Mỹ tuyên bố sẽ ngăn chặn sự chèn ép của Trung Quốc trong vấn đề biên giới biển
Ngày 24/1, hãng SBS của Úc cho biết chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ ở các vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Ngày 12/1, trả lời câu hỏi về việc liệu ông Trump có nhất trí với các bình luận của ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson liên quan đến Trung Quốc và hành động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông Sean Spicer, Người Phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố “Mỹ đang hành động nhằm đảm bảo rằng có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ” khi “các đảo nằm trong vùng biển quốc tế và không thuộc về Trung Quốc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia phản đối khái niệm “Trò chơi được mất” trong tranh chấp Biển Đông
Ngày 24/1, trang The Starđưa tin, ngày 23/1, trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn Fullerton, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã kêu gọi tất cả các bên “cần tư duy ra xa hơn khái niệm kẻ thắng – người thua bởi hòa bình là giá trị toàn cầu chứ không phải là trò chơi được mất” trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, khẳng định phía Malaysia tin tưởng một cách kiên định và rõ ràng rằng các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao và các cơ chế đa phương như ASEAN. Ông Hisham-muddin cho hay, việc đạt được những tiến triển trong những vấn đề căng thẳng kéo dài đang trở nên ngày một cấp thiết và “tiến triển này tốt hay xấu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trong khu vực và các nước đối tác ngoài khu vực”
Ngoài ra, ông Hishammuddin cho biết cần đổi mới cam kết với các tiến trình an ninh đa phương, đặc biệt trong bối cảnh chuyển giao quyền lực hiện nay trên toàn thế giới, sẽ là hợp lý nếu có thể dự báo những thay đổi nhất định đối với quan điểm và chính sách an ninh của một số quốc gia.
“Vạn Lý Trường Thành trên biển của Trung Quốc” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông
Ngày 24/1, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Vạn Lý Trường Thành trên biển của Trung Quốc” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông của tác giả Samir Tata, nhà sáng lập Quỹ Phân tích Rủi ro trong Chính trị Quốc tế tại Reston, Virginia, Mỹ:
Trong bài viết, tác giả Samir Tata cho biết, nhằm xử lý yếu điểm do Mỹ có thể kiểm soát khu vực biển nằm ngoài phạm vi biên giới biển 12 hải lý và Hải quân Mỹ có khả năng làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dọc theo bờ biển phía Đông, đồng thời hiện đại hóa và mở rộng các cơ sở, khu vực biệt lập, thậm chí chống tiếp cận, Trung Quốc đang xây dựng nên một thứ tương tự như “Vạn Lý Trường Thành trên biển” – một bức tường bảo vệ chạy từ Biển Đông, đi qua Biển Hoa Đông tới Biển Hoàng Hải. Tác giả nhận định, thách thức lớn nhất trong việc xây dựng bức tường này là có thể được các bên chấp nhận rằng đường chín đoạn có thể được sử dụng, ít nhất, như một đường biên giới biển de facto trên Biển Đông. Tuy nhiên, không bên nào có thể chấp nhận được việc sử dụng “Đường chín đoạn” như là cơ sở của việc phân định ranh giới trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, Trung Quốc sẽ phải dựa trên vị thế kết hợp sức mạnh kinh tế và hải quân của mình ở Đông Nam Á để bành trướng biên giới trên biển. Mặc dù vậy, bài viết khẳng định, sẽ mất hàng thập kỷ trước khi “bức tường bảo vệ” của Trung Quốc sẽ trở thành accompli fait (“Sự đã rồi”). Tác giả dự đoán, trong 20 năm tới, Trung Quốc sẽ quyết tâm xây dựng một lực lượng hải quân với chất lượng và số lượng lớn hơn, gia tăng đáng kể về mặt quy mô nhằm ngăn chặn lực lượng hải quân Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc ở các phần “tường bảo vệ”. Trong trường hợp xung đột có thể tránh được, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải xây dựng một phương thức áp dụng cho quyền qua lại vô hại và quyền hàng hải hòa bình qua các “bức tường bảo vệ” ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải.