Bản tin Biển Đông ngày 09/02/2017.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định quan điểm về vấn đề Biển Đông
Ngày 8/2, hãng ABC của Úc cho biết, tại cuộc phỏng vấn với chương trình RN Breakfast, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Bishop đã nhấn mạnh và tái khẳng định “Úc không ủng hộ việc bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hoá, mức độ và quy mô của các công trình trên các đảo này và kêu gọi giải quyết một cách hoà bình mọi tranh chấp lãnh thổ hay tranh chấp biển”. Đồng thời bà “kêu gọi các bên kiềm chế, nỗ lực đàm phán với các bên, Úc cũng sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của mình bởi Úc muốn đảm bảo được tự do tiếp cận cho các tuyến thông thương”. Phát biểu này được cho là hướng vào Trung Quốc, thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng của Úc đối với hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biển Đông – một trở ngại lớn của Tổng thống Donald Trump và một số giải pháp
Ngày 8/2, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Biển Đông – một trở ngại lớn của Tổng thống Donald Trump và giải pháp” của Amy Searight và Geoffrey Hartman, hai chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) kêu gọi chính quyền mới của Mỹ cần lên kế hoạch thay đổi chiến lược của Mỹ ở Biển Đông nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và giải quyết hoà bình các tranh chấp, tiếp tục thực hiện các mục tiêu thúc đẩy quan hệ đồng minh và đối tác khu vực, duy trì các quan hệ có lợi với Trung Quốc đồng thời tránh rơi vào bẫy hoạch định chính sách kém hiệu quả và phản tác dụng.
Các tác giả đưa ra một số đề xuất từ nhóm nghiên cứu của CSIS rằng Mỹ nên có một chiến lược bền vững nằm tăng cường tự lực, hợp tác có hiệu quả hơn với các đồng minh và đối tác tiềm năng, đồng thời thúc đẩy trật tự khu vực. Chính quyền mới của Mỹ nên hiện thực hoá các nhiệm vụ này bằng cách tiến hành một bản tổng kết chiến lược mang tính kịp thời, toàn diện và sâu sắc để chính sách về Biển Đông của Mỹ được nhất quán và hiệu quả hơn. Các đề xuất đó là: (i) vừa kiềm chế vừa hợp tác trên cơ sở lợi ích của hai bên, (ii) đưa ra thông điệp rõ ràng và tiếp tục duy trì các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, (iii) bắt đầu sử dụng các biện pháp ngoại giao, tuyên truyền, pháp lý và kinh tế để kiềm chế Trung Quốc về lâu dài, (iv) tăng cường hơn nữa việc xây dựng năng lực với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm cải thiện khả năng đối phó với sự chèn ép của Trung Quốc và (v) tiếp tục duy trì lập trường của Mỹ ở Biển Đông nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích của nước này cũng như các nguyên tắc và thông lệ quốc tế ở khu vực.