Sunday, April 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 06/02

Bản tin Biển Đông ngày 06/02

Bản tin Biển Đông ngày 06/02/2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Người đứng đầu Lầu Năm góc: Động thái quân sự là chưa cần thiết trong vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông

Ngày 4/2, hãng Nikkei cho biết ông James Mattis, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khẳng định rằng hiện chưa cần triển khai quân sự nhằm ngăn cản hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, những hành động bị ông lên án một cách gay gắt. Cụ thể, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp ngoại giao và duy trì các kênh trao đổi trong việc giải quyết các xung đột vào thời điểm này.Tại cuộc họp báo tại Tokyo sau buổi hội đàm với bà Tomomi Inada, người đồng cấp Nhật Bản, ông Mattis khẳng định “Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực”, qua đó gián tiếp đề cập đến những động thái của phía Bắc Kinh nhằm bành trướng ranh giới trên biển, trong đó có các chương trình xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ thể hiện sự nhất trí cao trong vấn đề Biển Đông

Ngày 4/2, hãng Kyodo News cho biết trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách là thành viên đầu tiên của Nội các Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản, ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đạt được lập trường nhất quán liên quan đến các thách thức an ninh ở khu vực. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đồng minh đôi bên và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc can dự vào tình hình Biển Đông, nơi mà hành động hung hăng của Trung Quốc được xem là một mối lo ngại, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn nhằm đối phó với các thách thức an ninh, bao gồm “các hành động gây căng thẳng ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Ông Mattis khẳng định “Quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì an toàn và an ninh ở khu vực, không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai”, cho biết “Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đặt khu vực ở mức ưu tiên cao hơn, đặc biệt chú trọng đến các đồng minh lâu năm như Nhật Bản”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản khẳng định không tham gia vào các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông

Ngày 5/2, tờ The Japan Times đưa tin, ngày 4/2, bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định lực lượng Phòng vệ nước này sẽ không tham gia vào các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Trong một chương trình truyền hình cùng ngày, bà cho biết tại cuộc gặp với Bộ trưởng Mattis tại Tokyo đã bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với hoạt động tự do hàng hải của quân đội Mỹ. Bà Inada nhấn mạnh “Nhật Bản sẽ thể hiện vai trò của mình thông qua hợp tác và huấn luyện”, qua đó cho thấy cam kết của Nhật Bản nhằm giúp các quốc gia ở Biển Đông nâng cao khả năng phòng thủ .

Bế tắc vô thời hạn: Trung Quốc không thể từ bỏ, cũng không thể kiểm soát được Biển Đông

Ngày 6/2, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Bế tắc vô thời hạn: Trung Quốc không thể từ bỏ, cũng không thể kiểm soát được Biển Đông” của nhà báo Steven Stashwick, trong đó khẳng định tình hình Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc khi Trung Quốc “không thể ngăn cản Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực” và Mỹ “không thể buộc Trung Quốc đào tung các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng”.

Trong khi ông Angus Houston, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc và Đô đốc Jonathan Greenert, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ gần đây lo ngại rằng đã quá muộn để đẩy Trung Quốc ra khỏi các căn cứ nước này bồi đắp một cách phi pháp trên Biển Đông trừ khi thực hiện điều đó bằng một chạm trán quân sự, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây cũng thừa nhận nói Bắc Kinh chỉ có thể giành được kiểm soát hữu hiệu đối với một số vùng biển tranh chấp trong một cuộc xung đột. Trước đó, hồi tháng 3 năm 2016, PLA đã thừa nhận rằng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của phía Trung Quốc ở Trường Sa không thể đảm bảo sự kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông và do đó “cảm thấy không lạc quan” nếu xảy ra xung đột. Bài viết khẳng định đánh giá này của PLA là phù hợp với những phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển RAND 2015 rằng các căn cứ này rất dễ “tổn thương” nếu xảy ra xung đột và “khó có thể trở thành yếu tố then chốt trong các hoạt động quân sự cường độ cao chống lại các lực lượng của Mỹ ngay từ những giờ đầu tiên của cuộc chạm trán”. Các báo cáo của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) cũng cho thấy rằng, với quy mô và mức độ bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở Biển Đông cùng nhiều cơ sở, công trình quân sự, Trung Quốc sẽ khó lòng “vứt bỏ” toàn bộ những công trình của mình một cách “êm đẹp”. Tác giả khẳng định đây là điều khiến Đô đốc Greener đưa ra cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm khôi phục “hiện trạng như trước” ở Biển Đông sẽ thúc đẩy một cuộc đụng độ quân sự. Thêm vào đó, tác giả cho rằng đầu tư, vị thế quốc tế lớn và bản chất hiếu chiến của Trung Quốc mới là những nhân tố chứng tỏ rằng sẽ khó có thể thấy Trung Quốc chấp nhận bị mất mặt trước tình hình chính trị nội bộ để rút các căn cứ xây dựng trái phép trên Biển Đông Điểm này có một chút khác biệt so với nội dung phát biểu của ông Bilahari Kausikan, Đại sứ lưu động của Singapore rằng các bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là nhằm đạt được mục tiêu chính trị nội bộ, “biểu diễn” cho người Trung Quốc thấy rằng Đảng Cộng sản nước này “đã giữ lời hứa sẽ thu hồi lãnh thổ đã mất” một cách “ít rủi ro” và “ít chi phí”.

RELATED ARTICLES

Tin mới