Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ rút khỏi TPP: Song phương sẽ thay thế đa phương?

Mỹ rút khỏi TPP: Song phương sẽ thay thế đa phương?

Việc tân tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP sẽ tác động rất lớn và có ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Có cơ hội đàm phán lại? 

Ngày 20/1, chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng đã phát đi thông báo nước này sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lý do được phía Hoa Kỳ đưa ra là để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Thậm chí chính quyền tổng thống Donald Trump còn tuyên bố sẽ có động thái cứng rắn đối với những quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại đồng thời gây tổn hại đến người lao động Mỹ.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế khẳng định, bản thân ông không quá bất ngờ trước tuyên bố của ông Donald Trump.

Theo TS Doanh, ông Trump đã đề cập đến việc rút khỏi TPP khi tranh cử tuy nhiên ông khá ngạc nhiên khi đây là một trong những điều đầu tiên mà tân tổng thống làm sau khi nhậm chức. Quyết định trên sẽ là một đòn khá nặng đánh vào tiến trình toàn cầu hóa. Cả thế giới sẽ cần một thời gian để phân tích và có những biện pháp để đáp ứng lại những tình hình đó một cách thích hợp.

Đặc biệt, điều này sẽ tác động tiêu cực đến thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hiện nay chiếm tới 22,1 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Hơn nữa, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là 2 bên cùng có lợi,  2 nền kinh tế cùng bổ sung cho nhau và ít cạnh tranh với nhau.

“Những mặt hàng chúng ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ là những thứ nước này sản xuất đắt hơn chúng ta ví dụ: may mặc, da giày, đồ gỗ hay hàng tôm, cá thủy sản. Hàng hóa xuất khẩu của chúng ta thì người tiêu dùng Mỹ sẽ được lợi hơn vì rẻ và có chất lượng.

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng từ Hoa Kỳ mà chúng ta không làm được như máy bay Boeing, điện thoại Apple hay phần mềm của Microft. Điều này cũng có lợi cho chúng ta. 2 nền kinh tế này bổ sung cho nhau nhiều chứ không cạnh tranh với nhau. Hiện nay chúng ta nên xem diễn biến tình hình trước khi đưa ra những quyết định gì.

Tuy nhiên tôi hi vọng, không có TPP thì 2 bên vẫn sẽ tiếp tục hợp tục với nhau và tiếp tục quan hệ thương mại theo Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) 2 bên đã ký kết từ năm 2001 dựa theo những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới WTO”, ông Doanh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến khả năng tuyên bố trên của ông Trump đưa ra nhằm tiến tới việc đàm phán lại TPP để nước Mỹ không phải chịu quá nhiều thiệt thòi với các quốc gia khác.

“Nếu ông Trump tổ chức đàm phán lại thì Việt Nam sẽ hoan nghênh vì vừa qua Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP rồi. Họ cũng báo cho New Zealand là nước chịu trách nhiệm làm cơ quan thường trực của các nước khác tham gia TPP”, ông Doanh nói.

Song phương thay thế đa phương?

Cùng đưa ra nhận định, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, từ trước đến nay Việt Nam được nhận định là sẽ hưởng lợi nhiều khi tham gia TPP. Tuy nhiên nếu những thông tin mà báo chí trong nước đưa là đúng thì chúng ta sẽ bị thiệt hại lớn từ quyết định của tân tổng thống Donald Trump.

TS Hiếu dự đoán có 2 hướng có thể xảy ra để thay thế TPP. Thứ nhất, TPP có thể được hủy bỏ nhưng sẽ được sửa đổi, bổ sung theo ý của Nhà Trắng. Thứ hai, TPP bị hủy bỏ thì sẽ có thể có những hiệp định song phương giữa Mỹ và Việt Nam thay thế.

“Tôi nghĩ kịch bản đầu, toàn bộ TPP được sửa đổi sẽ rất khó xảy ra. Kịch bản có khả năng cao hơn là sẽ xuất hiện Hiệp định Song phương thay thế Hiệp định Đa phương. Tuy nhiên đến thời điểm này thì cũng chưa ai biết rõ đường lối đối ngoại của Chính phủ Trump cũng như chính sách mậu dịch của ông ấy như thế nào. Chỉ biết rằng tân tổng thống chủ trương một chế độ mậu dịch rất cực đoan, tức là sẽ xét lại tất cả các Hiệp định Thương mại tự do và ông Trump sẽ không dễ dàng cho việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Mỹ”, TS Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề nghị các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải lên tiếng về quyết định đơn phương rút khỏi TPP của chính quyền tổng thống Donald Trump.

Đáng lý ra tổng thống kế nhiệm Donald Trump phải tiếp tục Hiệp định. Tức là sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ ký kết vào tháng 2/2016, Chính phủ mới phải trình Dự thảo cho Quốc hội, Thượng viện và Hạ viện Mỹ xem xét, quyết định. Nếu họ không thông qua thì lúc bấy giờ thì ông Trump mới có thể đơn phương hủy bỏ.

Trong trường hợp này ngay cả Chính phủ tân nhiệm cũng chưa trình ra Quốc hội thì điều đó không phù hợp”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài Việt Nam ra, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, các quốc gia thành viên khác như Nhật Bản hay Singapore sẽ lên tiếng phản đối hành động đơn phương của tân Tổng thống Donald Trump.

“Các nước khác chắc chắn cũng sẽ phản đối. Nước đầu tiên là Nhật Bản. Vì thực tế Nhật Bản cuối năm 2016 đã yêu cầu Mỹ phải thực hiện TPP. Họ cũng đã đưa ra Quốc hội để thông qua TPP. Singapore cũng là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định TPP, vì vậy nhiều khả năng họ cũng sẽ lên tiếng phản đối chính quyền của ông Donald Trump”, TS Hiếu nói.

Phân tích thêm về diễn biến này, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Trong trường hợp này, Việt Nam cần tuyên bố rất quan tâm đến việc thực hiện Hiệp định Thương mại TPP và chúng ta tiếp tục nỗ lực để phát triển quan hệ Thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, bình đẳng. Tôi hi vọng trong một tương lai gần, Hiệp định đó sẽ được thương lượng lại và có thể được ký kết, thực hiện theo như những nội dung mà 12 nước đã có thống nhất và 1 số nước đã thông qua”, ông Doanh kỳ vọng.

Canada, Nhật Bản sẽ thay thế Mỹ?

Một khả năng khác được TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra, đó là 11 nước thành viên còn lại sẽ có 1 quốc gia đứng ra thay thế Mỹ làm nhiệm vụ chủ trì TPP và tiếp tục thi hành Hiệp định.

2 nước có nhiều khả năng nhất được ông Hiếu nhắc đến đó là Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên nhìn nhận tổng thể, vị chuyên gia cho rằng để thể hiện được vai trò đầu tàu như Mỹ từng làm sẽ không hề đơn giản.

“Theo tôi nhìn nhận, Nhật khó có được 1 vị trí như Mỹ để có thể thúc đẩy TPP thực hiện một cách thành công và hiệu quả. Còn Canada cũng khó vì quy mô chưa đủ lớn như Mỹ để đóng vai trò đầu tàu. Vì vậy khả năng các quốc gia này thực hiện được rất thấp”, TS Hiếu nêu quan điểm.

Về phía nước Mỹ, theo dự đoán của ông Hiếu, với tuyên bố rút khỏi TPP, Hoa Kỳ cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ra sao thì cần phải có thểm thời gian.

“Mỹ với vai trò là đầu tàu dưới thời tổng thống Obama chủ trương mậu dịch thương mại tự do. Mục đích tham gia TPP của Mỹ là tái cân bằng Á châu, tức là xoay trục châu Á, nhằm cân bằng lực lượng chính trị, kinh tế của quốc gia này ở vùng Á châu để đối đầu với Trung Quốc.

Nếu không có TPP thì Mỹ sẽ không thể xoay trục được. Trung Quốc sẽ làm vai trò đó. Nhưng cái lợi của Hoa Kỳ là bảo vệ được quan hệ mậu dịch, bảo vệ được thị trường của họ”, TS Hiếu nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới