Saturday, September 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao nhiều đời Tổng thống Mỹ đều bất lực với Triều...

Vì sao nhiều đời Tổng thống Mỹ đều bất lực với Triều Tiên?

Các chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề cấp bách mà ông Donald Trump phải đối mặt khi bước chân vào Nhà Trắng. Liệu ông có thể thành công khi nhiều đời Tổng thống Mỹ trước ông đều đã thất bại?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử đến giờ, ông Trump vẫn có thái độ khá mềm mỏng với Triều Tiên, khác hẳn với chính sách cứng rắn hiện tại của Mỹ. Trong quá trình tranh cử, ông còn cho biết sẽ trực tiếp gặp mặt để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhiều người cho rằng, biết đâu chính sách mềm mỏng hơn lại có hiệu quả.

Tuy nhiên, ít ai biết hoặc còn nhớ rằng, cách đây 8 năm khi Tổng thống Barack Obama bắt đầu nhiệm kì đầu tiên, ông cũng có thái độ tương tự với Triều Tiên. Những ngày đầu lên nắm quyền, ông Obama đã có cử chỉ mang tính hòa giải với Bình Nhưỡng. Dù cử chỉ đó không đến mức là đề nghị làm bạn bè nhưng là một dấu hiệu cho thấy rằng, Mỹ sẽ không đối đầu gay gắt với Triều Tiên.

Trong diễn văn nhậm chức năm 2009, Tổng thống Obama cho biết ông sẽ “chìa tay ra đối với những người thả lỏng nắm đấm của họ”.

Một vài tháng sau đó, ông Kim Jong Un vẫn tiến hành thử tên lửa nhiều tầng và thử nổ dưới lòng đất một thiết bị hạt nhân. Cả hai vụ thử nghiệm đều bị Liên Hiệp Quốc xem là hành động trái với nghị quyết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống Mỹ George Bush cũng vấp phải tình cảnh bất lực tương tự với Triều Tiên. Năm 2006, Triều Tiên vẫn phóng thử tên lửa tầm xa sau khi ông Bush nói rằng: “Không thể dung thứ việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân”. Đến năm 2006, ông tiếp tục chỉ trích rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”. Dù vậy, chẳng có gì thay đổi ở Triều Tiên do những tuyên bố đó.

Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo, khả năng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện đã có thể đe dọa nước Mỹ.

Các Tổng thống Mỹ đều đã dùng nhiều chiến lược từ kiên nhẫn đến cảnh báo sẽ dùng sức mạnh quân sự, áp đặt các lệnh trừng phạt nhưng đều vô tác dụng.

Đối với chiến lược sử dụng sức mạnh quân sự thực sự để ép Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân, nhiều chuyên gia đều cho rằng, không có nhiều phương án quân sự đối với Triều Tiên.

Tiến sĩ Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại California (Mỹ) cho hay, rất khó để bắn hạ một tên lửa Triều Tiên đang thử nghiệm. Ngoài ra, điều đó có thể khiến Hàn Quốc tiến hành những hành động trả đũa ồ ạt nhằm vào Seoul (Hàn Quốc) và các khu vực gần Triều Tiên. Ông cho hay, các địa điểm thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được phân bổ rải rác ở nhiều nơi. Do vậy, cũng khó xác định được vị trí thử nghiệm tên lửa.

Một chuyên gia khác cũng có quan điểm tương tự. Ông Rodger Baker, một nhà phân tích của hãng phân tích thông tin tình báo Stratfor, cho hay, phương án hành động quân sự đối với Triều Tiên bị hạn chế là bởi nó dễ dàng kích hoạt một cuộc xung đột diện rộng.

Ông nói: “Triều Tiên có thể bắn nhiều tên lửa tầm ngắn vào Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc”.

Một phương án cũng đang nằm trong các lựa chọn là ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Theo tờ UPI (Hàn Quốc), hồi tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo xác nhận quân đội nước này có kế hoạch sử dụng một lực lượng đặc biệt để ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong trường hợp Seoul bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, biện pháp này chỉ dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Tiến sĩ Heather Williams thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Nếu Hàn Quốc theo đuổi phương án này, họ sẽ thực sự “đùa với lửa”. Triều Tiên sẽ tiếp tục hành động trả đũa”.

BBC cho rằng, theo nhiều chuyên gia, có nhiều phương án khác như ám sát các nhà khoa học có liên quan hoặc chèn virus vào hệ thống máy tính liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo họ những phương án đã được áp dụng tại Iran.

Tuy nhiên, Iran và Triều Tiên rất khác nhau. Iran không có các thiết bị hạt nhân, trong khi Triều Tiên đã cho thử nghiệm tới 5 thiết bị hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng có những cơ sở thử nghiệm hạt nhân lớn và hiện đại.

Iran có hệ thống bầu cử khác với ở Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Iran phải quan tâm đến việc xóa bỏ sự bất mãn của người dân bằng cách vực dậy nền kinh tế. Iran cũng có một xã hội cởi mở hơn. Trong khi đó, Bình Nhưỡng hoàn toàn khác. Do vậy khó đối phó hơn nhiều.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia đề xuất tạm chấp nhận thực tế Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Eric Gomez, một nhà phân tích chính sách tại Viện Cato tại Mỹ nói: “Mục tiêu lâu dài của Mỹ là phi hạt nhân. Đó là một mục tiêu dài hạn cao quý và tôi nghĩ nó vẫn nên là một mục tiêu dài hạn”. Ông cho rằng, không thể dùng chiến lược giải quyết ngay lập tức chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông nói: “Nếu chúng ta có thể đàm phán để yêu cầu Triều Tiên hạn chế kho vũ khí hạt nhân hiện nay thì đó sẽ là bước đầu tiên để hướng tới một thỏa thuận lớn hơn”.

Tuy vậy, cả ông Kim Jong Un, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ không chấp nhận phương án đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới