Mỹ và Nga mải mê cáo buộc lẫn nhau mà quên mất rằng chính Bắc Kinh mới là quốc gia gây ra nhiều căng thẳng, bất ổn trên thế giới.
Bà Samantha Power cáo buộc Nga đang có những hành động hung hăng và gây bất ổn đe dọa tới trật tự thế giới.
Mỹ tố Nga phá hoại trật tự thế giới
Ngày 17/1, trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng với tư cách là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc ở Hội đồng Đại Tây Dương, bà Samantha Power đã cáo buộc Nga đang có những hành động hung hăng và gây bất ổn đe dọa tới trật tự dựa trên luật pháp của thế giới.
Bà Samantha Power khẳng định cần tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga và tiếp tục hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đang bị tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã dẫn chứng hàng loạt hành động từ việc Nga can thiệp vào Ukraine gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng, hậu thuẫn Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông hay tìm mọi cách nhằm tác động vào tiến trình bầu cử tại Mỹ và các nền dân chủ phương Tây khác.
“Các hành động của Nga sẽ không giúp tạo dựng một trật tự thế giới mới, mà còn phá hoại trật tự thế giới hiện nay”, bà Samantha Power khẳng định.
Ngoài ra, vị quan chức Mỹ còn tố cáo chính quyền tổng thống Putin nhiều lần sử dụng chiến thuật “phủ nhận và lừa dối” để lẩn tránh trách nhiệm cho những hành động xấu xa của nước này trên trường quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên Washington lên tiếng bày tỏ lo ngại và đưa ra các cáo buộc Nga là nguyên nhân trực tiếp khiến tình hình trong khu vực cũng như trên thế giới rơi vào trạng thái căng thẳng.
Còn nhớ, hồi tháng 9/2016, khi phát biểu tại Đại học Oxford, Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cáo buộc Nga gieo mầm bất ổn toàn cầu và nghi ngờ về mục đích của nước này ở Syria.
“Bất chấp tiến bộ chúng ta đã đạt được cùng nhau sau Chiến tranh Lạnh, hành động của Nga trong những năm gần đây, như vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và Gruzia, hành vi không chuyên nghiệp trên không, trên vũ trụ và trong không gian mạng, cũng như hành động quân sự hạt nhân, tất cả đều thể hiện Nga có tham vọng rõ ràng nhằm làm xói mòn trật tự quốc tế”, ông Carter nhấn mạnh.
Thậm chí, ông Carter còn khẳng định, việc hỗ trợ của chính quyền tổng thống Assad, Nga đã khiến tình hình ở Syria nguy hiểm hơn, dai dẳng hơn và bạo lực hơn.
Trước đó, vào tháng 2/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng lên tiếng cảnh báo việc Nga tiếp tục hỗ trợ phe ly khai Ukraine bất chấp thỏa thuận ngừng bắn là “sự đe dọa trực tiếp đối với trật tự thế giới hiện đại”.
“Nếu Nga và phe ly khai không thực hiện thỏa thuận hòa bình, chấm dứt bạo lực, họ sẽ phải trả giá thêm”, bà Psaki nói.
Trung Quốc hưởng lợi?
Trước những cáo buộc của Washington, điện Kremlin cũng không ngần ngại lên tiếng phản pháo và tố cáo ngược lại chính quyền tổng thống Obama gây bất ổn khu vực và thế giới.
Cụ thể, phát biểu trước các nhà khoa học chính trị tại một sự kiện của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai ở thành phố Sochi hôm 27/10, tổng thống Putin mỉa mai Mỹ là một nước “cộng hòa chuối” vì Washington cáo buộc Nga phá hoại cuộc bầu cử Mỹ bằng những đợt tấn công mạng.
“Liệu ai đó thật sự nghiêm túc nghĩ rằng Nga bằng cách nào đó có thể gây ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của nhân dân Mỹ? Mỹ có phải là một nước cộng hòa chuối? Mỹ là một cường quốc. Xin hãy chỉ cho tôi nếu tôi sai”, ông Putin mỉa mai và khán giả bật cười.
Thậm chí, trong tài liệu về “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Nga được tổng thống Putin ký vào đêm 31/12/2015 đã lần đầu tiên liệt Mỹ vào “một trong những mối đe dọa” đối với nước này.
Theo báo cáo, Nga đã cố gắng nâng cao vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các cuộc xung đột quốc tế và điều này đã gây ra phản ứng của Phương Tây.
Cũng theo báo cáo, việc Nga gia tăng sức mạnh diễn ra trong bối cảnh có những mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia, vốn mang bản chất phức tạp và có liên quan với nhau.
Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 12/2015, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã không ngần ngại khẳng định “Mỹ đang đóng vai trò phá hoại” tại Ukraine.
Theo ông Churkin, chính quyền Kiev đang tiếp tục phong tỏa tài chính tại miền Đông và từ chối đối thoại trực tiếp với phe đối lập để giải quyết khủng hoảng.
Đến thời điểm này cuộc khẩu chiến giữa Nga và Mỹ xem ai mới thật sự là nguyên nhân khiến tình hình thế giới trở nên hỗn loạn, rối ren vẫn chưa kết thúc.
Đương nhiên, nước nào cũng có lý của mình khi lên tiếng cáo buộc đối phương. Tuy nhiên cả Mỹ và Nga đã quên mất một điều, việc lời qua tiếng lại giữa Moskva – Washington không chỉ trở thành trò cười cho các quốc gia khác mà còn khiến Trung Quốc trở thành kẻ “ngư ông đắc lợi”.
Mỹ và Nga mải mê đưa ra các cáo buộc lẫn nhau mà quên mất rằng chính Bắc Kinh mới cũng đang có những hành động gây căng thẳng như việc cải tạo, xây mới các đảo nhân tạo đến đưa các vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại ra các vùng tranh chấp. Tại các điểm nóng xung đột, luôn xuất hiện vũ khí Trung Quốc.
Chưa hết, Trung Quốc còn ngang nhiên thách thức các quốc gia trong khu vực và sẵn sàng chặt tàu của Philippines tại bãi cạn Scarborough, dọa chặn tàu của Nhật Bản ở biển Đông… Thậm chí, Trung Quốc còn bất chấp tất cả, không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế PCA về vụ Philippines kiện nước này ở biển Đông.