Wednesday, November 20, 2024
Trang chủĐiểm tinThực hư tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên

Thực hư tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên

Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng đã có một số bước tiến thực chất trong chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Ông Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng sắp tiến tới giai đoạn thử ICBM đủ sức bắn tới Mỹ – Ảnh: KCNA/Reuters

Về tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un trong bài diễn văn mừng năm mới rằng nước này đang tiến gần đến giai đoạn phóng thử nghiệm ICBM, thế giới đang có những phản ứng khác nhau.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng điều này là có căn cứ, trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố ngắn gọn “Không thể có được!”. Ông Trump cũng không quên chỉ trích Trung Quốc “ăn của cải của Mỹ” nhưng không chịu giúp đỡ khắc chế Bình Nhưỡng.

“Đe dọa nước Mỹ”

Dẫn ý kiến các chuyên gia, hãng tin Reuters cho biết Triều Tiên đã và đang tiến hành thử nghiệm động cơ và lá chắn nhiệt cho ICBM. Song song đó, họ đang phát triển công nghệ dẫn đường cho tên lửa trong chu kỳ trở lại bầu khí quyển sau khi bắn.

“Tin tốt” là Bình Nhưỡng tuy đã tiến gần đến giai đoạn phóng thử ICBM, họ sẽ mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện nó. Còn “tin dữ” là một khi đã hoàn thiện, ICBM của Triều Tiên có thể đe dọa tận nước Mỹ – vốn nằm cách xa đến 9.000 km.

Tên lửa ICBM nói chung có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, nhưng một số được thiết kế bắn xa tới 10.000 km hoặc hơn. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên dọa sẽ tấn công Mỹ bằng hạt nhân, nhưng trước năm 2016 người ta đánh giá Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng làm chuyện đó.

“Chốt lại là chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng tiến xa hơn những gì hầu hết mọi người nghĩ” – bà Melissa Hanham, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (California, Mỹ), kết luận.

Bà Hanham nhận xét vụ thử động cơ nhiên liệu lỏng hồi tháng 4-2016 của Triều Tiên là một bước tiến đột phá. “Lần thử động cơ đó quả thật xuất sắc. Trong nhiều năm, chúng tôi biết Triều Tiên sở hữu mẫu thiết kế tên lửa R-27 của Liên xô. Họ đã cải tiến nó để tăng gấp đôi lực đẩy” – nữ chuyên gia Mỹ nhận định.

Triều Tiên từng tuyên bố có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân lên ICBM, nhưng khả năng thu nhỏ phần đầu đạn hạt nhân của họ chưa được xác minh theo nguồn độc lập.

Theo đánh giá, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên lệ thuộc vào công nghệ và các mẫu thiết kế thời Liên xô. Họ có thể sản xuất các linh kiện tên lửa trong nước và năm ngoái đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng phát triển loại vũ khí này. Bình Nhưỡng được cho là có đủ lượng uranium để sản xuất 6 quả bom nguyên tử mỗi năm.

Tên lửa Triều Tiên sẽ bay trong năm 2017?

Trong năm vừa qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên nhiều lần đăng hình ảnh các vụ thử liên quan tên lửa ICBM, lúc là động cơ, khi thì lá chắn nhiệt bảo vệ tên lửa. Dù bằng cách “khoe hàng” này, Bình Nhưỡng có thể làm lộ một số bí mật quân sự nhưng giới quan sát nhận xét họ muốn “bịt miệng” các chuyên gia quốc tế, những người hay nghi ngờ về chương trình tên lửa Triều Tiên.

“Họ đang đáp trả chê bai của các chuyên gia Mỹ. Rất nhiều người nghi ngờ làm gì mà Triều Tiên sở hữu được tấm chắn nhiệt ICBM. Và thế là họ cho chúng ta thấy” – ông Joshua Pollack, biên tập viên tạp chí Nonproliferation Review, nhận xét.

Triều Tiên từng phóng tên lửa tầm xa trong quá khứ nhưng họ tuyên bố nó chỉ mang tính chất hòa bình và mục đích là đưa vật thể vào không gian. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng tên lửa Kwangmyongsong Bình Nhưỡng dùng để đưa một vệ tinh lên không gian hồi tháng 2-2016 có tầm bắn có thể lên tới 12.000 km nếu nó được cải tiến lại.

“Triều Tiên đang làm việc cật lực để phát triển công nghệ khởi động lạnh và đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển. Hàn Quốc và Mỹ sẽ phải đánh giá thêm họ đang ở giai đoạn phát triển nào” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae Cheon thông báo hôm 2-1.

Ông Roh cho biết Triều Tiên bắt đầu leo thang chương trình tên lửa từ tháng 3-2016 nhưng chưa có “dấu hiệu bất thường” nào liên quan đến việc phóng thử.

Tháng 3-2016 cũng là thời điểm truyền thông Triều Tiên đăng bức hình ông Kim Jong Un đứng bên cạnh một vật thể nhỏ giống quả banh. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên gọi đó là một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ – mảnh ghép cuối cùng Bình Nhưỡng cần để hoàn thiện “mối đe dọa ICBM”.

“2016 đánh dấu năm Triều Tiên thật sự đẩy mạnh chương trình WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt). Tôi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến một vụ phóng thử trong năm 2017” – chuyên gia Hanham dự báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới