Bộ tài chính Mỹ đã thay đổi một số lệnh trừng phạt áp với Nga dưới thời ông Obama, cho phép Cơ quan an ninh liên bang Nga được mua các sản phẩm công nghệ Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer bác bỏ quan điểm cho rằng những thay đổi mới của Bộ
tài chính Mỹ với Nga là sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm – Ảnh: Reuters
Theo báo USA Today một số quan chức Nga ca ngợi động thái này, xem đó như một tín hiệu ấm lên trong quan hệ giữa Matxcơva và Washington.
Tuy nhiên nhiều nghị sĩ quốc hội Mỹ lên án quyết định của Bộ tài chính, cho rằng điều đó chẳng khác nào xúi giục thêm những hành động can thiệp và tấn công mạng của Nga.
Trong khi đó chính quyền của tân tổng thống Donald Trump tuyên bố đó không phải là sự gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cho rằng những thay đổi đó chỉ là sự điều chỉnh bình thường với một chính sách phức tạp.
Quyết định đưa ra ngày 2-2 của Bộ tài chính Mỹ đã thay đổi những điều khoản trừng phạt với Nga do cựu tổng thống Barack Obama áp đặt hồi tháng 4-2015, và sau đó siết chặt một lần nữa vào tháng 12 năm ngoái để đáp trả những hoạt động tấn công mạng của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo đó Bộ tài chính Mỹ đã phê chuẩn những thay đổi liên quan tới “mọi giao dịch và hoạt động” của FSB, cơ quan nối tiếp của lực lượng tình báo Nga KBG, đã từng bị các sắc lệnh của cựu tổng thống Obama áp lệnh cấm. Trong đó có sự nới lỏng cụ thể với lệnh cấm bán các sản phẩm công nghệ thông tin của Mỹ cho FSB.
Tổng thống Trump bác bỏ quan điểm cho rằng những thay đổi này là sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm. Phát biểu với báo giới, ông nói: “Tôi không nới lỏng điều gì cả”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho rằng những thay đổi đó không phải là sự thay đổi chính sách. Ông Spicer mô tả chúng như một hoạt động bình thường mà Bộ tài chính cần làm để giải quyết những hậu quả không mong muốn của các lệnh trừng phạt.
Mặc dù quan điểm của Nhà Trắng là nhằm giảm bớt những đồn đoán về một sự thay đổi chính sách, nhưng cựu giám đốc FSB Nikolai Kovalyov, một thành viên của Duma quốc gia Nga, cũng nhìn nhận động thái này như một tín hiệu cải thiện quan hệ giữa Matxcơva và Washington.
Phát biểu với hãng thông tấn TASS của Nga, ông Nikolai Kovalyov cho biết: “Điều này cho thấy sự hợp tác thực sự trong việc thiết lập một liên minh chống khủng bố sắp bắt đầu. Nếu không có sự nới lỏng những lệnh trừng phạt này, sẽ không thể có bước đi tiếp theo”.
Tại Washington, động thái mới với Nga của Bộ tài chính Mỹ đã khiến các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa như John McCain và Lindsey Graham và nhiều nghị sĩ quốc hội khác thất vọng.