Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 16/01

Bản tin Biển Đông ngày 16/01

Bản tin Biển Đông ngày 16/01/2017.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích các phát biểu “thiếu trách nhiệm” về vấn đề Biển Đông

Ngày 13/1, hãng Tân Hoa xã đưa tin, trong chiêu đãi của Phòng Thương mại Công nghiệp Trung Quốc tại Mỹ (CGCC) tối ngày 12/1, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã “nhẹ nhàng” cảnh cáo “một số công dân Mỹ nhất định” không được đưa ra nhữg phát biểu “thiếu trách nhiệm” về vấn đề Biển Đông, dù vẫn bày tỏ “hy vọng” có được quan hệ hợp tác gần gũi với chính quyền mới của Mỹ. Cụ thể, ông “hối thúc một số người ở Mỹ cần phải cẩn trọng hơn và hành động một cách có trách nhiệm khi nói về tranh chấp trên các vùng biển của quốc gia khác”.

Phát biểu này của ông Thôi Thiên Khải được cho là ám chỉ đến những phát biểu gần đây của một số quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, kể cả Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson về vấn đề Biển Đông.

Lãnh đạo Nhật Bản và Indonesia nhất trí trong vấn đề Biển Đông, đồng thời lên kế hoạch cuộc họp “hai cộng hai”

Ngày 15/1, tờ Japan Times cho biết, tại cuộc hội kiến tại Jakarta ngày 15/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tái khẳng định việc hợp tác an ninh biển trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến hành động xây dựng quân sự của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Tại cuộc họp báo ở Điện Bogor, ông Abe cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên lĩnh vực an ninh biển và phát triển các quần đảo xa bờ của Indonesia, bao gồm quần đảo Natuna nằm ở phía Nam Biển Đông. Đồng thời, hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác biển liên quan đến hoạt động tuần tra của Hải quân Indonesia ở ven quần đảo Natuna. Ông Abe thậm chí còn nhấn mạnh “quan hệ hợp tác biển là vấn đề ưu tiên” đối với Tokyo. Về các vấn đề khác, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí sẽ thúc đẩy trao đổi với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật và giải quyết hoà bình tranh chấp. Mặc dù cả Nhật Bản lẫn Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp, các quan chức đều khẳng định rằng hai bên thực sự lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày một tăng cường của Trung Quốc ở Biển Đông, do đó mong muốn duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở các vùng biển.

Quan chức Philippines: Chính phủ cần đi đầu trong việc giải quyết hoà bình các tranh chấp biển

Ngày 16/11, trang Inquirer đưa , một ngày sau khi Philippines chính thức đảm nhận vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2017, Thượng Nghị sỹ Sherwin Gatchalian đã kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức ngoại giao hàng đầu của Philippines cần đi đầu trong việc đề ra một giải pháp hoà bình đối với các tranh chấp biển và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông Gatchalian khẳng định, chủ đề của ASEAN 2017 “Hợp tác để thay đổi: Cam kết với thế giới” cho thấy cam kết của nước này nhằm đạt được một tiến trình khu vực thông qua ngoại giao, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, do đó, để hiện thực hoá chủ đề này, Philippines cần hành động như một bên “xúc tác” để tình hình Biển Đông được thực sự thay đổi”. Theo đó, ông hối thúc chính quyền Tổng thống Duterte sử dụng vị thế của nước Chủ tịch ASEAN để “chèo lái tổ chức khu vực này hướng đến mục tiêu hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã bế tắc bấy lâu”, mà theo ông, là văn bản có giá trị pháp lý, có thể điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc liên quan đến các yêu sách của họ ở Biển Đông. Ông cũng lạc quan cho rằng, Bộ quy tắc sẽ nhanh chóng thúc đẩy được một giải pháp “hữu nghị” cho tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông, để khu vực tiến tới kỷ nguyên mới mà ở đó, nền kinh tế được hồi sinh và xã hội được phát triển tiến bộ.

Philippines phản đối Trung Quốc lắp đặt hệ thống vũ khí trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép

Ngày 16/1, tờ New York Times cho biết, trong cuộc phỏng vấn với hãng CNN Philippines, Ngoại trưởng Philippines đã khẳng định, Philippines đã kín đáo gửi một công hàm phản đối tới phía Trung Quốc, một tháng sau khi báo cáo về việc Bắc Kinh có khả năng đang lắp đặt các hệ thống vũ khí chống máy bay và chống tên lửa trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ông Yasay cho biết, động thái này là nhằm tránh gây ra những kết quả không có lợi cho việc đối phó với tình hình.

RELATED ARTICLES

Tin mới