Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ tự tin lợi thế kinh tế trong cuộc chiến với chính...

TQ tự tin lợi thế kinh tế trong cuộc chiến với chính quyền Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố “sẽ cứng rắn với Trung Quốc” sau khi nhậm chức. Điều này có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại giữa hai bên, nhưng Trung Quốc đã thủ sẵn “nhiều vũ khí kinh tế”.

Những người tiền nhiệm của ông Trump cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự nhưng không thể thực hiện được, và Trung Quốc hiện nắm sẵn trong tay nhiều “vũ khí kinh tế” để đối phó với Mỹ nếu chiến tranh thương mại xảy ra, theo trang tin Daily Beast (Mỹ) ngày 16.1.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tuần rồi, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng được ông Trump chọn, đề xuất Trung Quốc nên bị cấm tiếp cận những đảo nhân tạo do nước này xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Nhưng ông Tillerson không đưa ra kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Một cố vấn trong ban chuyển giao quyền lực của ông Trump lại nói đỡ lời cho ông Tillerson khi cho rằng chính phủ ông Trump sẽ không có đề xuất trên vì động thái này có nguy cơ dẫn đến đối đầu với Trung Quốc. Nhưng một cố vấn khác lại khẳng định ông Tillerson “không hề nói nhầm”, theo Reuters.

Điều này cho thấy một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ khó có khả năng xảy ra. Và ban chuyển giao quyền lực của ông Trump vẫn chưa có kế hoạch thống nhất về chính sách đối với Trung Quốc.

“Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ rõ ràng không phải là lựa chọn của hai bên. Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới hiện không chỉ chia sẻ mối quan hệ kinh tế; số phận hai nước phụ thuộc vào nhau. Và cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ nếu có xảy ra thì chỉ có thể là chiến tranh thương mại”, theo Daily Beast.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ có biện pháp cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề thương mại, chỉ trích những thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã làm giảm sức mạnh nền kinh tế và nền sản xuất của Mỹ. Ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu phi pháp, thao túng tiền tệ và trộm cắp tài sản trí tuệ.

Trung Quốc tự tin lợi thế kinh tế trong cuộc chiến với chính quyền Trump - ảnh 1
Trên 60% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc hiện được chuyển hướng sang các thị trường khác chứ không chỉ tập trung vào
Mỹ, Nhật và châu Âu, theo HSBC Reuters

Một trong số biện pháp cứng rắn mà ông Trump tuyên bố là đánh thuế cao hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ đến 45% nhằm giải quyết sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung Quốc. Ông Trump còn nói sẽ tuyên bố Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ” trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1, nếu chính quyền ông Trump thực sự áp dụng những biện pháp cứng rắn này với Trung Quốc, thì chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà không có biện pháp đáp trả.

Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với hơn 1 nghìn tỉ USD. Nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – tức ngân hàng trung ương – bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ mà ngân hàng đang nắm giữ, thì giá trị tín phiếu kho bạc của Mỹ sẽ giảm, dẫn đến nguy cơ đẩy lạm phát lên cao và làm giảm sức tiêu thụ nội địa của Mỹ. Điều này cho thấy nếu ông Trump thực hiện những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc thì Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả.

Bên cạnh đó, ông Trump sẽ phạm sai lầm lớn nếu cho rằng Trung Quốc chỉ là một đại công xưởng không có nhiều lựa chọn trong cuộc chiến thương mại. Nhưng quan điểm này có thể đã lỗi thời, bởi vì Trung Quốc vẫn còn nhiều “vũ khí kinh tế” khác để đối phó với Mỹ. Và sự thật là Mỹ cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Mỹ, và chính quyền Trung Quốc biết rõ điều này, theo Daily Beast.

Nếu chiến tranh thương mại xảy ra, việc phá giá đồng nhân dân tệ cũng là một thứ vũ khí mà Trung Quốc có thể đem ra sử dụng. Một lợi thế của phá giá đồng nhân dân tệ là các đối thủ xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị trung lập, điều này giúp nâng tầm Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu toàn cầu đối với tất cả các loại hàng hóa.

Dù vậy, người dân Trung Quốc vẫn xem Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc. Vào cuối năm 2016, tờ Nhân dân Nhật báo đăng kết quả một cuộc khảo sát dân ý về mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới, theo đó 79,8% người tham gia khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ.

Nhưng vài ngày sau, tờ Nhân dân Nhật báo ngày 3.1 lại đăng bài viết dẫn lại lời các quan chức và cố vấn kinh tế Trung Quốc khẳng định Trung Quốc “khó bị tấn công trong chiến tranh thương mại”.

“Nếu ông Trump sau khi nhậm chức áp đặt mức thuế suất 45% đối hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc và cắt giảm phân nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, thì điều này sẽ không ảnh hưởng gì lớn đối với Trung Quốc”, Nhân dân Nhật báo dẫn lại báo cáo của tập đoàn tài chính HSBC công bố hồi tháng 11.2016. Trên 60% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc hiện được chuyển hướng sang các thị trường khác chứ không chỉ tập trung vào Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, theo báo cáo của HSBC.

Ngoài ra, sự xung đột lợi ích giữa Tập đoàn Trump và Nhà Trắng cũng có thể là một lợi thế cho Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Dù trong buổi họp báo ngày 11.1, ông Trump khẳng định đã bàn giao hết việc điều hành tập đoàn Trump cho hai con trai để tập trung vào việc điều hành chính phủ, nhưng con rể của ông là Jared Kushner lại theo đuổi các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Trung Quốc. Điều đáng chú ý là ông Kushner lại được chỉ định làm cố vấn cấp cao ở Nhà Trắng, với vai trò là “người gác cổng” chính sách ngoại giao cho ông Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới