Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao tàu sân bay Mỹ làm TQ và Nga lo sợ

Vì sao tàu sân bay Mỹ làm TQ và Nga lo sợ

Những công nghệ mới được ứng dụng sẽ giúp Hải quân Mỹ trong tương lai sở hữu hạm đội siêu tàu sân bay đặc biệt lớp Gerald Ford – lớn nhất và hiện đại nhất thế giới.

Ảnh đồ họa tàu sân bay Gerald Ford.

Những đặc tính kỹ thuật – chiến thuật hoàn hảo

Năm 2009, lần đầu tiên sau 35 năm, Hải quân Mỹ bắt đầu triển khai đóng chiếc tàu sân bay loại mới được mang tên của cựu tổng thống Mỹ Gerald Ford, chiếc tàu này hoàn toàn xứng đáng là hàng không mẫu hạm nguyên tử của thế kỷ XXI.

Những công nghệ mới được ứng dụng trong chiếc tàu mới đã khiến cho thời hạn bàn giao bị kéo dài, nhưng chính điều đó sẽ giúp cho lực lượng Hải quân Mỹ trong tương lai sở hữu hạm đội siêu tàu sân bay đặc biệt – lớn nhất và hiện đại nhất thế giới.

“Ford” kế thừa những truyền thống đặc biệt thành công của các tàu sân bay lớp “Nimitz”. Nó bắt đầu được đóng mới vào năm 2009 tại nhà máy đóng tàu của công ty Huntington Ingalls Industries ở Newport-News (bang Virginia), nơi những tàu sân bay thế hệ trước chào đời.

Cần phải nói rằng “Ford” có nhiều nét giống với “Nimitz”. Chiều dài của nó là 337m, trong khi đó của “Nimitz” tương đương 333m. Độ giãn nước của cả hai tàu sân bay với tải trọng tối đa là 100 nghìn tấn. Sơ đồ bố trí các khu vực trên tàu cũng giống nhau. Đài chỉ huy trên mặt tàu cùng nằm ở phía bên phải.

Ngoài ra, chúng có sân bay chéo góc với các ống phóng và dây cáp hãm phục vụ cho việc phóng và hạ cánh máy bay. Chiếc tàu mới được trang bị động cơ chạy bằng năng lượng từ 2 lò phản ứng hạt nhân AW1 thiết kế mới tạo ra 600 MW điện năng, có nghĩa là gấp 3 lần “Nimitz”.

“Ford” cần toàn bộ lượng điện năng này để không chỉ di chuyển với vận tốc tối đa 35 hải lý/h mà còn để cung cấp năng lượng cho các hệ thống phóng máy bay cơ điện từ, tạo ra từ trường mạnh giúp cho chiếc máy bay nhanh chóng có thể đạt được vận tốc cất cánh cần thiết.

Người ta nói nhiều về hệ thống này, rằng nó đơn giản hơn, rằng nó kéo dài tuổi thọ của máy bay, rằng nó dễ bảo dưỡng, và rằng nó có thể phục vụ nhiều hơn 25% số lần cất cánh của các máy phóng hơi loại cũ.

Trên chiếc tàu sân bay mới này cũng sẽ sử dụng hệ thống đáp máy bay hiện đại hơn. Trong hệ thống bắt chụp bằng tuốc bin điện mới của Công ty General Atomics, việc kéo cáp níu sẽ được điều chỉnh bằng một động cơ điện cảm ứng giúp nó hoạt động một cách êm ái hơn.

Cũng giống như máy phóng điện từ, hệ thống bắt chụp này được kỳ vọng sẽ an toàn hơn hệ thống “phanh” được áp dụng hiện nay trên tàu “Nimitz”. Nó cũng giúp giảm bớt áp lực lên khung sườn máy bay khi hạ cánh.

Trên tàu sân bay “Ford” trang bị hệ thống radar hiện đại nhất, tích hợp radar đa năng AN/SPY-3 Aegis tần sóng X và radar nhìn vòng VSR tần sóng S, giúp cho “Ford” tìm kiếm, theo dõi và xác định tham số cùng lúc nhiều mục tiêu như tên lửa và máy bay của đối phương để điều khiển các tên lửa Evolved Sea Sparrow Missile (ESSM) tiêu diệt chúng.

Để phòng vệ, trên chiếc tàu sân bay mới có trang bị 2 hệ thống phóng Mk 29 với 8 quả tên lửa ESSM mỗi hệ thống, cũng như 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không RAM. Chiếc tàu cũng được trang bị hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx để chống máy bay, tên lửa và những tàu chiến hạng trung của đối phương, và 4 súng đại liên M2 50mm.

Công suất điện lớn cho phép “Ford” có thể trang bị trong tương lai vũ khí phòng thủ bằng lazer. Loại vũ khí này, khi tiếp nhận năng lượng từ các lò phản ứng hạt nhân của tàu, gần như sẽ có lượng “đạn” không giới hạn, giúp mở rộng đáng kể những tính năng phòng vệ của tàu sân bay.

Lực lượng máy bay trên boong chính là vũ khí tấn công và phòng vệ chủ lực của “Ford”.

Nó có thể mang trên boong 2 phi đội máy bay tiêm kích tàng hình F-35C với mỗi phi đội gồm 10-12 chiếc, 2 phi đội máy bay tiêm kích-cường kích F/A-18E/F Super Hornet gồm 10-12 chiếc/phi đội, 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D Haweye và 2 máy bay vận tải C-2 Greyhound.

Trong thành phần lực lượng không quân trên hạm còn có sự hiện diện của 8 trực thăng MH-60S Seahawk. Sau này, chiếc tàu sân bay sẽ được trang bị thêm các thiết bị bay không người lái MQ-25 Stingray để tiếp nhiên liệu trên không và triển khai do thám.

Theo thời gian, các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ thay thế Super Hornet, thậm chí “Ford” còn có thể tiếp nhận cả các thiết bị bay tấn công không người lái tầm xa. Còn máy bay V-22 Osprey có thể sẽ thay thế C-2 Greyhound để làm nhiệm vụ vận tải.

Mỹ đã, đang và sẽ sở hữu nhiều tàu sân bay nhất thế giới

Khi “Ford” gia nhập đội hình của hạm đội thì số lượng tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ tăng lên con số 11. Đây là số lượng tối thiểu đã được Hạ viện Mỹ quy định: “Lực lượng chiến đấu của Hải quân phải bao gồm không dưới 11 tàu sân bay đang hoạt động”. Tạm thời yêu cầu này chưa được thực hiện.

Tiếp sau Ford sẽ đến lượt John Kennedy – chiếc tàu thứ hai thuộc lớp này. Hiện nay nó đang được đóng tại Newport-News và đến năm 2020 sẽ được bàn giao. Trong năm tới dự kiến sẽ bắt đầu đóng mới chiếc tàu sân bay thứ 3 “Enterprise” và nó cũng sẽ tham gia tuần tra chiến đấu vào đầu những năm 2020.

Trong khuôn khổ những nỗ lực của tổng thống Donald Trump và tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nhằm tăng số lượng tàu chiến lên đến 350-355 chiếc, trong thời gian tới Mỹ có thể triển khai đóng mới tối thiểu thêm 1 chiếc tàu sân bay kiểu “Ford”.

Mặc dù chiếc tàu sân bay này được trang bị kỹ thuật tối tân nhất, nhưng nó cũng gặp phải những vấn đề nhất định.

Những khó khăn nghiêm trọng xảy ra trong quá trình nghiên cứu máy phóng điện từ và hệ thống bắt chụp mới, và Hải quân Mỹ có lúc thậm chí còn nghĩ tới việc lắp đặt trên tàu sân bay “Kennedy” hệ thống phanh hãm truyền thống và ổn định hơn.

Mặc dù có những khó khăn trong quá trình thiết kế, hệ thống mới phục vụ cất và hạ cánh gần như đã sẵn sàng. Theo thông tin của Hải quân Mỹ, “Ford” đã hoàn thành gần 99%, còn công tác thử nghiệm đã hoàn thành 93%. Chiếc tàu sân bay này sẽ được bàn giao cho lực lượng chiến đấu của Hải quân vào tháng 4 tới đây.

Chắc chắn những chiếc tàu sân bay siêu khủng thế hệ mới này sẽ khiến Nga và Trung Quốc đứng ngồi không yên. Họ cũng sẽ phải làm điều gì đó và tương lai sẽ trả lời.

RELATED ARTICLES

Tin mới