Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBành trướng, bá quyền dễ dẫn đến diệt vong

Bành trướng, bá quyền dễ dẫn đến diệt vong

Việt Nam đã từng là nạn nhân của sự tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu hệ giá trị của các siêu cường, rất may là chúng ta đã vượt qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 3/2, chúng tôi có bài phân tích nêu ra “9 thách thức sống còn với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump”.

Cũng nhìn từ góc độ lịch sử chính trị, kinh tế quốc tế, 9 thách thức mà chúng tôi đã nêu ra thực sự lại chính là 9 động lực giúp Hoa Kỳ phát triển. 

Chỉ có tư tưởng bành trướng, bá chủ mới dễ dẫn đến diệt vong, cho dù là Mỹ hay bất kỳ cường quyền đương đại nào.

Chính Donald Trump là người đang tích cực sửa lại “lỗi hệ thống” ấy và giúp nước Mỹ mạnh trở lại như những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Donald Trump đang sửa “lỗi hệ thống”

Thách thức số 1 mà chúng tôi đã nêu liên quan đến sắc lệnh hạn chế người tị nạn nhập cảnh Hoa Kỳ là công dân 7 nước Hồi giáo đang gây tranh luận mạnh mẽ trên truyền thông Mỹ và thế giới.

Nước Mỹ sở dĩ hùng mạnh bởi thu hút được nguồn tài nguyên chất xám dồi dào từ nhân loại, nhưng mặt trái của nó lại làm tăng rủi ro, nguy cơ bị tấn công bởi các phần tử khủng bố núp danh Hồi giáo, còn gọi là Hồi giáo cực đoan. 

Hiện nay, nó đang là nỗi lo chung của nhân loại và cả thế giới đang tìm cách diệt trừ.

Nước Mỹ đã phải trả giá với sự kiện khủng bố 11/9 bởi những gì họ đã làm ở Trung Đông, Trung Á – xuất khẩu hệ giá trị Mỹ, áp đặt, cường quyền một thời, nhưng đồng thời sự kiện này cũng cho thấy những lỗ hổng an ninh từ chính sách nhập cư.

Các phần tử khủng bố rất dễ trà trộn vào dòng người tìm cách nhập cảnh Hoa Kỳ, bởi thứ vũ khí nguy hiểm nhất mà chúng mang theo máy móc không thể phát hiện được. Đó chính là tư tưởng cực đoan, “thánh chiến”.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, vương quốc Anh đã quyết định rời Liên minh châu Âu với sự kiện Brexit trong năm 2016, mà một trong những nguyên nhân chính là áp lực người nhập cư từ Trung Đông đổ vào châu Âu quá lớn, đe dọa an ninh quốc gia và lợi ích cốt lõi của Anh.

Tôi đánh giá cao tinh thần nhân đạo và gương mẫu đi đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria, đồng thời cũng chia sẻ với bà những khó khăn và tệ nạn nảy sinh trong việc quản lý, kiểm soát dòng người nhập cư ồ ạt từ một đất nước xa lạ vào lòng nước Đức.

Tuy nhiên, khi đứng trước mâu thuẫn giữa lợi ích và an ninh quốc gia với tinh thần nhân đạo quốc tế, quyết định của London rời EU hay Donald Trump hạn chế nhập cảnh những công dân từ 7 nước Hồi giáo xuất phát từ thực tiễn đảm bảo an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ cũng như Anh quốc trong tình hình mới, thiết nghĩ nên được tôn trọng.

Trong bình diện quan hệ quốc tế hiện dại, đó là một phần của “chủ quyền quốc gia”, không ai có quyền can thiêp, vi phạm:

Quyền từ chối cho nhập cảnh những người có nguy cơ đe dọa đến an ninh đất nước mà họ nhắm đến, hay loại trừ những phần tử có hành vi gây rối trật tự xã hội, gây bất ổn chính trị….

Về phương diện đối nội, sắc lệnh này nếu vi phạm Hiến pháp hay các điều luật liên bang hiện hành, tự nó sẽ có những cơ chế miễn nhiễm.

Cho đến nay, những tiếng nói và hành động phản đối sắc lệnh này vẫn diễn ra một cách ôn hòa, phản ánh đặc trưng của nền chính trị Hoa Kỳ, chứ chưa có dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump “đuối lý”.

Sắc lệnh này nhắm mục tiêu hạn chế tối đa nguy cơ tấn công nước Mỹ từ các phần tử khủng bố núp danh Hồi giáo thì đã rõ ràng, nhưng cho rằng nó hạn chế thu hút nhân tài và chất xám vào Mỹ e hơi khiên cưỡng.

Những quyết sách về đối nội khác được Donald Trump đưa ra sau khi cầm chìa khóa Nhà Trắng, như hủy bỏ Đạo luật chăm sóc y tế giá cả phải chăng (Obamacare) cũng chính là để xóa bỏ độc quyền, bao cấp, tăng cường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty bảo hiểm, kích thích tinh thần lao động – sáng tạo, nên lo lắng xã hội Mỹ “thoái hóa” không có cơ sở.

Thách thức thứ 2 về tự do luyến ái – đổ vỡ gia đình, thách thức thứ 3 về mâu thuẫn sắc tộc tôi cho rằng đây là những vấn đề mâu thuẫn nội tại mà xã hội nào cũng có thể có.

Tuy nhiên với văn hóa Mỹ coi trọng và đề cao tự do cá nhân ngay cả trong lĩnh vực hôn nhân và quan hệ gia đình, chuyện ly hôn có thể nặng nề với người Việt vì tâm lý và tương lai con cái, nhưng với người Mỹ điều đó chưa chắc.

Đúng là những kẻ xả súng ở Mỹ đều có tâm lý bất bình thường, hay mang bệnh lý tâm thần, hoang tưởng. Hiện tượng này ở quốc gia nào cũng có, nhưng dễ gây chú ý ở Hoa Kỳ bởi luật pháp hiện hành cho phép người dân khá tự do sử dụng vũ khí.

Những vấn đề xã hội nảy sinh do các hiện tượng khủng hoảng tâm lý sẽ tự có cơ chế điều chỉnh ở các cấp độ khác nhau, khi cần thiết nhà nước mới can thiệp bằng chính sách.

Cứ nhìn số lượng nạn nhân tử vong vì xả súng ở Mỹ so với số lượng nạn nhân tai nạn giao thông, bệnh nhân ung thư ở nhiều quốc gia khác, thì người phải “giật mình” có lẽ không hẳn là người Mỹ.

Còn cạnh tranh sắc tộc ở Hoa Kỳ chỉ là một bình diện, một biểu hiện của nền chính trị Mỹ đòi hỏi những điều chỉnh về việc đảm bảo và phân chia lợi ích hài hòa cho các cộng đồng khác nhau, trong đó có các cộng đồng sắc tộc.

Thách thức số 4, số 5 và số 6, theo tôi đó cũng chính là cơ hội và thế mạnh của Mỹ.

Về thể chế, hệ thống chính trị Hoa Kỳ từ khi thành lập đã được các nhà lập quốc tạo ra cơ chế tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, linh hoạt về phương thức thể hiện nhưng bất biến về mục tiêu,

Nếu nói đến quy luật vũ trụ hay nhân sinh, thì ngay Trái Đất này cũng không tránh được “quy trình” thành – trụ – hoại – không, nói chi một quốc gia, dân tộc? Nhưng điều đó là ở thì tương lai xa.

Tự do và dân chủ là đặc trưng cơ bản của xã hội cũng như thể chế chính trị Hoa Kỳ. Một Tổng thống độc đoán chuyên quyền, thiếu đạo đức, dân bất tín nhiệm sẽ bị thay thế, đào thải, chứ không hẳn dẫn đến hỗn loạn xã hội.

Biến đổi khí hậu hay thảm họa tự nhiên là nguy cơ đối với toàn nhân loại chứ không riêng nước Mỹ. Có những cái bất khả kháng, và con người chỉ có thể học cách thích nghi và chung sống.

Về điều này, tôi cho rằng nhân loại cần học tập Nhật Bản, Israel và Hoa Kỳ.

Thách thức số 7, số 8 về mặt trái của khoa học – công nghệ và nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch là “của chung” nhân loại, là mặt thứ 2 của một đồng xu.

Tầm nhìn của Mỹ về 2 vấn đề này có lẽ chúng ta cần phải học hỏi họ, trong khuôn khổ bài viết này không thể dông dài, nên xin tạm nói vắn tắt như vậy.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu qua về chuyến thăm Việt Nam cuối cùng trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ của ông John Kerry. Ông dành khá nhiều thời gian cho các dự án bảo vệ môi trường sinh thái khi đặt chân đến Cà Mau với khoản viện trợ 17 triệu USD chống biến đổi khí hậu.​

Cuối cùng, nước Mỹ có nhiều kẻ thù, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố. Tôi đồng tình với nhận định này, nhưng nó mới chỉ là một vế của vấn đề – hệ quả.

Còn nguyên nhân sâu xa của nó chính là tư duy “xuất khẩu hệ giá trị”, áp đặt mà Mỹ từng theo đuổi. Donald Trump đang tìm cách thay đổi triệt để điều này.

Bành trướng, bá chủ dễ dẫn đến diệt vong

9 thách thức đe dọa đến sự tồn vong của Hoa Kỳ tôi cho là thế mạnh và cơ hội của Hoa Kỳ, vậy phải chăng nước Mỹ không có điểm yếu nào có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, diệt vong? Có chứ.

Đó chính là tư duy bành trướng, bá chủ, “xuất khẩu cách mạng”, áp đặt hệ giá trị của dân tộc mình lên dân tộc khác, quốc gia mình lên quốc gia khác, phát triển bằng cách đè đầu cưỡi cổ người khác.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, tất cả các đế chế hùng mạnh khuynh đảo một thời từ La Mã, Hi Lạp cổ đại cho đến vó ngựa Mông Cổ dẫm nát Trung Nguyên, bành trướng từ châu Âu đến châu Á, cuối cùng đều diệt vong.

Gần đây nhất, nhìn lại Chiến tranh Thế giới thứ I, Chiến tranh Thế giới thứ II, Chiến tranh Lạnh…chúng ta đều thấy rõ điều này. 

Bất kỳ “đế chế” nào phát triển bằng con đường “xuất khẩu cách mạng”, áp đặt hệ giá trị hay bành trướng lãnh thổ, chia lại thị trường bằng vũ lực đều bị diệt vong, bất luận là theo thể chế chính trị nào.

Những đế quốc sừng sỏ một thời như phát xít Đức – Ý – Nhật cuối cùng cũng bị tiêu diệt, hùng mạnh như Liên Xô cũng đến lúc tan rã. Hoa Kỳ bi tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 cũng là cái giá phải trả của chính sách “xuất khẩu hệ giá trị”.

Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền đã tuyên bố sẽ tìm cách sửa chữa tận gốc “lỗi hệ thống” ấy bằng tư duy, chiến lược hoàn toàn mới: nước Mỹ chỉ làm gương, không “xuất khẩu cách mạng”.

Hy vọng tuyên bố nãy sẽ biến thành hiện thực.

Do đó, chỉ những quan điểm, tư duy nào quen với “bầu sữa viện trợ” và chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ trước đây mới cảm thấy hoang mang, lo sợ khi nước Mỹ thay đổi.

Còn những tranh cãi trong lòng xã hội Mỹ từ khi Trump tham gia tranh cử, cho đến khi Trump bước vào Nhà Trắng là sự cọ sát biện chứng giữa cái cũ và cái mới, vận động tất yếu để đất nước phát triển.

Chúng ta nên bình tĩnh theo dõi và học cách ứng xử, xử lý các vấn đề mới do thời cuộc đặt ra từ xứ sở cờ hoa.

Cá nhân tôi cho rằng, không riêng Mỹ, tất cả các siêu cường đều có thể lặp lại vết xe đổ nếu ôm mộng bành trướng, bá chủ toàn cầu, phát triển bằng cách dẫm đạp lên kẻ khác.

Vũ khí và sức mạnh cơ bắp tưởng chừng là những tiêu chí đo đếm sức mạnh của một quốc gia trong bình diện quan hệ quốc tế, nhưng thực chất đó chỉ là biểu hiện bên ngoài.

Chỉ có mưu cầu bảo vệ hòa bình, thượng tôn pháp luật, sử dụng sức mạnh quân sự cho những điều chính nghĩa mới mang lại vị thế siêu cường. Dùng sức mạnh để đe dọa, lấn lướt dân tộc khác hay bành trướng lãnh thổ sẽ chỉ dẫn đến họa diệt vong.

Đây cũng là lý do chính khiến tôi tin rằng, nếu những yêu sách phi lý, tham vọng độc chiếm Biển Đông, vi phạm trắng trợn các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông vẫn tiếp tục hoành hành thì chắc chắn sẽ bị thất bại thảm hại như những gì đã từng xẩy ra trong lịch sử nhân loại.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, đây mới thực sự là “bài học lịch sử” các siêu cường cần nghiên cứu kỹ và rút ra cho mình, để những hành xử trong quan hệ quốc tế không đẩy mình đến chỗ bại hoại.

Đồng thời, nó cũng là bài học chung cho nhân loại, bất luận lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu. Vì một quốc gia có thể yếu với quốc gia này, nhưng lại mạnh với quốc gia khác.

Nhân loại ngày một tiến đến xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, muốn chung sống hòa bình, hãy biết tôn trọng sự khác biệt, vấn đề của nước nào, hãy để người dân nước đó tự giải quyết.

Việt Nam đã từng là nạn nhân của sự tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu hệ giá trị của các siêu cường, rất may là chúng ta đã vượt qua và đang trên đường tái thiết. 

Nhưng nguy cơ chưa phải đã hết, nếu thiếu đầu óc tỉnh táo cần thiết trước những biến động khó lường của thời cuộc, nếu không làm chủ được cảm xúc trước những thay đổi, biến thiên của các xu thế chính trị – kinh tế quốc tế, của thực tiễn khách quan.

Hãy nhìn vào bán đảo Triều Tiên để thấy rằng, dân tộc mình còn may mắn. Hãy nhớ rằng, lịch sử nước nhà đã có không ít thăng trầm.

Từ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đàng Trong – Đàng Ngoài, cho đến Vĩ tuyến 17 từng chia cắt 2 miền Nam – Bắc sau Hiệp định Genéve 1954 với sự can thiệp và ảnh hưởng chi phối của 3 siêu cường Mỹ – Trung – Xô (Nga), mà đằng sau là những thỏa hiệp và đổi chác.

Trong số 3 siêu cường đương đại, Hoa Kỳ đang thay đổi mạnh nhất, thích nghi nhanh nhất với biến động thời cuộc.

Chắc chắn những quyết sách đối nội cũng như đối ngoại của Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có chúng ta. Đó là cơ hội hay thách thức, phụ thuộc vào chính khả năng quan sát, phán đoán và nhận định của chúng ta.

RELATED ARTICLES

Tin mới