Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngÔng Trump sẽ khuấy động cuộc đua vũ trang Mỹ - Trung?

Ông Trump sẽ khuấy động cuộc đua vũ trang Mỹ – Trung?

Sự hiện diện tăng cường cả về nhân sự và vũ khí của Mỹ ở châu Á đã khiến Trung Quốc không khỏi lo lắng. Nhiều khả năng sau khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống, Bắc Kinh và Washington sẽ bước vào một cuộc đua vũ trang mới.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 11/1, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Rex Tillerson đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ​Giáo sư Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định: “Cuộc đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng trầm trọng thêm dưới thời lãnh đạo của chính quyền ông Trump”.

Mỹ – Trung cùng tăng cường hiện diện quân sự

Cùng ngày ông Tillerson đưa ra lời cảnh báo, hạm đội tàu chiến của Trung Quốc với sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua eo biển Đài Loan. Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson cũng đang trên hành trình tới Tây Thái Bình Dương, khu vực Liêu Ninh vừa hoàn thành một cuộc tập trận. 

Ngoài ra, 10 chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã tới thành phố Iwakuni của Nhật Bản trong 2 ngày 11 – 12/1. Đây là đợt triển khai ra nước đầu tiên của F-35, chiến đấu cơ đắt đỏ nhất lịch sử của Mỹ. Còn trước đó, các oanh tạc cơ của Trung Quốc đã bay qua khu vực bờ biển Hàn Quốc và Nhật Bản. Hành động của Trung Quốc đã buộc Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 đồng minh thân thiết của Mỹ, điều động chiến đấu cơ theo dõi. 

Trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc còn nhiều lần lời qua tiếng lại liên quan tới các cuộc tấn công mạng. Cụ thể, Washington từng cho rằng các tin tặc (hacker) Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống dữ liệu và đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 21 triệu nhân viên chính phủ Mỹ hồi năm 2015. Trong năm 2014, Mỹ còn cáo buộc các hacker thuộc quân đội Trung Quốc thực hiện tấn công mạng. 

Về phần mình, ông Trump kêu gọi chấm dứt tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ. Kể từ năm 2001, chi tiêu quân sự của Mỹ đã bị cắt giảm 500 tỷ USD trong hơn 10 năm. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng Trung Quốc lại tăng môt cách nhanh chóng trong khoảng 30 năm qua. 

“Mỹ – Trung đang có những lợi ích đối lập nhau trong khu vực khi một bên muốn phát triển còn một bên muốn ngăn chặn sức mạnh quân sự của Trung Quốc”, ông Li Jie, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nhận định. 

Trong khi đó, theo SCMP, ông Liu Yazhou tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng cho rằng quân đội nước này không còn nhiều thời gian để tăng cường năng lực chiến đấu. Trong đó, Bắc Kinh đang đối mặt với 3 mối đe dọa tiềm năng. Thứ nhất, một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan. Thứ hai, một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thứ ba, sự hỗn loạn ở khu vực biên giới Trung Quốc. Đáng nói, Mỹ lại được xem là một nhân tố có mặt trong cả 3 giả thuyết trên. 

Không chỉ có những tuyên bố mạnh mẽ về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ông Trump đã có những hành động đầu tiên ám chỉ về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington và Bắc Kinh. Cụ thể, ông Trump đã tiến hành điện đàm với Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng 12/2016. Ngoài ra, ông Trump còn đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì quan điểm đối với chính sách “một Trung Quốc” vốn chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Nhà phân tích quân sự ở thành phố Thượng Hải, ông Ni Lexiong nhận định Bắc Kinh đã có những hành động quân sự nhằm tỏ rõ quyết tâm duy trì chính sách “một Trung Quốc”. Điển hình, Trung Quốc đã cho phóng thử các tên lửa chống hạm DF-21, điều chiến đấu cơ xuất hiện quanh đảo Đài Loan, đưa Liêu Ninh tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật và cả sự xuất hiện của 6 máy bay ném bom chiến lược H-6 trên không phận Hàn Quốc. 

Giáo sư Zhang Yuquan tại Đại học Sun Yat-sen ở Hàng Châu cho rằng: “Một khi vấn đề Đài Loan càng trở nên phức tạp, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là tăng cường sự hiện diện quân sự”. 

Căng thẳng ở eo biển Đài Loan được tiếp nối sau chuỗi sự kiện bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới các cuộc tuần tra của Mỹ, sự xuất hiện của các tên lửa đất đối không của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông và kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia tập trận. 

Năng lực quân sự

Về phần mình, ông Trump hy vọng mở rộng quy mô hạm đội Hải quân Mỹ từ con số 272 lên 350 tàu chiến và đóng thêm 3 tàu sân bay. Đây có thể là chương trình hiện đại hóa sức mạnh lớn nhất của Hải quân Mỹ trong hàng thập niên qua. 

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng đã chứng kiến bước tiến dài trong công cuộc hiện đại hóa quân sự kể từ năm 2013. Chỉ riêng năm ngoái, Trung Quốc đã đưa thêm 20 tàu chiến vào biên chế. Còn trong năm nay, Trung Quốc hy vọng đưa vào hoạt động tàu sân bay thứ hai do chính nước này sản xuất cùng các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055. Bản báo cáo năm 2016 của Trung tâm Phân tích Hải quân tại Virginia cho rằng tới năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ nắm trong tay khoảng 279 chiếc tàu chiến. 

Về lực lượng không quân, Mỹ đã ký thỏa thuận với Australia hồi tháng 12/2016 để đưa các chiến đấu cơ tàng hình F-22 tới phía bắc Australia. Theo Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đây là phản ứng trước các hành động “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Trung Quốc thì đang nắm trong tay 2 dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5. Trong đó, chiến đấu cơ Chengdu J-20 đã được Không quân Trung Quốc sử dụng hồi năm ngoái. Còn Shenyang J/FC-31 dù đã ra mắt ở hội chợ hàng không năm 2014 nhưng vẫn đang trong quá trình phát triển. Ngoài ra, Nga đã chuyển gia 4 chiếc đầu tiên trong tổng số 24 chiến đấu cơ Sukhoi-35 cho Trung Quốc vào tháng 12/2016. 

Theo ông Li, việc làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc đang đem lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ. “Ông Trump chắc chắn sẽ sử dụng ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’ để thúc đẩy các quốc gia ở châu Á mua lượng vũ khí lớn từ Mỹ”, SCMP dẫn lời ông Li.  

Cuộc đua vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ có thể làm xuất hiện hàng loạt vũ khí hạt nhân. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân ít hơn nhiều so với Nga và Mỹ. Cụ thể Trung Quốc chỉ có khoảng 260 đầu đạn so với con số 7.000 mà mỗi nước Nga và Mỹ sở hữu. 

Theo ông Li, sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của cả quân đội Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột. 

“Tuy nhiên, không ai muốn phát động chiến tranh, do đó việc đối thoại sẽ giúp làm giảm nguy cơ leo thang xung đột”, ông Li nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới