Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBộ trưởng Công thương cởi trói xuất khẩu gạo: Có học Campuchia?

Bộ trưởng Công thương cởi trói xuất khẩu gạo: Có học Campuchia?

Bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo là quyết định đúng đắn nhưng phải có cơ chế quản lý, giám sát để tránh những tiêu cực.

Quyết định đáng mừng

Ngày 4/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Theo quyết định này, Việt Nam sẽ bãi bỏ quy định khống chế số lượng tối đa 150 đấu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, ĐH Cần Thơ cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo PGS.TS Đệ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã lên tiếng phàn nàn về những quy định trên đang gây khó cho các Công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo. Trường hợp điển hình là doanh nghiệp tư nhân Cỏ May do không đủ điều kiện về kho chứa đã phải thành lập một Công ty tại Singapore để nhập gạo của chính mình từ Việt Nam qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu.

Hay như bản thân VCCI hồi tháng 11/2016 cũng đã kiến nghị lên Quốc hội đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ đây cũng là một quyết định đúng đắn. Điều này thể hiện Bộ trưởng, và các nhà làm chính sách biết lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh những vấn đề sao cho phù hợp với thực tế”, PGS.TS Đệ nói.

Vị chuyên gia tin tưởng quyết định trên của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ mở rộng tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, tránh trường hợp giao Quota xuất khẩu cho các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ lại không được hưởng lợi.

“Tôi cho rằng việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để làm tốt chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ giao cho điều phối hoạt động xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Do Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tập hợp nhiều Công ty thành viên nên các chính sách  xuất khẩu thường bị 2 Công ty này chi phối.

Hơn nữa, do là doanh nghiệp lớn nên thông thường các đại diện của Vinafood 1 và Vinafood 2 thường nắm giữ các vị trí quan trọng tại VFA. Việc này khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó chen chân vào hoạt động xuất khẩu”, PGS.TS Đệ dẫn chứng.

Dù thừa nhận việc bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, ĐH Cần Thơ cho rằng điều quan trọng hơn, đó là cần phải có những chính sách, những quy định giám sát kèm theo để đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động cũng như cạnh tranh thật sự lành mạnh.

“Ngoài quyết định của Bộ Công Thương, tôi nghĩ cần phải có 1 giải pháp kèm theo để tránh tình trạng các doanh nghiệp làm ăn chụp giật. Tức là doanh nghiệp dù không có vùng nguyên liệu, không có gì trong tay nhưng khi tìm được nguồn xuất khẩu rồi chen vào, tranh các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp khác bằng cách nâng giá cao lên. Tôi nghĩ nếu điều đó xảy ra sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho vấn đề giá cả và thị trường gạo của Việt Nam”, ông Đệ nhấn mạnh.

Để giải quyết tốt việc này, vị Phó Giáo sư đề nghị, nhà nước với vai trò quản lý của mình cần đưa ra những quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.

“Nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam thì nhà nước nên đặt ra các quy định riêng cho từng thị trường. Mỗi thị trường có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau. Nhà nước nên có quy chuẩn thống nhất và dựa vào đó để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Những doanh nghiệp nào đạt được những quy chuẩn đó thì mới cho phép xuất khẩu còn nếu không đạt chuẩn thì kiên quyết không cho phép kinh doanh lúa gạo. Phải làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề còn tồn đọng thời gian qua”, PGS.TS Đệ gợi ý.

Học Campuchia, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra đó là thời gian qua Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia có trữ lượng xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên giá trị gạo của chúng ta không cao và người nông dân vẫn nghèo, không được hưởng lợi nhiều từ việc này.

Lý giải tình trạng trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Theo ông Đệ, từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường hoạt động theo thói quen khi có đơn hàng mới đi gom gạo để xuất khẩu. Như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng gạo tốt và đồng đều như trực tiếp sản xuất đồng thời không thể trụ được trong điều kiện thị trường có nhiều cạnh tranh như hiện nay.

PGS.TS Đệ cũng nhắc lại chuyến đi sang Campuchia của GS.TS Võ Tòng Xuân và đoàn công tác tỉnh Sóc Trăng nhằm học hỏi cách xây dựng thương hiệu lúa gạo. Theo ông, nhiều hạn chế trong lĩnh vực lúa gạo của Việt Nam đã được chỉ ra sau chuyến công tác như: chỉ chú trọng sản lượng gạo nhưng chưa có sự quan tâm đúng mức đến chất lượng gạo; doanh nghiệp thu mua tràn lan, không có vùng quy hoạch nguyên liệu…

Với những tồn tại trên, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, ĐH Cần Thơ khẳng định đã đến lúc Việt Nam cần phải có những thay đổi và có quy hoạch bền vững đối với lĩnh vực sản xuất lúa gạo để tạo ra thương hiệu riêng của quốc gia.

“Để làm được việc này thì cần những giải pháp khá đồng bộ. Trước hết Việt Nam phải tạo ra được những giống lúa chất lượng cao và ổn định để duy trì, tạo uy tín trong khách hàng.

Muốn được vậy thì cần có nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước mà chúng ta nhắm tới để xuất khẩu. Từ việc xác định thị hiếu của khách hàng, chúng ta về mới lựa chọn những giống lúa đáp ứng được nhu cầu để chào hàng, cho họ dùng thử đánh giá, góp ý và điều chỉnh theo nhu cầu của người ta.

Tôi có thể khẳng định, thị trường muốn loại gạo gì thì các nhà khoa học Việt Nam có thể làm được cái đó.

Sau khi giải quyết được chuyện này, chúng ta mới tính đến việc xây dựng thương hiệu, tăng cường khâu quảng bá bằng cách học hỏi kinh nghiệm của Campuchia là đi chào hàng, tiếp thị hoặc tham dự các hội nghị lúa gạo quốc tế, đấu xảo gạo ngon để thế giới biết về sản phẩm lúa gạo Việt Nam. Từ đó mới có thể nâng tầm gạo Việt Nam và cạnh tranh được với quốc tế”, PGS.TS Đệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khẳng định, bản thân Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo phải thay đổi nhằm kết nối với người dân, tạo ra các vùng nguyên liệu bền vững.

“Tôi thấy trong trường hợp này doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu cho ổn định. Bản thân họ phải xắn tay vào hỗ trợ, tập huấn, đưa ra các tiêu chuẩn và có các phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát người nông dân, đồng hành cùng người nông dân. Từ  những hoạt động trên có thể đảm bảo chắc chắn các sản phẩm chúng ta đưa ra thị trường đạt chất lượng cao nhất. Còn doanh nghiệp nếu làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” như hồi trước đến giờ thì sẽ không thể đứng vững được.

Ngoài ra, VFA phải thay đổi về cấu trúc để tăng cường đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thành phần lãnh đạo, thành viên. Đặc biệt tất cả các tiếng nói của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải được tôn trọng, ngang bằng lẫn nhau. VFA cũng phải  yêu cầu các Công ty thành viên hoạt động đúng quy định của pháp luật, kết nối với nông dân cũng như xây dựng các vùng trồng nguyên liệu bền vững”, PGS.TS Đệ nói.

Nói thêm về vấn đề xây dựng thương hiêu, vị chuyên gia khẳng định, nhà nước có thể giao cho 1 đơn vị làm đầu mối để chuẩn bị. Nhưng khi tiến hành triển khai cần phải có những người hiểu biết về các vấn đề đó tham gia, chẳng hạn như các doanh nghiệp, nhà khoa học, kể cả nông dân.

“Mỗi nhóm sẽ trình bày ở một góc độ khác nhau để cho vấn đề xây dựng thương hiệu lúa gạo minh bạch rõ ràng, cụ thể. Như thế mới hạn chế được những sai sót của Luật hoặc khắc phục được những khó khăn có thể xảy ra.

Thực tế, sự phối hợp giữa các bên thời gian qua trong hoạt động sản xuất lúa gạo chưa chặt chẽ. Đó là do cách tổ chức thực hiện của Việt Nam. Doanh nghiệp nhiều khi chạy theo thành tích hoặc bị ảnh hưởng bởi 1 nhóm lợi ích nào đó”, ông Đệ nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới