Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 17/1

Bản tin Biển Đông ngày 17/1

Bản tin Biển Đông ngày 17/1/2017.

Tàu do thám của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc chính thức bổ sung thêm một tàu do thám cho Đội tàu Do thám Tăng cường của nước này

Trang Yibada cho biết, ngày 16/1, sau khi được chuyển tới tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tàu CNS Kaiyangxing (856), tàu do thám mới của Trung Quốc đã chính thức được bổ sung vào lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nhằm hỗ trợ các hoạt động của Đội tàu Bắc Hải đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng. Tàu Kaiyangxing là loại tàu do thám điện tử loại 815A, một trong các tàu do thám điện tử mới nhất của Trung Quốc được đưa vào sử dụng. Trong số 5 tàu cùng loại, tàu CNS Haiwangxing và tàu không tên mang số hiệu 855 thuộc phạm vi quản lý của Đội Bắc Hải hoạt động trong một số khu vực, bao gồm Biển Đông.

Với cái cớ mà các chuyên gia hải quân Trung Quốc luôn biện bạch rằng PLAN gặp phải nhiều “khó khăn” khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “các lợi ích trên biển của mình” (bao gồm các yêu sách phi lý nhằm độc chiếm Biển Đông), tác giả bài báo nhận định, PLAN sẽ có xu hướng sử dụng nhiều tàu do thám hơn để hỗ trợ cho các hoạt động ở Biển Đông. Không những thế, các tàu do thám của Trung Quốc cũng sẽ có vai trò quan trọng đối với nhóm tàu chiến sân bay của PLAN thông qua cung cấp tất cả các thông tin tình báo thực địa.

Học giả Trung Quốc dùng Sách Trắng để biện minh cho chính sách khu vực của nước này

Ngày 16/1, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Sách Trắng sẽ làm rõ chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc” của tác giả Li Kaisheng, nghiên cứu viên Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải:

Bài viết của tác giả Li Kaisheng đưa ra nhiều lập luận thiếu thuyết phục, chủ yếu nhằm mục đích biện bạch trước những chỉ trích về lập trường hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhằm “làm rõ” phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân rằng “chúng tôi muốn chính sách của Trung Quốc về hợp tác an ninh Châu Á – Thái Bình Dương được phổ biến rộng rãi và thể hiện ý chí tăng cường hợp tác an ninh khu vực và duy trì ổn định và thịnh vượng khu vực”, ông Li Kaisheng “tiết lộ” rằng Sách Trắng được đưa ra vào thời điểm một số nước đang có “hiểu lầm” về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông này cho rằng mục đích tốt đẹp của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông nhằm “bảo vệ các quyền và lợi ích “chính đáng” đồng thời đấu tranh chống lại các hành động gây hấn” đã bị “bóp méo” thành hình ảnh một quốc gia đang ngày càng trở nên hung hăng ở khu vực.

Để biện minh, ông Kaisheng đưa ra quan điểm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là khẳng định lợi ích và nhu cầu của Trung Quốc, sử dụng các biện pháp mang tính trực tiếp đối với những hành động “đe doạn đến lợi ích của Trung Quốc”. Qua đó, ông lý giải “dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới song Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước và sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời sự phát triển của các quốc gia xung quanh và trên thế giới do nếu nước này có những hành động hiếu chiến trên mặt ngoại giao thì điều đó nghĩa là “đi ngược lại lợi ích quốc gia””. Bài viết còn ngụy biện rằng “Trung Quốc coi trọng “Sáng kiến Một con đường, một vành đai” hơn là việc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh rằng “hợp tác mới là nguyên tắc cơ bản trong ngoại giao Trung Quốc”. Mặt khác, ông Kaisheng cũng ngụy biện rằng các hành động của Trung Quốc chỉ là nhằm đảm bảo mục tiêu cơ bản trong ngoại giao là “phòng vệ”.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, tác giả đã lên án một cách thiếu căn cứ rằng các nước như Mỹ, Nhật Bản, thậm chí cả các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc còn tỏ ra hoài nghi Sách Trắng của Bắc Kinh, thậm chí vu khống các nước này tìm cách “thổi phồng hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc để có thêm sự thông cảm và ủng hộ”. Bên cạnh đó, tác giả còn đổ lỗi cho “một số quốc gia” đã “gây hấn” với Trung Quốc với những “chiến thuật” như chiến lược Tái cân bằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Obama, quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu ngư của Chính phủ Nhật Bản và vụ kiện Biển Đông do Philippines đưa ra Tòa Trọng tài quốc tế vừa qua dưới thời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Theo đó, ông này khăng khăng những sự hiểu nhầm này mới là nguyên nhân “khiến hòa bình và ổn định trở nên mong manh, việc quản lý tranh chấp trở nên khó khăn hơn và việc giải quyết các tranh chấp cũng sẽ trở nên phức tạp hơn và tiêu tốn nhiều thời gian hơn”.

Phía Trung Quốc cáo buộc Thủ tướng Nhật Bản tìm cách can dự vào vấn đề Biển Đông

Ngày 17/1, trang Foreign Affairs cho biết, ngày 16/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm cách gây chia rẽ các nước trong khu vực bằng cách nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc tiếp xúc đối ngoại của ông Abe tại Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam gần đây, dù thực sự trọng tâm chương trình làm việc là vấn đề an ninh biển. Ngoài ra, bà Hoa cũng gây ngạc nhiên khi công khai hoan nghênh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuân thủ chính sách đối ngoại độc lập và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Theo đó, bà cho biết “Trung Quốc ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines và sẽ thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như quan hệ Trung Quốc – ASEAN”.

RELATED ARTICLES

Tin mới