Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐàm luận“Đạo quân biển thứ ba” của TQ

“Đạo quân biển thứ ba” của TQ

Chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không chỉ được thể hiện trên bề nổi mà còn thông qua xây dựng, phát triển “đạo quân biển thứ ba”. Đạo quân này là một lực lượng bán quân sự ngụy trang dưới vỏ bọc đội tàu cá dân sự, được tung vào các “chiến dịch tấn công” vùng biển, đảo của các nước trong khu vực.

Tàu cá của Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Những ngày đầu năm 2017 thời gian dường như chạy nhanh hơn. Nhanh hơn vì người dân các nước Đông Nam Á hối hả đón Tết con Gà. Nhanh hơn còn là vì tình hình Biển Đông đang nóng bỏng khác nào chảo dầu sôi. Mà kẻ nổi lửa đáy chảo không ai khác, chính là Trung Quốc.

Trong thông điệp năm mới 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ “không để bất kỳ ai” tranh giành chủ quyền biển, đảo và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Cùng với những tuyên bố sai trái của Trung Nam Hải về chủ quyền, trên thực tế họ đã và đang có những hành động vi phạm luật pháp, Công ước quốc tế làm các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Trước tiên phải kể đến việc Trung Quốc bố trí thêm nhiều vũ khí tối tân ở Biển Đông. Họ đã liên tục đưa các thiết bị quân sự, lắp đặt các tên lửa đất đối không trên những đảo của Việt Nam mà họ cưỡng chiếm và những đảo bồi đắp nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Trên đảo Hải Nam, Trung Quốc bố trí dày đặc nhiều hệ thống tên lửa tầm xa, các hệ thống pháo phòng không và các tàu chiến để kiểm soát các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông. Loại tên lửa hiện đại nhất được Trung Quốc bố trí trên đảo Hải Nam là tên lửa tầm xa SA-21, số lượng lên tới khoảng 500 tên lửa. SA-21 có khả năng bắn hạ các máy bay, hoặc tên lửa của đối phương ở cự ly 400 km.

Mặc dù giới lãnh đạo Bắc Kinh luôn nói rằng họ không gia tăng các hoạt động quân sự, mà chỉ tập trận trên biển, chỉ tổ chức huấn luyện, và luôn hết sức kiềm chế. Nhưng thực tế thì họ ngày càng tăng dầy các cuộc tập trận quân sự. Ngoài các cuộc tập trận quân sự trên các đảo, mới đây, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Tham gia tập trận có các máy bay chiến đấu J-15 và trực thăng trên tàu sân bay Liêu Ninh. Các tình huống diễn tập rất “sát thực tế chiến đấu”: tiếp nhiên liệu và tác chiến trên không, diễn tập xử lý các tình huống bất ngờ.

Trước đó, tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia tập trận bắn đạn thật lần đầu ở ngoài khơi biển Bột Hải, gần Hàn Quốc. Đội tàu này cũng khiến cho Nhật Bản hoảng hồn khi đi qua vùng biển giữa đảo Miyako và Okinawa.

Một hành động ngang ngược khác là, thúc đẩy quân sự hóa các đội tàu cá. Theo các nhà quan sát, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được tăng cường quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, sau hai lực lượng chính thống là hải quân và hải cảnh. Được biết, các đội cá được thành lập từ những năm 1970 và không ngừng được nhân rộng, ngư dân được trang bị súng. Cách đây gần 40 năm (năm 1978) dân quân biển Trung Quốc đã có khoảng 750.000 người và 140.000 tàu.

Hiện quy mô các đội tàu cá không được tiết lộ, nhưng với ưu tiên bảo vệ chủ quyền biển đảo trong kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc, lực lượng này chắc chắn đã đông đảo hơn rất nhiều con số trăm nghìn.

Hãng tin FRI (Pháp) dẫn số liệu chính thức cho phép ước lượng quy mô của lực lượng dân quân biển Trung Quốc: Tính đến năm 2013, Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Còn theo báo cáo năm 2012 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Những con số này đã nói lên tất cả. Rằng dân quân biển Trung Quốc chính là những người lính trá hình. Họ luôn dùng vũ lực đe dọa an ninh trên biển, sẵn sàng nổ súng vào bất cứ đối tượng nào, bất cứ lúc nào.

Một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) – Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng: “Các quan chức Trung Quốc coi các ngư dân và tàu cá là những công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp”.

Trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hồi tháng 9-2016, TS Andrew Erickson, chuyên gia hàng đầu về dân quân biển của Trung Quốc nhận định: “Không nên ngộ nhận đó là một lực lượng được Nhà nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội”. Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc lại gây quan ngại “khi thúc đẩy việc phát triển dân quân biển, một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu”.

Đúng là họ coi việc đánh cá chỉ là thứ hỏa mù tung ra trên biển. Khiêu khích, tạo cớ để thổi bùng ngọn lửa chiến tranh vì mưu đồ thôn tính biển Đông vẫn là con bài cũ, nhưng vô cùng táo tợn và nguy hiểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới