Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, giá dầu giảm, lạm phát phi mã, quân đội luôn được ưu tiên. Đó là sách lược của Tổng thống Venezuela Maduro, và vũ khí Nga, TQ được ưu tiên.
Pháo tự hành 2S19 MSTA-S 152mm của Lục quân Venezuela.
“Những công nghệ tối tân, những vũ khí mới nhất sẽ được đặt mua và trang bị không chỉ cho các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm mà còn ở tất cả các đơn vị thuộc Lực lượng phản ứng nhanh của Quân đội Venezuela”, ông Maduro tuyên bố.
Tiêm kích Su-30MK2 Venezuela đặt mua từ Nga.
“Ngay lập tức, Chỉ huy cấp cao nhất (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez) sẽ sang Nga và Trung Quốc để đàm phán, nhanh chóng chốt các hợp đồng đặt mua những vũ khí và công nghệ tiên tiến nhất từ các quốc gia này”, ông Maduro hùng hồn giao nhiệm vụ trong một buổi lễ thường niên của Quân đội tổ chức vào cuối năm ngoái.
Một điều dễ nhận thấy đó là tình hình kinh tế của đất nước “nhiều dầu mỏ và hoa hậu thế giới” đang ở trong tình trạng kiệt quệ và hết sức tồi tệ, nhưng chính phủ nước này vẫn mạnh tay đầu tư cho quốc phòng, bất chấp họ đã và đang sở hữu trong tay một khối lượng khá lớn vũ khí trang bị thuộc loại hiện đại mà nhiều nước khác phải thèm muốn.
Venezuela – một trong những đồng minh quân sự và thương mại quan trọng nhất của Nga ở Châu Mỹ Latin (chỉ sau có Brazil), đang ngày càng nỗ lực thắt chặt mối quan hệ song phương giữa 2 quốc gia.
Dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, Venezuela và Nga có mối quan hệ hết sức nồng ấm. Điều đó được thể hiện qua các hợp đồng Venezuela đặt mua vũ khí trị giá tới hơn 4 tỷ USD của Nga, kể từ năm 2005.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ 2010-2014, Venezuela đã nhập khẩu 349 triệu USD vũ khí từ Trung Quốc và chi ngót 2 tỷ USD cho vũ khí Nga. Còn nếu chỉ tính riêng năm 2013, Caracas đã mua một lượng lớn sản phẩm quốc phòng trị giá 1 tỷ USD vũ khí từ Moscow.
Trong giai đoạn từ 2012-2015, các lực lượng vũ trang Venezuela đã đặt mua và nhận chuyển giao từ Nga tổng cộng 48 tổ hợp pháo tự hành 2S19 MSTA-S 152mm, 12 tổ hợp pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch, 123 xe chiến đấu bộ binh BMP-3, 114 xe thiết giáp chở quân BTR-80A.
Máy bay huấn luyện phản lực 2 chỗ ngôi K-8 của Không quân Venezuela đặt mua từ Trung Quốc.
Ngoài ra, lực lượng phòng không của Venezuela có sự lột xác hoàn toàn, tiến thẳng lên hiện đại với 12 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2, 3 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung xa S-300VM cùng 72 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1M (T-72S).
Các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 do Nga sản xuất hiện đang là xương sống của Không quân nước này. Bên cạnh đó, Venezuela cũng đang vận hành một lượng không nhỏ máy bay huấn luyện phản lực K-8 (2 chỗ ngồi) từ Trung Quốc.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300V