Philippines đang trì hoãn kế hoạch sửa chữa và nâng cấp các khu vực họ kiểm soát trên Biển Đông để tránh khiêu khích Trung Quốc khi mối quan hệ giữa hai nước mới được cải thiện.
Bức ảnh cho thấy một tháp radar trên hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa
Quyết định hoãn nâng cấp sẽ loại trừ “bất kỳ hành động gây hấn nào tại Biển Tây Philippines (tức Biển Đông)”, Tướng Eduardo Ano, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines phát biểu trong cuộc họp báo tại một căn cứ quân đội hôm 12/1, theo Reuters.
Ông cho biết động thái này nhằm gìn giữ một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ thân tình hơn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã quyết định ‘chia tay’ đồng minh lâu năm Hoa Kỳ và bắt tay với ‘kẻ thù truyền thống’ Trung Quốc, theo Reuters.
Reuters nhận định Philippines có cấu trúc phòng thủ yếu nhất tại khu vực tranh chấp với hầu hết các cơ sở phòng thủ đều đổ nát. Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc cũng nắm giữ các khu vực của quần đảo tranh chấp.
Việt Nam hiện nắm giữ nhiều thực thể nhất tại Biển Đông, và cũng đã tăng cường hệ thống cơ sở vật chất của mình, theo Reuters.
Trung Quốc đã khai hoang 7 rạn san hô và xây dựng các đảo nhân tạo. Ngày 14/12, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ đã tiết lộ báo cáo cho thấy Trung Quốc đã cài đặt các súng ống bắn máy bay và các hệ thống vũ khí đánh gần tại tất cả 7 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng trên Biển Đông.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây căng thẳng trong khu vực và cường quốc hàng đầu trên thế giới Hoa Kỳ. Hôm 11/1, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố việc xây dựng đảo của Bắc Kinh là bất hợp pháp và họ phải bị cấm tiếp cận đến các hòn đảo này.
Ông Tillerson cũng kêu gọi Mỹ cần có những hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự ‘lấn tới’ của Trung Quốc và ủng hộ các quốc gia ở Đông Nam Á.
“Cách thức chúng ta đối phó với vấn đề này là chúng ta phải thể hiện sự hỗ trợ trong khu vực đối với các đồng minh truyền thống của chúng ta tại Đông Nam Á”, ông phát biểu trước phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.