Đài Loan có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức do chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump thay đổi chính sách đối ngoại nhưng trong chuyến thăm đầu năm 2017 quá cảnh tại Mỹ, bà Thái Anh Văn sẽ không gặp riêng ông Trump.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 31/12 tuyên bố Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng chính quyền của bà có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thay đổi chính sách đối ngoại ở eo biển Đài Loan.
Trong bài phát biểu trước thềm năm mới 2017 trên CCTV, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của quốc gia. “Người dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai làm thay đổi những vấn đề trên”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Tập.
Trong thời gian qua, tư tưởng phản đối chính quyền trung ương Bắc Kinh tại Hong Kong và Đài Loan không ngừng gia tăng đã khiến Trung Quốc không khỏi lo lắng. Bắc Kinh còn cáo buộc các thành phần mang tư tưởng giành độc lập cho Hong Kong và Đài Loan đang hợp tác cùng nhau và cảnh báo sớm đập tan nỗ lực này. Trung Quốc cũng không loại trừ khả năng dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi chỉ là một tỉnh ly khai.
Trong khi đó, phát biểu trước buổi họp báo cuối năm, Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chính phủ của bà có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức trong nửa đầu năm 2017 do Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại dưới thời lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
“Những thay đổi trên thế giới sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2017 và chúng ta cần tập trung tìm cách đối diện với tình huống này. Những tháng tới sẽ là cuộc thử nghiệm đối với nhóm an ninh và khả năng giải quyết khủng hoảng của chính quyền”, bà Thái nói.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái hôm 2/12, Trung Quốc đã vô cùng tức giận và cáo buộc Mỹ vi phạm cam kết đối với chính sách “một Trung Quốc”. Bởi đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Washington và Bắc Kinh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cũng theo bà Thái, “Trung Quốc đang từng bước quay trở lại con đường cũ là phân cực, gây áp lực, thậm chí đe dọa và đàn áp Đài Loan”. Bà Thái cho biết bà hy vọng đây “không phải là chính sách mới mà Bắc Kinh sẽ áp dụng với Đài Loan”.
Về phần mình, để đối phó với những căng thẳng tiềm tàng, quân đội Trung Quốc đã tăng cường tổ chức các cuộc tập trận trên không và trên biển gần đảo Đài Loan cũng như gây áp lực trước hoạt động mở rộng sự hiện diện trên trường quốc tế của Đài Loan.
Nhằm trấn an dư luận, bà Thái cho hay Đài Loan sẽ “hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định” đồng thời nhấn mạnh hòn đảo này đủ sức chống đỡ trước các thách thức.
Khởi đầu năm mới 2017, bà Thái sẽ tới thăm 4 quốc gia đồng minh ở khu vực Trung Mỹ. Theo đó, bà Thái sẽ dừng chân ở Houston trên hành trình tới Honduras và ở San Francisco vào ngày 13/1 trên đường trở về nước. Theo bà Thái, bà sẽ không gặp gỡ các thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump.
“Không ai biết chắc ông Trump sẽ thay đổi chính sách ở eo biển Đài Loan như thế nào sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Đó là lý do tại sao chính quyền của bà Thái muốn tìm ra một số điểm gợi ý để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới”, Giáo sư Wang Kung-yi tại Đai học Tamkang ở Đài Bắc nhận định.
‘Chính quyền của bà Thái đã thiết lập các kênh trao đổi với nhóm của ông Trump do đó và Thái không cần gặp riêng Tổng thống Mỹ đắc cử”, ông Wang nói thêm.
Còn theo chuyên gia cố vấn tại Qũy chính sách quốc gia của Đài Loan, ông Tseng Fu-sheng, bà Thái cần chắc chắn không để Đài Loan trở thành con tốt của ông Trump trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
“Những lời bình luận gần đây của ông Trump bao gồm cả câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì quan điểm đối với chính sách ‘một Trung Quốc’, đang đẩy eo biển Đài Loan vào tình cảnh bất ổn và khả năng xảy ra một cuộc xung đột”, ông Tseng cho biết.