Nga đánh giá thấp tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc và cảnh báo sẽ phối hợp cùng Trung Quốc có hành động đáp trả.
THAAD không có khả năng bảo vệ Seoul?
Nga không sợ THAAD
Tờ Expert.ru cho biết ngày 12/1 vừa qua tại Nga, đại diện hai nước Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ tiến hành biện pháp chung chống lại việc Mỹ bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Thỏa thuận Nga-Trung về các biện pháp chung đảm bảo lợi ích chiến lược và cán cân lực lượng trong khu vực để đáp trả việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc hiện nên được xem như bước tăng cường sức ép lên Seoul.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị gay gắt tại Hàn Quốc từ tháng 10/2016 với thủ tục luận tội Tổng thống Park Geun-hye khiến vấn đề này có thể bị trì hoãn lại. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh sức ép chính trị và kinh tế lên Hàn Quốc để nếu không hủy bỏ được thì cũng thay đổi mạnh thỏa thuận Hàn-Mỹ về THAAD.
Theo báo Nga, thỏa thuận này ngay từ đầu đã gây tranh cãi nếu nhìn từ quan điểm của Hàn Quốc. THAAD của Mỹ không chắc có khả năng bảo vệ được các mục tiêu quan trọng và khu dân cư trên lãnh thổ Hàn Quốc hay không.
Do muốn đặt giàn vũ khí đắt giá ra ngoài tầm bắn trúng của pháo binh tầm xa Triều Tiên cũng như hệ thống tên lửa hạng nặng và tên lửa tầm gần, THAAD đã được quyết định bố trí cách khá xa khu vực phi quân sự.
Kết quả là theo nhiều báo cáo, THAAD hoàn toàn không có khả năng bảo vệ Seoul, khu vực tập trung đến một nửa dân số của đất nước.
Ngoài ra, Triều Tiên lại có kho phương tiện tấn công đa dạng đến mức chỉ một giàn THAAD khó có thể tác động đến tình hình.
Một vụ bắn thử pháo phản lực phóng loạt của Triều Tiên |
Trong khi đó, cái giá của việc bố trí THAAD là quan hệ xấu đi rõ rệt giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Từ quan điểm của Trung Quốc, thiết bị cảnh báo sớm AN/TPY2 có trong thành phần của THAAD có thể ghi nhận được các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc triển khai tại Đông Bắc nước này.
Đáng chú ý là dù Mỹ đồng ý bán THAAD cho các đối tác như Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Qatar, song hệ thống sẽ bố trí tại Hàn Quốc chỉ thuộc về Mỹ. Theo đó, nó có thể được sử dụng trong các kịch bản xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ mà không liên quan đến bán đảo Triều Tiên.
Giới phân tích Nga cho rằng việc bố trí THAAD rõ ràng chịu sức ép lớn của Mỹ. Hành động đó bị nhiều chính trị gia có uy tín của Hàn Quốc chỉ trích, những người này hoàn toàn có thể lên nắm quyền trong tương lai gần. Do đó, đây chính là lúc để gia tăng sức ép lên Seoul.
Mượn tay Trung Quốc
Mục tiêu tối đa của Trung Quốc ở giai đoạn này là hủy bỏ quyết định bố trí THAAD, còn tối thiểu là hoãn việc triển khai, đưa ra các điều kiện bổ sung, loại trừ khả năng tiếp tục tăng cường các lực lượng phòng thủ tên lửa.
Khác với Trung Quốc, tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.
Các căn cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa của Nga đều nằm cách xa Hàn Quốc và Nga sẽ không chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung, loại mục tiêu chủ yếu của THAAD. Song về nguyên tắc, Nga phản đối việc Mỹ dịch hệ thống này đến gần biên giới của mình và sẽ đứng cùng phe với Trung Quốc vì những mục tiêu chính trị chung.
Nga không ngại THAAD? |
Câu trả lời quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc đối với THAAD, nếu có, sẽ phụ thuộc vào thành công của chiến dịch gây sức ép lên Seoul mà Bắc Kinh và Moskva sẽ tiến hành trong những tháng tới đây.
Từ năm 2016, Nga và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên (mô phỏng trên máy tính) hoạt động của hệ thống và những cuộc tập trận này sẽ được lặp lại trong năm 2017.
Như vậy, phương án đáp trả khả thi có thể là Nga-Trung gia tăng hoạt động trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và mở rộng từ phòng thủ tên lửa tại khu vực chiến sự sang phòng thủ tên lửa chiến lược.
Có nhiều khả năng hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa và tiêu diệt các mục tiêu then chốt của đối phương.
Expert.ru cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại lãnh thổ Hàn Quốc đã biến nước này thành “con tin” cho bất kỳ khủng hoảng quân sự nào giữa Trung Quốc và Mỹ, kể cả nếu khởi nguồn của cuộc khủng hoảng đó có ở cách bán đảo đến hàng nghìn km.