Ông Trump đã thắng cử, phải chăng Thủ tướng Abe sẽ hiện thực hoá quan điểm của tân tổng thống Mỹ vào việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản…
Nikkei Asian Review ngày 4/1/2017 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ của ông sẽ bắt đầu xây dựng một quốc gia mới tại xứ sở hoa anh đào vào năm 2017 khi Nhật Bản kỷ niệm 70 năm thực thi bản Hiến pháp hoà bình được Mỹ soạn thảo cho đất nước mặt trời mọc thời hậu Thế chiến II – Văn bản pháp lý mà ông Abe luôn tìm cách sửa đổi.
“Bây giờ là thời điểm chúng ta phải nhìn về tương lai trong 70 năm tới cho việc xây dựng đất nước. Chúng ta, những người đang sống hôm nay, phải học hỏi cha ông chúng ta từ 70 năm trước đã xây dựng đất nước sau chiến tranh, để đối mặt với những thách thức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ tương lai”, ông Abe nói.
Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh: “Tương lai của chúng ta không phải là một cái gì đó được đưa ra bởi những người khác. Chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ phải là những người tạo nó ra với bàn tay và khối ốc của mình. Bây giờ là thời điểm phù hợp và cần thiết để làm điều đó”.
Phải chăng sự thay đổi trong đời sống chính trị Mỹ với việc tỷ phú Donald Trump được bầu làm tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là thời điểm tốt nhất cho Tokyo lật sang trang mới cho lịch sử phát triển của đất nước Nhật Bản cũng như cho quan hệ Nhật – Mỹ. Bởi lẽ việc sửa đổi Hiến pháp của nước Nhật luôn gặp rào cản lớn nhất từ Washington.
Quan điểm của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã tạo ra điều kiện CẦN cho việc sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản
Có thể thấy rằng, việc Washington ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là muốn chiến tranh vĩnh viễn không thể phát xuất từ xừ sở hoa anh đào. Sự tàn phá của bom nguyên tử luôn là ký ức đau thương không thể nhạt phai trong lòng người dân Nhật Bản.
Hậu quả của hai quả bom gây ra cho đất nước Nhật Bản luôn là lời nhắc nhờ người dân đất nước này về sự khủng khiếp của chiến tranh. Và để đảm bảo cho đất nước Nhật Bản mãi yên bình, Washington đã đạo diễn soạn thảo một Hiến pháp cho đất nước mặt trời mọc.
Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản được tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật lúc đó, soạn thảo theo ba nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ 2 là tước bỏ vĩnh viễn sức mạnh quân sự của Nhật. Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản đã ghi rõ:
(1) Nhân dân Nhật Bản hy cầu một nền hòa bình thế giới lấy chính nghĩa và trật tự làm nền tảng tư tưởng cơ bản, vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
(2) Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác. Nhật Bản không công nhận quyền giao chiến (với nước khác) của nước mình.
Hiến pháp hoà bình có giá trị thực thi từ năm 1947 là công cụ ngăn chặn chiến tranh từ Nhật Bản. Còn để đảm bảo ngăn chặn chiến tranh đối với đất nước Nhật Bản, Washington đã thiết kế Hiệp ước anh ninh và hợp tác Mỹ – Nhật được ký kết năm 1960 và đến năm 1970 thì được tu chính với hiệu lực vĩnh viễn. Theo đó an ninh của nước Nhật do Mỹ bảo trợ.
Với hai công cụ pháp lý quan trọng đó mà chính giới Nhật Bản luôn như bị bao quanh bởi một rào cản vô hình. Giá trị của hai công cụ pháp lý luôn được xem là “cây gậy” của Washington dùng để đe nẹt mọi sự trỗi dậy của Tokyo khi muốn vượt quá lằn ranh quy ước.
Khi những thế hệ sinh ra sau Thế chiến II lên nắm quyền tại đất nước mặt trời mọc thì những công cụ pháp lý không khác gì cái “vòng kim cô” đối với đất nước Nhật Bản, do đó có ý định thoát ra. Thủ tướng Shinzo Abe là người thể hiện rõ nhất quan điểm ấy.
Trong quá trình tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 57 tại nước Mỹ, ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump đã cho rằng là hoặc Nhật Bản phải trả thêm chi phí cho Mỹ trong việc gìn giữ hoà bình và an ninh cho đất nước mặt trời mọc, hoặc Tokyo phải tự lo giữ gìn an ninh cho đất nước Nhật Bản.
Với quan điểm của ông Trump thì Hiệp ước an ninh chung Mỹ – Nhật có thể thay đổi, qua đó sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ được tăng cường. Và nếu Tokyo đảm nhận trách nhiệm tự bảo vệ an ninh cho đất nước mặt trời mọc thì cũng có nghĩa Hiến pháp hoà bình do Washington soạn thảo cho đất nước Nhật Bản phải được sửa đổi.
Nay ông Trump đã được bầu làm tổng thống Mỹ, phải chăng Thủ tướng Abe sẽ hiện thực hoá quan điểm của vị tân Tổng thống Mỹ vào việc sửa đổi Hiến pháp, từ đó sẽ tạo ra chương mới trong quan hệ Nhật – Mỹ thời hậu Thế chiến II.
Ông Trump đã thắng cử, phải chăng Thủ tướng Abe sẽ hiện thực hoá quan điểm của tân tổng thống Mỹ vào việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản…
Có thể thấy rằng chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đưa ông Shinzo Abe trở lại nắm giữ ghế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai là cơ hội tốt cho ý nguyện của ông. Và khi nắm quyền, Thủ tướng Abe luôn tìm cách có thể tạo ra điều kiện để hiện thực hoá cơ hội sửa đổi Hiến pháp, bởi tiến trình chỉ được thúc đẩy khi ông Abe có được sự ủng hộ của 2/3 Thượng viện.
Khi liên minh cầm quyền do LDP đứng đầu thắng lớn trong cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện hồi tháng 7/2016, đã giúp liên minh cầm quyền có 2/3 số ghế để có thể tu chính Hiến pháp, thì vấn đề coi như đã được khai thông trong đời sống chính trị Nhật Bản. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội Nhật Bản thì việc sửa đổi Hiến pháp không phải được khai thông dễ dàng như vậy.
Ý định thoái vị của Nhật hoàng Akihito giúp cho việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp bớt trở ngại trong đời sống Nhật Bản |
Điều đó một phần do người dân Nhật Bản đã quen với cảnh đất nước yên bình dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ, một phần do thiên tai thường xuyên gây thiệt hại lớn cho đất nước Nhật Bản nên người dân không muốn đất nước bất ổn thêm bởi “địch hoạ”. Và một phần quan trọng nữa là Nhật Bản đã tạo ra thần kỳ trong xây dựng và phát triển đất nước nhờ Hiến pháp hoà bình.
Tuy nhiên, một sự kiện đã khiến cho tham vọng của ông Abe có thể thành hiện thực khi ngày 8/8/2016, Nhật hoàng Akihito lần thứ hai có bài phát biểu trước thần dân, trong đó có ý định thoái vị vì cảm thấy không đủ sức khoẻ để hoàn thành trọng trách của mình. Song ý định thoái vị của Nhật hoàng sẽ không thể diễn ra nếu không có sửa đổi Hiến pháp.
“Theo Hiến pháp được Hoa Kỳ chủ trì soạn thảo cho Nhật Bản sau Thế chiến II, Nhật hoàng đã bị tước hết quyền lực chính trị của mình. Nhật hoàng cũng bị Hiến pháp hạn chế tuyên bố liên quan đến chính trị. Như vậy, Nhật hoàng Akihito không thể tuyên bố ý định thoái vị của mình vì điều đó có thể được hiểu như một tuyên bố chính trị. Sự kiện đó đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp”, theo the Japan Times ngày 8/8/2016.
Như vậy là nhất cử lưỡng tiện với Thủ tướng Abe. Có thể thấy rằng ý định thoái vị của Nhật hoàng Akihito là cơ hội cho Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền thúc đầy việc sửa đổi Hiến pháp mà không gặp phản ứng tiêu cực của người dân Nhật Bản, nhất là những người già lo sợ đất nước có thể bất ổn.
Do vậy, mặc dù Thủ tướng Abe tái khẳng định việc Nhật hoàng Akihito là “một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và không được phép biến thành cơ hội cho những toan tính chính trị”, song theo Nikkei Asian Review thì do năm 2017 là năm Kỷ Dậu nằm trong năm cung hoàng đạo theo lịch của người Trung Quốc, nên ông Abe sẽ tiếp tục chủ động thúc đẩy tham vọng của mình.
Như vậy là Thủ tướng Abe đã có được cả điều kiện cần và đủ cho việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, nhằm tạo ra một vị thế mới, một vai trò mới cho đất nước Nhật Bản sau 70 năm được bao quanh bởi “gọng kìm pháp lý”. Khi tham vọng thành hiện thực, ông Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản nổi tiếng nhất thế kỷ 21 và Nhật Bản thì sẽ không chỉ còn là một cường quốc kinh tế mà thôi.