Dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân Type-092 (lớp Xia) được cho là tốn nhiều công sức và tiền bạc, nhưng kết quả chỉ là nỗi thất vọng cho Bắc Kinh.
Tàu ngầm Type-092 neo đậu tại cảng. Ảnh: Blogspot.
Trong thập niên 1980, Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân, trong đó có việc đóng tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type-092 (lớp Xia). Tuy nhiên, dự án ngốn rất nhiều tiền này lại bị coi là một thảm họa khi các tàu ngầm lớp Xia không thể được biên chế sau 20 năm, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, Trung Quốc có lực lượng răn đe hạt nhân được cho là tương đối nhỏ, gồm 260 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên bộ (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, chủ yếu dùng để trả đũa hạt nhân. Việc phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, bởi chúng rất khó bị phát hiện và tiêu diệt, phù hợp với chiến lược trả đũa hạt nhân của Trung Quốc.
Tàu ngầm Type-092 là tác phẩm của Phòng thiết kế tàu ngầm hạt nhân của Viện số 7, với sự giám sát của tổng công trình sư Huang Xuhua. Hầu hết các tàu ngầm Trung Quốc khi đó vẫn sử dụng hình dáng vỏ truyền thống phát triển từ thời Thế chiến II. Tuy nhiên, Huang muốn thiết kế vỏ tàu mới hình giọt nước, kiểu thiết kế do Mỹ tiên phong và giành được thành công lớn với tàu ngầm thử nghiệm USS Albacore.
Bản phác thảo đầu tiên hoàn thành vào tháng 10/1967 với mật danh Type-09 nhằm chế tạo hai tàu ngầm tấn công Type-091 và Type-092. Chiếc tàu ngầm lớp Xia đầu tiên được hạ thủy năm 1981 và ra khơi sau đó hai năm.
Tàu ngầm lớp Xia dài 120 m, rộng 10 m, giãn nước khi lặn 6.500 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn 140 người, có thể lặn sâu 300 m với tốc độ hành trình 40 km/h nhờ trang bị một lò phản ứng hạt nhân công suất 90 MW.
Lớp Type-092 được thiết kế để mang 12 tên lửa đạn đạo Julang JL-1, phiên bản sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn chỉ 1.770 km và trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 250 kiloton. Loại tên lửa này lần đầu bắn thử nghiệm vào tháng 9/1982 trên biển Hoàng Hải, nhưng kết quả thu được rất thất vọng.
Tầm bắn ngắn khiến tên lửa JL-1 chỉ có thể chạm tới nửa trên của lãnh thổ Nhật Bản và không thể vươn tới quân cảng Khabarovsk quan trọng của Liên Xô. Muốn đe dọa được Moscow, tàu ngầm phóng tên lửa JL-1 phải hoạt động trên biển Baltic, sân nhà của Liên Xô khi đó.
Bản thân Type-092 không thể coi là thành tựu quân sự, bởi việc đóng tàu gặp quá nhiều khó khăn, vượt quá khả năng đóng tàu ngầm của Trung Quốc. Tàu đi vào vận hành năm 1983 nhưng gặp nhiều vấn đề liên quan đến độ tin cậy và nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân trên tàu. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Xia được cho là có độ ồn lớn nhất trong số các tàu ngầm của Mỹ, Trung, Liên Xô, khiến nó dễ bị phát hiện và theo dõi.
Tàu ngầm lớp Xia chỉ thực hiện đúng một chuyến tuần tra và không bao giờ ra khơi sau đó. Việc bảo quản ở bến tàu kéo dài đến nỗi xuất hiện tin đồn cho rằng nó bị bốc cháy và chìm năm 1985. Tàu ngầm này có thể chưa bao giờ ra khỏi lãnh hải Trung Quốc, trải qua lần đại tu năm 1995 và không xuất hiện trong nhiều năm.
Năm 2000, chiếc Type-092 nổi lên mặt nước trong một cuộc tập trận quân sự. Nhưng sau đó, nó tiếp tục không được sử dụng trước khi trở lại ụ nổi trong giai đoạn 2005-2007.
Tuy Type-092 không khác gì một tàu ngầm thử nghiệm, nó đã giúp Trung Quốc thu được những bài học kinh nghiệm quý giá về công nghệ chế tạo và vận hành tàu ngầm, từ đó chế tạo tàu ngầm lớp Type-094 hiện đại hơn.
Dù không hoàn hảo vì độ ồn cao, 4 tàu ngầm Type-094 đã tiến gần hơn tới tầm nhìn ban đầu của Trung Quốc về khả năng răn đe hạt nhân trên biển. Một phần không nhỏ trong thành công này là nhờ kinh nghiệm từ tàu ngầm Type-092, Mizokami nhận định.