Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada được cho là sẽ có chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến lãnh thổ Guam của Mỹ để tận mắt “chiêm ngưỡng” hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất THAAD. THAAD là hệ thống vũ khí được hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc chọn là phương tiện chủ chốt để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.
Ảnh minh họa
Trong chuyến thăm bắt đầu từ ngày hôm nay (12/1), bà Inada sẽ đến xem hệ thống THAAD được lắp đặt ở Căn cứ Không quân Andersen từ năm 2013 trong một động thái được cho là để đáp trả các vụ thử tên lửa tầm trung Hwasong-10 của Triều Tiên.
THAAD cũng được Hàn Quốc xem là một phương tiện phòng thủ quan trọng nhằm đối phó với Triều Tiên. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Seoul và Washington đã nhất trí triển khai hệ thống THAAD ở quận Seongju của Hàn Quốc.
Chuyến thăm của bà Inada chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại. Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo quân đội Nhật Bản, bà Inada không ít lần khiến Bắc Kinh phải bất an. Hồi tháng 8 năm ngoái, bà từ đến thăm một căn cứ hải quân của Mỹ và lên thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan – thứ vũ khí được xem là bá chủ đại dương. Hành động của bà Inada khi đó được xem là một thông điệp sắc lạnh gửi đến Trung Quốc trong bối cảnh hai nước láng giềng đang đối đầu gay gắt với nhau vì cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km. Nếu được triển khai ở Hàn Quốc, tầm hoạt động của THAAD có thể bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua.
Cả Tokyo và Seoul đều tuyên bố dùng THAAD để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này cũng được dùng để răn đe Trung Quốc mặc dù điều này chưa bao giờ được tuyên bố công khai.