Cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, giải quyết khủng hoảng Ukraine… có thể sẽ khiến Nga – Mỹ xích lại gần nhau hơn.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin ngày 28/1 vừa qua. Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump đã chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vào ngày 20/1 vừa qua. Bên cạnh sự chú ý về những chính sách đối nội của tân Tổng thống Donald Trump, dư luận cũng rất quan tâm đến mối quan hệ Mỹ-Nga dưới thời của ông Trump.
Các chuyên gia dự đoán rằng, xét trong hoàn cảnh hiện nay, Moscow và Washington có thể tìm thấy điểm chung trong 5 vấn đề sau:
Cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tình hình Trung Đông
Cả Kremlin và Nhà Trắng đều nhận thức được mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông – chủ yếu là từ các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như sự cần thiết phải đoàn kết để ngăn chặn mối đe dọa này.
Các chuyên gia tin rằng, nhận thức trên sẽ khiến Moscow và Washington sẽ xích lại gần nhau hơn để cùng chống lại các phần tử cực đoan tại Syria.
Yuri Rogulev – giám đốc của Quỹ Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Quốc gia Moscow cho rằng nền tảng cho sự hợp tác này đã được hai bên thiết lập. Các chuyên gia Nga và Mỹ ở Syria đã cùng làm việc để giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Các kênh liên lạc đã được thiết lập và việc trao đổi thông tin giữa quân đội hai nước đã bước đầu được triển khai.
Trong khi đó, ông Dmitri Suslov – Phó Giám đốc Khoa Kinh tế và các vấn đề Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu cho rằng, cách tiếp cận mới của tân Tổng thống Donald Trump với cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa Moscow và Washington.
Chính quyền của Tổng thống Obama trước đây luôn xem Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tại nước này, trong khi đó Moscow luôn “nói không” với việc ông Assad phải từ chức. Chính sự khác biệt về quan điểm chính trị đã khiến cho việc hợp tác giải quyết khủng hoảng Syria và chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan giữa hai bên là không thể.
Cũng theo ông Suslov, giờ đây chính quyền của Tổng thống Donald Trump rất có thể sẽ không coi việc Tổng thống al-Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết cho một giải pháp chính trị tại Syria. Điều này sẽ giúp Nga và Mỹ thiết lập cơ chế hợp tác quân sự một cách thực chất và có được quan điểm chung trong khuôn khổ các quy định về chính trị liên quan đến tình hình Syria.
Giải quyết căng thẳng ở vùng Baltic và Biển Đen
Theo ông Suslov, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ “đóng băng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự Mỹ và NATO ở Đông Âu, bao gồm cả ở Ba Lan và các nước Baltic, đồng thời sẽ cố gắng để tránh xung đột với Nga”. Ông Suslov cũng không loại trừ khả năng Washington sẽ “uốn nắn” các đồng minh Đông Âu của mình nếu họ có hành động khiêu khích đối với Moscow.
Đổi lại, trong tương lai, Nga sẽ phải tránh các hành vi vi phạm không phận của NATO, dừng việc thực hiện các chuyến bay tắt thiết bị thu phát sóng cũng như các hành động khiêu khích khác.
“An ninh châu Âu sẽ không được cải thiện, nhưng căng thẳng có thể sẽ giảm đi. Đây là điều mà ông Trump có thể xem như là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của mình”, ông Suslov nói.
Khủng hoảng tại Ukraine
Các chuyên gia cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nga và Mỹ có thể tìm ra cách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông Trump có thể chỉ nhìn nhận Ukraine là một vấn đề và không cảm thấy phải có bất kỳ trách nhiệm chính trị nào đối với các sự kiện xảy ra vào năm 2014 dẫn đến việc lật đổ chính quyền ở Kiev.
“Chính quyền của ông Trump đã cho thấy họ có thể sẵn sàng gây áp lực đối với Kiev, buộc nước này phải thực hiện một phần của Hiệp định hòa bình Minsk”, ông Suslov nói. Điều này cũng trùng hợp với mong muốn của Moscow bởi Điện Kremlin thường chỉ trích Kiev về sự miễn cưỡng trong việc thực thi Hiệp định Minks, trong đó những cam kết chính trị vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Ukraine.
Tuy nhiên các học giả cũng cho rằng, các quyết định, giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine chắc sẽ không có trong “một sớm, một chiều”. Theo ông Alexei Chesnakov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chính trị cho rằng, chính quyền mới tại Mỹ mới chỉ hình thành nhóm chính sách đối ngoại và họ cần thời gian để tìm hiểu tình hình. Cho đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có một học thuyết về chính sách đối ngoại.
Ngoài ra, Moscow và Washington cần phải đạt được một tầm nhìn chung liên quan đến tương lai của Ukraine để có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này. Nga ủng hộ ý tưởng liên bang hóa Ukraine – trong đó quyền lợi của các khu vực khác nhau phải được nêu rõ và bảo vệ. Trong khi đó, Mỹ ủng hộ Chính phủ hiện nay tại Kiev cũng như nguyên tắc chính trị tập trung tại Ukraine dù vẫn lên tiếng về sự cần thiết trong việc trao thêm quyền lực cho các địa phương.
Vũ khí hạt nhân
Các chuyên gia tin rằng, dưới thời của ông Trump, Nga và Mỹ sẽ cố gắng để đạt được một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đây có thể sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương.
Tuy nhiên theo ông Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm HSE, vấn đề này sẽ có tầm quan trọng với Mỹ nhiều hơn là Nga. Washington đang phải đối mặt với những thách thức trong việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân chiến lược – vốn không được nâng cấp, cải tạo kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ước tính chi phí cho dự án hiện đại hóa này sẽ lên tới hàng trăm tỉ USD. Ngoài ra, với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ cũng muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Thái Bình Dương, nhưng đi kèm với đó là những chi phí rất tốn kém.
Theo ông Kashin, để thực hiện cả hai dự án trên, ông Trump sẽ phải giảm số lượng các căn cứ quân sự của Mỹ tại các khu vực khác trên thế giới, cũng như cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân – giúp cho việc hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân của Mỹ ít tốn kém hơn.
Tuy nhiên đối với Moscow, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân vào thời điểm này không phải là là do lợi ích mà nó mang lại. Trong suốt nhiều năm qua, Nga đã thực hiện việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo các chuyên gia, “một thỏa thuận về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân là điều mà Nga không cần, trong khi Mỹ lại rất cần”. Chính vì vậy, để đổi lại, Mỹ sẽ phải “nhượng bộ” Nga nhiều hơn.
Các biện pháp xử phạt Nga
Để đổi lấy việc Nga cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, ông Trump chỉ để xuất nới lỏng một phần hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Các chuyên gia Nga cho rằng, đây rõ ràng là một đề xuất “khó có thể chấp nhận được”.
Ông Rogulev cũng lưu ý rằng, mặc dù Tổng thống Trump đang cho thấy xu hướng muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Nga và hủy bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng phía Nga cũng không nên mong đợi các biện pháp này sẽ sớm được gỡ bỏ. Ông Trump có thể sẽ sử dụng chủ đề này trong các cuộc đàm phán với Nga trong tương lai nhằm đạt được lợi ích từ phía Moscow.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, Washington về cơ bản là không sẵn sàng để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Nga bởi, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận thất bại.