Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh buôn bán ô tô từ thị trường tiêu thụ ngày càng lớn tại Việt Nam. Vì vậy, hàng tỷ USD vốn đã đổ vào phát triển hệ thống đại lý phân phối ô tô trong năm 2016, thay vì sản xuất lắp ráp như trước.
Hàng tỷ USD vốn FDI đã đổ vào phát triển hệ thống đại lý phân phối ô tô
Bộ KH-ĐT cho biết, năm 2016, ngành kinh doanh, buôn bán ô tô đã nổi lên như hiện tượng đặc biệt khi số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới tăng mạnh. Tổng số, đã có trên 505 dự án mới được cấp phép, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chỉ sau bất động sản.
Chốt xong danh sách nhà phân phối tới 2023
Trao đổi về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp ô tô FDI cho biết, trước kia, vốn FDI trong lĩnh vực ô tô chỉ đổ vào sản xuất lắp ráp, thì nay đang đổ mạnh vào hệ thống bán lẻ và dịch vụ sau bán hàng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ thị trường tiêu thụ xe hơi ngày càng lớn tại Việt Nam. Có rất nhiều đại gia ngoại đã vào Việt Nam, xin làm đại lý phân phối cho các hãng xe. “Làn sóng” này đang tăng mạnh. Những thương hiệu ô tô bán chạy, có số lượng doanh nghiệp FDI xin làm đại lý tăng vọt.
Một số hãng xe tên tuổi, có doanh số bán lớn tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, có cả trăm đơn từ các DN, cả trong lẫn ngoài nước, gửi đến xin làm đại lý phân phối. Có hãng xe cuối năm 2016 đã chốt xong nhà phân phối cho tới tận năm 2023, từ 2017 chỉ xét duyệt đơn và chỉ định các nhà phân phối từ năm 2024 trở đi.
Đây là xu hướng đón đầu thị trường ô tô mở cửa. Từ 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm còn 0%. Tiếp đó, với cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam sẽ giảm dần. Tới 2026, phần lớn thuế suất thuế nhập khẩu ô tô của Việt Nam sẽ giảm về mức 0% và tới 2029 thị trường ô tô mở cửa hoàn toàn.
Hiện có khoảng 30 thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các DN ô tô vẫn chưa có hệ thống phân phối rộng khắp. DN nhiều nhất chỉ có hơn 40 đại lý trên toàn quốc. Một số thị trường rất tiềm năng, chẳng hạn như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đến nay vẫn bỏ trống.
Trong khi đó, không mở rộng hệ thống phân phối thì doanh số bán cũng như thị phần khó tăng.
Chính vì vậy, việc các nhà đầu tư FDI gia nhập thị trường bán lẻ được nhiều DN ô tô ủng hộ. Nhiều hãng xe cũng dựa theo “làn sóng” này để đẩy nhanh việc phát triển hệ thống phân phối và thông qua đó tăng độ bao phủ thị trường. Ngay cả các hãng xe sang cũng không chỉ hiện diện tại các thành phố lớn, sắp tới sẽ mở nhiều về các địa phương.
Năm 2016, nhiều hãng xe đã phát triển hệ thống đại lý phân phối rất nhanh. Mercerdes Benz, Audi, BMW, Toyota, Honda, Mazda, Ford, Hyundai, Kia, Mitsubishi,… đã mở hàng loạt đại lý phân phối độc quyền và chi nhánh cung cấp xe mới tại Việt Nam, trong đó có không ít là các doanh nghiệp FDI.
Cũng theo tính toán của các DN, vào năm 2029, quy mô thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt tới con số 1 triệu xe mới/năm, doanh số khoảng 12 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chân đổ vốn vào ngay từ bây giờ. Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ sau bán hàng. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng.
Rất nhiều đại lý phân phối ô tô là của các DN FDI (ảnh minh họa)
Trong cuộc đua này, ưu thế thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ ô tô vốn FDI. Họ có tiềm lực mạnh hơn hẳn khi đều là nhà phân phối nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh ô tô, trường vốn và có mối quan hệ truyền thống với các hãng xe từ lâu.
Vây ráp bởi xe giá rẻ
Thị trường ô tô Việt Nam mấy năm gần đây có mức tăng trưởng cao hàng đầu khu vực. Năm 2016, doanh số bán ô tô đạt trên 300.000 xe các loại, tăng 24% so với 2015. Các dự báo cho thấy, năm 2017, con số tăng trưởng sẽ giữ ở mức 20% do thuế, giảm và giá xe giảm, trong khi đời sống người dân được nâng cao.
Việc các doanh nghiệp FDI không đổ vốn vào sản xuất, lắp ráp xe bởi nhận thấy không có lợi thế. Từ 2018, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, thị trường vẫn tăng trưởng mạnh nên việc bỏ vốn đầu tư vào phân phối bán lẻ là điều tất yếu, bởi cơ hội kiếm lợi nhuận dễ dàng.
Tại các nước châu Á gần Việt Nam, ô tô giá rẻ ngày càng xuất hiện nhiều. Mới đây tại Nhật Bản, các nhà sản xuất như Toyota, Suzuki,… đã cho ra mắt những những chiếc xe có giá bán chỉ khoảng 250 triệu đồng. Tại Ấn Độ, các hãng xe Nhật cũng chạy đua cho ra mắt những mẫu xe giá chỉ có 150 triệu đồng. Tại Indonesia cũng tương tự, nhiều mẫu xe 7 chỗ thương hiệu Nhật Bản có giá bán chỉ khoảng 200 triệu đồng.
Không chỉ khu vực ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam từ các nước châu Á khác cũng giảm dần. Hiện xe nhập khẩu về Việt Nam có giá bán cao gấp 2,6-3,6 lần so với giá gốc, song từ năm 2018, khi thuế giảm mạnh, giá xe nhập khẩu có thể sẽ giảm 20-30% so với hiện nay.
Do vậy, nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô có vốn FDI tại Việt Nam cũng đã lên kế hoạch chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán. Thị trường xe nhập sẽ trở nên sôi động, lấn át xe trong nước. Rõ ràng, khâu bán lẻ đang bị các doanh nghiệp FDI “thôn tính” dữ dội. Thị trường ô tô Việt Nam dự báo sẽ nằm gọn trong tay các DN nước ngoài, từ A đến Z.