodrigo Duterte làm việc này. Tiến sĩ Jay Batongbacal tin rằng, nếu đợi đến lúc Trung Quốc có hành động khiến Philippines bị “chảy máu tài nguyên” mới lên tiếng thì đã quá muộn.
Tiến sĩ Jay Batongbacal tin rằng, nếu Chính phủ Philippines không có phản đối ngoại giao chính thức lúc này, để Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bãi cạn Scarborough thì sẽ không thể đảo ngược được tình thế. Philippines sẽ mất cơ hội và bỏ lỡ nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, Đại sứ Jose Santiago “Chito” Sta. Romana tin rằng, Phán quyết Trọng tài, trong đó có nội dung về bãi cạn Scarborough sẽ vĩnh viễn tồn tại như một phần của UNCLOS, và sẽ không bao giờ lá quá muộn.
Còn Giáo sư Richard Heydarian cho rằng, Mỹ là chỗ dựa cuối cùng của Philippines vì Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Trung Quốc đẩy Philippines đến chỗ diệt vong. Philippines không có khả năng răn đe. [2]
Câu hỏi khó Hoa Kỳ của ông Duterte là một lời giải thích cho chiến lược cầm chân Trung Quốc
Người viết cho rằng, cách hiểu, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông với trục quan hệ Mỹ – Philippines – Trung Quốc giữa Chính phủ nước này với các nhà nghiên cứu Luật Biển có tên tuổi của Philippines tuy khác nhau, nhưng bản chất và mục đích là một.
Đó là làm sao để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Philippines, bảo vệ và hiện thực hóa được Phán quyết Trọng tài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường, nhất là Washington và Bắc Kinh ở Biển Đông, mà tiềm lực và thế lực của mình rất hạn chế.
Cái khác ở đây theo cách hiểu của cá nhân người viết, đó là các học giả Philippines như Tiến sĩ Jay Batongbacal, Giáo sư Richard Heydarian hay luật gia Antonio Carpio luôn mong muốn một cách tiếp cận rõ ràng, trực diện với Trung Quốc và Phán quyết Trọng tài.
Họ tin rằng chỉ có như vậy mới bảo vệ được lợi ích hợp pháp của Philippines cũng như Phán quyết. Làm theo cách này, buộc Philippines phải dựa hoàn toàn vào cái ô an ninh của người Mỹ.
Tuy nhiên Chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte lại tin rằng, chỉ có kéo Trung Quốc trở lại bàn đàm phán mới có thể khóa nòng súng chiến tranh, cầm chân Trung Quốc không để họ có cớ tiếp tục leo thang liều lĩnh, manh động, đặc biệt là đảo hóa hoặc quân sự hóa bãi cạn Scarborough.
Muốn làm điều này, phải tạo được lòng tin với Trung Nam Hải. Đây có lẽ là nguyên nhân và động lực sâu xa của những phát ngôn gây sốc, “bài Mỹ, thân Trung” của ông Rodrigo Duterte.
Đồng thời nó cũng có thể giải thích tại sao ông Duterte luôn kêu gọi đàm phán thăm dò khai thác chung tài nguyên thiên nhiên với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Kêu gọi ấy của ông Duterte không đi ngược lại với Phán quyết Trọng tài, UNCLOS hay lợi ích hợp pháp của Philippines.
Ông cũng thừa biết, để đi đến kết quả ra đời một thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung ở Biển Đông còn chặng đường rất dài, chưa biết bao giờ đến đích.
Nhưng đấy không phải mục tiêu của ông. Người viết thiết nghĩ, mục tiêu của ông Duterte lúc này là kéo Trung Quốc ngồi lại bàn đàm phán cái đã.
Đàm phán cái gì tính sau. Có thể “cò cưa” hàng chục năm trời như COC cũng chẳng sao, miễn là làm thế nào không để Trung Quốc leo thang đảo hóa, quân sự hóa Scarborough.
Tất nhiên tính toán ấy có thành hay không còn phụ thuộc vào toan tính của người Trung Quốc và cục diện địa chính trị khu vực, quốc tế, đặc biệt là vai trò của Đài Loan, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Do đó người viết cho rằng, câu hỏi khó của ông Rodrigo Duterte dành cho người Mỹ: hãy kéo toàn bộ Hạm đội 7 ra trợ chiến cho Philippines, ông sẵn sàng tuyên chiến ngay ngày mai, là một ứng xử khéo léo, khôn ngoan.
Với câu hỏi này, Mỹ không thể đáp ứng, Trung Quốc không thể bắt bẻ, người dân Philippines cũng hiểu được thực lực và tình thế của mình trên bàn cờ Biển Đông phức tạp, sóng gió và nhiều toan tính của hai gã khổng lồ, qua đó chia sẻ với Chính phủ về các giải pháp hóa giải.
Người viết tin rằng Mỹ không thể đáp ứng yêu cầu này của ông Duterte.
Bởi lẽ, khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris vừa nói chưa ráo miệng, không cho phép Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, cần đối đầu thì phải đối đầu, Bắc Kinh liền “tịch thu” UUV của Mỹ hoạt động hợp pháp ở Biển Đông, ít nhất về công khai không ai ghi nhận thấy phản ứng nào từ Hạm đội 7.
Cách tiếp cận nào đúng, cách tiếp cận nào sai sẽ cần phải có thời gian để đánh giá. Nhưng người viết tin rằng, cả Nội các của ông Rodrigo Duterte lẫn các nhà nghiên cứu, phản biện của Philippines đều hướng tới một mục đích.
Đó chỉ là 2 mặt của một đồng xu.
Hai xu hướng này sẽ bổ khuyết cho nhau, giám sát nhau để mọi quyết định sẽ không đi chệch hướng lợi ích hợp pháp và nền tảng pháp lý – Phán quyết Trọng tài và UNLCOS.