Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 11/1/2017

Bản tin Biển Đông ngày 11/1/2017

Cơ quan Chấp pháp trên biển của Malaysia bác bỏ phát biểu cho rằng cờ Malaysia bị dỡ khỏi Beting Patinggi Ali (bãi Luconia)

Ngày 10/1, trang The Borneo Post cho biết, Đô đốc Ismaili Bujang Pit, người đứng đầu Cơ quan chấp pháp trên biển của Malaysia (MMEA) vùng Sarawak đã bác bỏ việc nhận được bất cứ chỉ đạo nào yêu cầu dỡ bỏ cờ Malaysia khỏi khu vực Beting Patinggi Ali, hay còn được biết đến là bãi cạn Luconia, đồng thời khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn không chính xác, không hề có báo cáo chính thức nào về thông tin này. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, MMEA và Hải quân Hoàng gia Malaysia đã theo dõi động thái của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc kể từ năm 2013, đồng thời cũng đã tiến hành tuần tra một cách thường xuyên thường xuyên để đề phòng các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc lảng vảng ở khu vực bãi cạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân Malaysia và người dân qua lại trong khu vực.

Hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ ngừng “phô trương sức mạnh” ở Biển Đông

Ngày 10/1, hãng Tân Hoa xã đăng bài bình luận “Mỹ cần ngừng phô trương sức mạnh ở Biển Đông” của nhà báo Zhu Junqing nhằm chỉ trích việc Mỹ triển khai nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson đến vùng Tây Thái Bình Dương, coi đó là biểu hiện của “việc tiếp tục phô trương sức mạnh và gây rối tình hình Biển Đông”. Đồng thời, ông Zhu cũng cáo buộc một cách vô cớ rằng Mỹ, cùng các đồng minh khu vực, chưa bao giờ ngừng “gây rắc rối ở các vùng biển và quân sự hoá Biển Đông”. Mặt khác, ông Zhu còn ngang ngược nói rằng “Mỹ đã tự tạo ra “thói quen phô trương lực lượng quân sự trước cửa nhà của Trung Quốc”, “đưa các máy bay và tàu chiến tuần tra một cách đầy nguy hiểm, gần sát “lãnh thổ của Trung Quốc””.

Không những thế, bài báo còn mạnh miệng vu khống “sự can thiệp của Mỹ chẳng đem lại được gì ngoài làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, lôi kéo các đồng minh tiến hành thêm nhiều hoạt động gây hấn để củng cố cho các yêu sách lãnh thổ “phi pháp” của họ”. Trong khi đó lại tự bao biện cho lập trường và hành động gây bất ổn bất lâu của phía Bắc Kinh là “Trung Quốc có đủ khôn ngoan và khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông”, “Trung Quốc và các nước liên quan đã tìm ra biện pháp, không chỉ đáp ứng yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế mà còn đem lại phương thức quản lý tranh chấp một cách hữu hiệu”.

Trung Quốc thách thức Tổng thống Trump bằng cuộc tập trận ở Thái Bình Dương

Ngày 10/1, hãng Nikkei của Nhật Bản đã đăng bài viết “Trung Quốc phản ứng với phát biểu của Tổng thống Trump bằng cuộc tập trận của phía Bắc Kinh ở Thái Bình Dương”, nhận định rằng Trung Quốc đã tự dựng nên hình thức ngoại giao pháo hạm riêng của mình bằng cách lần đầu tiên đưa tàu sân bay của nước này ra Thái Bình Dương ngay sau bài phát biểu của Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump hàm ý Mỹ có thể sẽ không đi theo chính sách “một Trung Quốc”. Bốn ngày sau phát biểu của ông Trump, Hải quân Trung Quốc đã thu giữ một cách tuỳ tiện thiết bị lặn của Trung Quốc ở Biển Đông và sau đó gấp rút đưa tàu Liêu Ninh để triển khai các hoạt động diễn tập quân sự. Theo bài báo, tất cả những động thái này dường như thể hiện rằng, Trung Quốc đang “chuyển đến Mỹ một thông điệp”.

Trước đó, ông Trump đã chỉ trích việc bành trướng quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận, nói rằng hành động này của Trung Quốc không được sự thừa nhận của Mỹ. Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, do luôn cố chấp tự coi Biển Đông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nên không có suy nghĩ rằng họ các hoạt động của mình cần được sự thừa nhận. Mặt khác, ông Tập không muốn đối đầu trực diện với Mỹ, do đó, ông này đã tìm cách “chọc giận” ông Trump thông qua các hành động gây hấn. Bất chấp những thay đổi to lớn toàn cầu, Chủ tịch Tập vẫn ngoan cố duy trì nguyên tắc “độc đảng” của mình nhằm làm tăng hơn nữa ảnh hưởng của ông này ở Trung Quốc. Nhờ lực lượng quân sự đã hỗ trợ mạnh mẽ nguyên tắc “độc đảng”, các nhà lãnh đạo nước này có xu hướng dùng đến hình thức “hăm doạ” hơn là “ngoại giao”. Bắc Kinh đã tự triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Các hoạt động trong lĩnh vực tư cũng được “đồng bộ hoá” với các hoạt động quân sự của nước này. Các tàu du lịch từ Hải Nam hàng tuần đều đặn tổ chức tour du lịch Hoàng Sa, chở nhiều khách du lịch đến làm lễ thượng cờ và hát quốc ca. Không dừng lại ở đó, theo phân tích của bài báo, phát biểu của Tổng thống Trump đã kích động phong trào chống Mỹ trong quân đội Trung Quốc, thậm chí một số cán bộ còn nói rằng “họ sẵn sàng hi sinh xương máu nếu ông Trump có ý định can thiệp vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Quan chức Mỹ tiết lộ: một máy bay ném bom của Trung Quốc mới bay quanh Trường Sa để phô trương sức mạnh

Ngày 10/1, theo thông tin từ Reuters, ngày 9/1, một quan chức Mỹ đã tiết lộ rằng Trung Quốc mới đây đã đưa máy bay ném bom chiến lược H-6 bay vòng quanh khu vực Trường Sa vào cuối tuần qua. Đây là lần thứ hai máy bay ném bom Trung Quốc đã tiến hành trong năm 2017. Quan chức Mỹ khẳng định, chuyến bay có thể được xem là một hành động nhằm phô trương “lực lượng chiến lược của Trung Quốc”. Tư lệnh Gary Ross, Người Phát ngôn Lầu Năm góc cho biết, ông không có bất cứ bình luận cụ thể nào đối với động thái trên, nhưng cho biết “Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tất cả các hoạt động quân sự của Trung Quốc đang diễn ra ở khu vực”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc “nhai” lại thông điệp: Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN

Ngày 11/1, hãng CCTV đưa tin: ngày 10/1, tại buổi họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố vấn đề Biển Đông đã và sẽ không bao giờ là vấn đề giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thông điệp mà phía nước này đã nhắc đến không dưới một lần trước đây nhằm loại bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi mối quan tâm của ASEAN.

Dường như Bắc Kinh không hề ngại “tận dụng thời cơ” để suy diễn một cách chủ quan phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo rằng vấn đề Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông không nằm trong Chương trình nghị sự của Hội thượng Thượng đỉnh ASEAN 2017. Ông cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông: chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông với các bên liên quan trực tiếp thông qua con đường đàm phán. Bên cạnh đó, Người Phát ngôn Lục Khảng thông báo, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành công và Philippines nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, “Trung Quốc luôn coi trọng vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực”, “sẵn sàng thúc đẩy đối thoại với Philippines và ủng hộ Philippines làm tròn nhiệm vụ của nước Chủ tịch”.

RELATED ARTICLES

Tin mới